Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: "Tỉnh ủy sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 04"

NGUYÊN ĐOAN (thực hiện) 14/09/2018 03:08

“Để phù hợp với thực tiễn công tác cán bộ của tỉnh và các nghị quyết, quy định mới của Trung ương từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổng hợp ý kiến từ các địa phương và đề xuất Tỉnh ủy xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 04-NQ/TU về công tác cán bộ” - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng chia sẻ với Báo Quảng Nam, nhân hội nghị chuyên đề của Tỉnh ủy khai mạc hôm nay 14.9.

Đoàn công tác của Tỉnh ủy do Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng dẫn đầu làm việc với Đảng ủy xã Tam Nghĩa (Núi Thành). Ảnh: HÀN GIANG
Đoàn công tác của Tỉnh ủy do Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng dẫn đầu làm việc với Đảng ủy xã Tam Nghĩa (Núi Thành). Ảnh: HÀN GIANG

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Quảng Nam đã quyết định ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU (ngày 12.8.2016) về “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 04); đồng thời quyết liệt chỉ đạo thực hiện ở các cấp.

Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, một trong những kết quả nổi bật nhất qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 04 là sự chuyển biến rõ nét về công tác đánh giá cán bộ. Cụ thể, công tác đánh giá cán bộ đã thực hiện thông qua nhiều kênh, theo phương thức cấp trên đánh giá cấp dưới, người đứng đầu đánh giá người thuộc quyền, lấy hiệu quả công tác làm thước đo chủ yếu để đánh giá, phân loại cán bộ. Từ kết quả đánh giá cán bộ, các cấp, ngành đã sử dụng cán bộ hiệu quả hơn, thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch và rà soát bổ sung quy hoạch hàng năm. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã chỉ đạo khắc phục rất cơ bản đối với những sai sót về công tác quy hoạch cán bộ trước đó. Công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện thường xuyên và bài bản hơn;  trình độ các mặt của cán bộ được nâng lên đáng kể. Nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành, hoặc vượt so với Nghị quyết 04 đề ra.

Thưa ông, cùng với những chuyển biến tích cực về công tác cán bộ trong thời gian qua, nhiều cấp ủy địa phương cũng đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy?

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: Các ý kiến tập trung vào chủ trương mà Nghị quyết 04 đã đặt ra là cán bộ sinh sau năm 1975 yêu cầu phải tốt nghiệp đại học chuyên môn hệ chính quy; hoặc có trình độ sau đại học mới được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ sinh sau năm 1975 có trình độ đại học không chính quy chiếm khá cao; ở cấp xã là 86,69%, cấp huyện 69,83%. Vì thế, nhiều địa phương, đơn vị không có cán bộ đủ tiêu chuẩn để đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, dẫn đến thiếu hụt cán bộ.  Đối với khu vực sự nghiệp công ở các địa phương, số cán bộ sinh sau 1975 có trình độ đại học chính quy cũng ít, nên nhiều nơi cũng không đề bạt, bổ nhiệm được.

Thực tế cho thấy, sau khi có Nghị quyết 04, nhiều cán bộ ở cơ sở đồng loạt đăng ký đi học thạc sĩ để đạt chuẩn. Ông  đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: Theo tôi, “phong trào” cán bộ xã đi học thạc sĩ như thời gian qua sẽ mang lại chất lượng không cao, chỉ vì mục đích đi học là để đạt chuẩn. Từ  thực trạng này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy có công văn chỉ đạo chấn chỉnh. Theo đó, giao trách nhiệm cho tập thể cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với quy hoạch, phân công nhiệm vụ cho anh em đi học thạc sĩ đúng chuyên môn, đúng vị trí việc làm; tránh tình trạng một địa phương cử quá nhiều người đi học cùng một lúc làm ảnh hưởng đến công việc. Sau khi có công văn chỉ đạo, nhiều địa phương đã chấn chỉnh, khắc phục được.

Thời gian qua, do vướng mắc trong thực hiện công tác cán bộ, nhiều cấp ủy địa phương cũng đã phản ánh và kiến nghị  sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 04. Quan điểm của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về vấn đề này, thưa ông?

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: Tại hội nghị chuyên đề lần này (khai mạc hôm nay 14.9 - PV), Tỉnh ủy sẽ sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 04. Thời gian qua, căn cứ tình hình thực hiện nghị quyết cũng như những phản ánh từ cơ sở, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã dự thảo một số nội dung và lấy ý kiến góp ý của các ngành, địa phương về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 04 cho phù hợp với thực tiễn và tinh thần các nghị quyết Trung ương đã đề ra. Dự thảo này sẽ được trình hội nghị để Tỉnh ủy xem xét quyết định. Nhưng dù có quyết định sửa đổi, bổ sung theo hướng nào đi chăng nữa, tôi nghĩ trong thời gian tới việc triển khai thực hiện Nghị quyết 04 phải được thực hiện với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ và trách nhiệm hơn, gắn với việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Đồng thời thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện để hoàn thành tốt các chỉ tiêu của Nghị quyết 04.

Xin cảm ơn ông!

Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang:

Nên có cơ chế riêng cho miền núi

Tỉnh ủy cần xem xét có cơ chế riêng về đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ sinh sau năm 1975 công tác ở miền núi. Tại Tây Giang, số cán bộ, công chức cấp huyện sinh sau năm 1975 trình độ đại học không chính quy hiện có 42/70 người (tỷ lệ 60%). Đây là những người đăng ký lên công tác từ khi tái lập huyện, trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, phần lớn chỉ có trình độ trung cấp, cao đẳng. Sau khi ổn định công tác và giao thông thuận lợi hơn, đội ngũ cán bộ này mới có điều kiện đăng ký học đại học hệ vừa học vừa làm để nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ công việc tốt hơn. Dù không tốt nghiệp đại học chính quy nhưng họ có thời gian hơn 10 năm công tác ở miền núi, có kinh nghiệm thực tiễn, năng lực tốt; nếu không được đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng là thiệt thòi đối với một số cán bộ thuộc diện này. Ở cấp xã, toàn huyện có 87/115 trường hợp sinh sau năm 1975 có trình độ đại học không chính quy, hầu hết sau khi tuyển dụng vào làm việc mới đi học đại học. Không riêng Tây Giang, ngay cả các địa phương ở đồng bằng có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều vẫn gặp khó khăn trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm lần đầu, do cán bộ sinh sau năm 1975 không đủ chuẩn theo Nghị quyết 04.

Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước:

Cần có lộ trình hợp lý

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 04, nhìn chung đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã ở Tiên Phước cơ bản được kiện toàn, củng cố, đảm bảo về số lượng, cơ cấu; chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, Tiên Phước cũng gặp khó khi thực hiện quy định về quy hoạch, đề bạt, giới thiệu ứng cử lần đầu, nhất là đối với nhân sự sinh sau năm 1975 có trình độ đại học không chính quy. Số cán bộ này đã kinh qua nhiều năm rèn luyện, thử thách và trưởng thành, có kinh nghiệm, năng lực trong lãnh đạo, quản lý nên cần phải được bổ nhiệm, đề bạt vào các chức danh chủ chốt ở xã, một số phòng ban của huyện. Nếu không bổ nhiệm lực lượng này thì hiện nay vẫn chưa có đội ngũ cán bộ thay thế.

Từ thực trạng trên, đề nghị Tỉnh ủy nghiên cứu điều chỉnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 chỉ áp dụng trình độ đại học chuyên môn hệ chính quy hoặc sau đại học đối với các chức danh là cấp ủy huyện. Đối với các chức danh từ cấp phó trưởng phòng, ban và tương đương trở lên ở cấp huyện và các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND cấp xã dời thời gian áp dụng vào các nhiệm kỳ sau 2020 - 2025 hoặc 2025 - 2030.

Bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My:

Sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn trình độ đối với cấp xã

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 04, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã giải trình làm rõ những mặt hạn chế, khó khăn và nguyên nhân. Tôi thống nhất cao với các nhận định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Về tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, tôi đồng tình với đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung đối với nhân sự cấp xã sinh sau năm 1975 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy là: “Từ nay đến hết năm 2024 phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trình độ chuyên môn đại học (ưu tiên nhân sự có đại học chính quy và sau đại học). Từ năm 2025 trở đi phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trình độ chuyên môn đại học chính quy, trường hợp có bằng đại học hệ không chính quy nhưng có trình độ sau đại học và có triển vọng phát triển tốt thì do cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét, quyết định”.

Còn đối với cấp huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Trà My quyết liệt thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 04 hiện nay. Huyện xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ, nhất là đối với cán bộ sinh sau năm 1975 để đủ chuẩn theo quy định. Trong đó, điều kiện đưa ra là phải gắn với quy hoạch, lựa chọn người có năng lực, phẩm chất đạo đức, triển vọng phát triển tốt, với mong muốn xây dựng một đội ngũ cán bộ huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo.HÀN GIANG (ghi)

NGUYÊN ĐOAN (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: "Tỉnh ủy sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 04"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO