Tác phẩm chưa từng đoạt giải chính thức nhưng được sưu tập, chọn treo ở nhiều nước. Không đào tạo “chính quy” vẫn sáng tác hàng trăm tác phẩm. Trương Bách Tường, người tưởng rất quen nhưng nếu chịu “khai quật” từ chuyện đời chuyện nghề ở anh lại thấy nhiều điều lạ lẫm…
Trương Bách Tường cạnh tác phẩm sắp đặt “Sóng nước Bạch Đằng Giang”. Ảnh: H.X.H |
Tự học… đủ thứ
Kể từ khi cụ Trương Mậu Viễn rời phủ Chương Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) sang thần phục chúa Nguyễn hồi giữa thế kỷ 18 do không muốn sinh sống với triều Mãn Thanh, hậu duệ tộc Trương định cư tại làng Minh Hương (Hội An) tính đến thế hệ Trương Bách Tường đã trải 9 đời. Năm 1840, cụ Trương Chí Cẩn, đệ tam thế tổ của tộc Trương giữ chức Binh bộ chủ sự dưới triều vua Minh Mạng đã đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng từ đường Trương Đôn Hậu. Hơn 160 năm sau, từ đường ấy được đưa vào dự án bảo tồn nhà dân gian truyền thống Việt Nam (cùng với các công trình khác ở Bắc Ninh, Đồng Nai, Nam Định, Thanh Hóa, Tiền Giang) và nhận Giải thưởng công trạng về bảo tồn di sản văn hóa của UNESCO.
Khi lần tìm địa chỉ ngôi nhà cổ tộc Trương ở phố Hội hồi năm 2004, tôi bắt đầu quen Trương Bách Tường…
Người đàn ông sinh năm 1966 này tự nhận mình có chút “ảnh hưởng” từ truyền thống văn thơ nhạc họa của gia tộc họ Trương gốc Phúc Kiến. Nhưng ít ai biết, anh đã trải qua một quãng thời gian vất vả giai đoạn 1983-1994, trải nghề áp tải rau quả, trái cây từ Đà Lạt xuống chợ Cầu Ông Lãnh (TP.Hồ Chí Minh), giữ chân vẽ bảng hiệu quảng cáo, xi mạ kền, kế toán, vẽ sườn xe đạp… “Nói chung, ai cần chi thì kêu nấy” - anh tự trào về những ngày hết lên Đà Lạt rồi xuống Sài Gòn. Quay về Hội An, anh cũng chưa dứt được ngay nghề sửa xe đạp, vẽ pa-nô bảng hiệu quảng cáo, vẽ chân dung. Từ năm 1995, Trương Bách Tường liều lĩnh rẽ vào lối đi mới: mở gallery và sáng tác tranh.
Tôi gọi đó là ngả rẽ “liều lĩnh” vì Trương Bách Tường bước vào cuộc chơi không qua trường lớp chính quy nào, khác xa những sắc màu rực rỡ từ các bức tranh hay chút ít bí hiểm trong tác phẩm sắp đặt mà anh thể hiện. Cuộc mưu sinh và niềm đam mê đã xô đẩy và gần như xúi giục anh lao vào nghệ thuật. Đôi khi anh cũng lục tung những nghi ngại của chính mình, rồi tự trả lời, rằng mỹ thuật là nơi chốn chuyển tải cảm nhận về cuộc sống. “Mỗi người có một cảm quan nghệ thuật riêng. Như đạo diễn Trần Anh Hùng vừa nói trên báo chí, nếu khiêm tốn thì đừng làm nghệ thuật. Tôi cũng tin vào tác phẩm của mình. Khi hoàn tất, mình sẽ tự trả lời xem nó đã đúng ý mình muốn chưa, nó muốn nói với người xem câu chuyện gì” - anh tâm sự.
Bắt đầu từ ngày 3.12, Trương Bách Tường mở triển lãm cá nhân chủ đề “Bên trong, bên ngoài”, kéo dài nửa tháng, trưng bày 19 bức tranh và 3 tác phẩm sắp đặt. Đây là triển lãm cá nhân lần đầu tiên của anh tại phố cổ Hội An sau 20 năm theo đuổi nghệ thuật, và là triển lãm cá nhân thứ 2 nếu tính cả sự kiện tại TP.Hồ Chí Minh hồi năm 2007. Chương trình này nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 17 năm ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới (cùng với triển lãm ảnh của Réhahn, trưng bày sản phẩm nghề gốm Thanh Hà…). Trương Bách Tường từng tham gia triển lãm nghệ thuật khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong các năm từ 2003-2016. Tại Hội An, anh cũng có triển lãm nhóm (2002-2008), triển lãm và sắp đặt (2009). Anh là hội viên Hội VH-NT tỉnh Quảng Nam. |
Chuyện nghề của Trương Bách Tường, hỏi chuyện chi cũng thấy lạ. Anh bảo mình may mắn khi chưa bao giờ bị loại tác phẩm nào tại các liên hoan mỹ thuật, nhưng cũng chưa bao giờ… được trao giải. Anh im lặng “cày” như những người bạn Bùi Công Khánh, Hoàng Thanh Vĩnh Phong và lặng lẽ tự học. Tự học thôi, nhưng từ năm 2004 anh đã là thành viên sáng lập CLB mỹ thuật Hội An cùng với các họa sĩ Nguyễn Hữu Thấu, Huỳnh Thị Nhung, Bảo Ly… Dù đến nay chỉ vỏn vẹn 2 tác phẩm nhận tặng thưởng gồm “Chiều muộn” (tranh sơn dầu, triển lãm “Họa sĩ với phố cổ” 2009) và “Sóng nước Bạch Đằng Giang” (sắp đặt, Hội Mỹ thuật Việt Nam 2016), nhưng tranh của anh được sưu tập và triển lãm tại Anh (năm 1997 và 2004), Úc (1998), Mỹ (2004), Ấn Độ (2007). Riêng bức “Chiều muộn” đang nằm trong bộ sưu tập cá nhân ở Đức. Vẽ xong “Chiều muộn”, cũng góc phố ấy, anh tiếp tục… vẽ thêm 200 bức nữa, và bán hết. “Không ai hỏi vì sao mình cứ ngồi vẽ miết một chỗ đó” - anh hóm hỉnh.
Bên ngoài và bên trong
Tôi ngồi với Trương Bách Tường ở gian phía sau nhà cổ 57 Trần Phú, điểm dừng chân ở khu phố cổ. Mùa đông, mưa kéo đến sớm và trời sập tối. Sau lưng ngôi nhà cổ này, ở số 46 Nguyễn Thái Học, anh mở triển lãm cá nhân đầu tiên tại phố cổ bắt đầu từ ngày 3.12.
Trong chừng nửa giờ, vài nhóm du khách tạt vào điểm dừng chân. Họ dừng khá lâu trước những bức tranh treo trên tường, những mặt nạ tuồng treo lơ lửng, nói với nhau gì đó rồi đi. Anh gần như bê nguyên tác phẩm sắp đặt “Sóng nước Bạch Đằng Giang” ra đặt giữa ngôi nhà cổ, nhưng kích cỡ lớn hơn so với nguyên mẫu. Vẫn cụm 24 mặt nạ tuồng ấy, Trương Bách Tường cố ý treo mặt nạ trung thần ở tít trên cao và bên ngoài, còn gian thần, nịnh thần, tặc tướng bị “nhấn chìm” bên dưới hay bị cọc nhọn đâm phải. Sóng nước và cọc nhọn được tạo hình từ những sợi cước trắng… Tôi thử đặt mình vào các du khách, để ngẫm xem liệu họ đã hiểu hết dụng tâm của tác giả khi tỉ mỉ dán giấy, phủ bột, mài bột, sơn lót, sơn nền rồi kẻ vẽ ra những sắc diện mặt nạ tuồng và treo lên.
Cả trăm mặt nạ đã ra lò theo đúng quy trình như thế. Anh đọc sách của tác giả Nguyễn Vĩnh Huế cùng tư liệu liên quan của các nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký, Trương Đình Quang… và vỡ vạc nhiều điều lý thú. “Mặt nạ được vẽ dựa trên sự tham khảo sách “Mặt tuồng” của tác giả Nguyễn Vĩnh Huế” - dòng ghi chú ngắn gọn này được anh dán bên dưới tác phẩm “Sóng nước Bạch Đằng Giang” như một cách xác lập bản quyền cho nguồn tư liệu mà anh từng tham khảo, qua đó hé lộ câu chuyện tự học khác nữa khi anh cất công tìm hiểu giá trị loại hình trò hát bội - hát tuồng - nghệ thuật tuồng. Rồi anh gặp Nguyễn Ngọc Linh - con trai cụ Nguyễn Vĩnh Huế - một cách tình cờ hồi năm 2014 và khởi đầu thử nghiệm mới. Những đường nét trên mặt nạ tuồng đã cuốn hút anh, rồi từ đó anh tìm cách chuyển tải thông điệp mới trên “nền” mỹ thuật dân gian. “Chuyển tải được chừng mô hay chừng nấy, không có ước vọng gì cao xa” - anh khiêm tốn. Nhiều người đã biết chuyện anh chính thức trình làng cả trăm mặt nạ tuồng kể từ tháng 5.2015. Người xem có thể nhận ra những nhân vật trong vở tuồng Sơn Hậu và vài vở tuồng kinh điển tương truyền do Đào Duy Từ sáng tác vào giữa thế kỷ 17. Các nhóm mặt nạ được anh mắc trên tường đính kèm 2 thứ tiếng Anh và Việt, treo thõng giữa nhà như cách mà nghệ sĩ Jean-Luc Mello từng làm ở Không gian hội ngộ Cotic hay sắp đặt cũng đã trở nên quen thuộc. Trương Bách Tường đã ghi tên mình vào thú chơi mới ở phố cổ.
Dường như loại hình sắp đặt lại giúp Trương Bách Tường thổ lộ được nhiều hơn. Anh gửi gắm những suy tư về sự va chạm giữa nhịp điệu du lịch đang sôi nổi và vốn văn hóa thâm hậu tiềm ẩn ở phố cổ Hội An thông qua những ma-nơ-canh vô hồn, mé bên trong đặt chiếc bàn gỗ rồi bày lên đấy vài cuốn sách về văn hóa, chiếc gương rạn vỡ và ngọn đèn dầu leo lắt. Đặt tên tác phẩm là “Bên trong bên ngoài”, Trương Bách Tường dự đoán rằng nếu ai đó chụp ảnh bên tác phẩm này, chân dung của họ cũng sẽ được ghi lại thông qua hình ảnh phản chiếu trên chiếc gương cũ một cách rất tình cờ. “Dự đoán” ấy có giá trị như một thông điệp, về sự can dự của mỗi cá nhân trước những va chạm.
Cuộc hàn huyên với Trương Bách Tường trong ngôi nhà cố 57 Trần Phú bị gián đoạn, vì đã đến giờ anh chơi nhạc. Gã đàn ông này đang giữ một chân trong ban nhạc Quê nhà, đệm guitar bass. Anh chơi nhạc chuyên nghiệp nhưng ngón nghề tự học. Lại tự học. Ngót 15 năm quen biết người bạn vong niên Trương Bách Tường, xem ra tôi chỉ mới “quen” chứ chưa “biết” hết về anh.
HỨA XUYÊN HUỲNH