Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam: Đối mặt với nhiều khó khăn

XUÂN PHÚ 13/12/2016 08:46

Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam không chỉ gặp khó khăn trước thực trạng tuyển sinh liên tục giảm mạnh trong nhiều năm qua mà còn đang đối mặt với những “bài toán” khó như nguy cơ mất cân đối thu - chi, các dự án đầu tư cơ sở vật chất phải chịu cảnh dang dở.

Mức thu học phí tăng nhưng không thể giúp Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam cân đối thu - chi khi mà định mức kinh phí đào tạo giảm mạnh.Ảnh: XUÂN PHÚ
Mức thu học phí tăng nhưng không thể giúp Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam cân đối thu - chi khi mà định mức kinh phí đào tạo giảm mạnh.Ảnh: XUÂN PHÚ

Mất cân đối thu - chi

Nhiều năm qua, số lượng tuyển sinh của Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam liên tục giảm một cách chóng mặt, bất chấp nỗ lực của nhà trường trong việc phát triển thêm nhiều ngành nghề đào tạo, đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh để thu hút người học. Chỉ tính riêng 3 năm học gần đây, kết quả tuyển sinh sụt dần, năm học 2013-2014 đạt 68% chỉ tiêu kế hoạch và giảm xuống còn chưa đến 30% vào năm học 2016-2017. Từ đó kéo theo quy mô đào tạo của trường giảm hơn một nửa, từ gần 6.000 học sinh, sinh viên năm học 2013-2014 xuống còn 2.600 năm học 2016-2017. Và, thực hiện tinh giản hơn 100 giáo viên thuộc diện dôi dư, giảm tối đa chi tiêu cho các hoạt động, cắt luôn phần thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, viên chức và người lao động… là những giải pháp của nhà trường trong thời gian qua nhằm giúp cân đối thu - chi, tránh rơi vào khủng hoảng nợ.

Có thể nói, đến nay Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam vẫn chưa có những giải pháp, định hướng căn cơ để giải quyết khó khăn về kinh phí do tình hình tuyển sinh sụt giảm. Đã vậy, nhà trường lại sắp phải đối mặt với một “bài toán” nan giải khác, đó là việc cắt giảm định mức kinh phí chỉ tiêu đào tạo trong ngân sách từ năm 2017. Theo ông Lương Văn Vui - Hiệu trưởng nhà trường, những năm trước (năm 2015 và 2016) ngân sách nhà nước cấp cho trường hơn 12 tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng năm 2017 dự toán giao giảm gần một nửa, chỉ còn 6,3 tỷ đồng. Ông Vui đưa ra các con số so sánh khá cụ thể, chẳng hạn định mức ngân sách giao năm 2016 đối với bậc cao đẳng từ 7 - 7,5 triệu đồng/sinh viên nhưng năm 2017 giảm xuống còn 4,5 - 5,5 triệu đồng; bậc trung cấp từ 5 - 5,5 triệu đồng còn 4,2 - 4,7 triệu đồng. Dù ông Vũ Nguyễn - Phó Giám đốc Sở Tài chính giải thích là “đã tính toán kỹ để định mức kinh phí có tăng cho trường”, nhưng ông Vui cho rằng ngoại trừ bậc trung cấp có tăng đôi chút ở ngành khoa học tự nhiên nhờ mức thu học phí tăng từ năm học 2016-2017 (bậc trung cấp chỉ tăng 100.000 đồng), còn bậc cao đẳng vẫn giảm khá mạnh, từ 950.000 - 1,5 triệu đồng/sinh viên.

“Mấy năm nay tình hình kinh phí của trường rất khó khăn, buộc chúng tôi phải cắt giảm chế độ đối với cán bộ, giáo viên cũng như các khoản chi tiêu của trường mới tạm đủ cân đối thu - chi. Nay nếu giảm định mức nhiều như vậy sẽ khiến cho nhà trường thêm khó khăn dẫn đến cân đối thu - chi năm 2017 sẽ thiếu 5,1 tỷ đồng. Rất mong Sở Tài chính, UBND tỉnh xem xét tăng định mức kinh phí để đảm bảo cho nhà trường hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ” - ông Vui chia sẻ.

Dang dở nhiều dự án

Là ngôi trường có truyền thống hơn 45 năm nhưng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh, một số dự án của trường đã được phê duyệt đầu tư song do nhiều nguyên nhân nên đến nay, hoặc bị dừng lại, hoặc xây dựng dở dang, chưa hẹn ngày tiếp tục triển khai thực hiện. Có thể kể đến như dự án đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học giai đoạn 2011-2015 với tổng mức kinh phí 12,6 tỷ đồng được triển khai từ năm 2011. Tuy nhiên, dự án đang thực hiện dở dang thì không được tiếp tục đầu tư và đến nay vẫn còn nằm chờ. Hay như dự án nhà đa năng với tổng mức vốn 28,8 tỷ đồng được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2010 và phê duyệt lại vào năm 2013 nhưng hiện tại vẫn chưa được cấp vốn triển khai thực hiện. Ngoài ra, có thể kể đến việc sửa chữa, nâng cấp khu nhà làm việc được UBND tỉnh thống nhất chủ trương từ năm 2013 và nhà trường đã xây dựng dự án với dự toán 11,6 tỷ đồng song hiện vẫn chưa được phê duyệt. Theo Hiệu trưởng Lương Văn Vui, là trường kinh tế kỹ thuật, nhiều chuyên ngành đào tạo với yêu cầu đòi hỏi kỹ năng thực hành, rèn luyện tay nghề nhiều hơn nên việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc thực tập cho học sinh, sinh viên theo hướng giáo dục nghề nghiệp là khá lớn và rất cần thiết.

Tại buổi làm việc của UBND tỉnh với trường mới đây, giải thích nguyên nhân dự án đầu tư trang thiết bị tạm dừng triển khai, một cán bộ của Sở Kế hoạch đầu tư cho rằng là vì không còn nguồn kinh phí. Riêng đối với dự án nhà đa năng, không chỉ trường mà còn có nhiều dự án nhà đa năng của các đơn vị khác như Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, chuyên Lê Thánh Tông, Phổ thông DTNT tỉnh cũng không thể triển khai vì nguồn vốn của tỉnh hạn chế, thời gian qua lo tập trung trả nợ và ưu tiên cho các công trình chuyển tiếp. “Nhà trường cần phải xây dựng dự án mới gửi các ngành chức năng của tỉnh thẩm định để báo cáo UBND tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư trong thời gian tới” - vị này nói.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam: Đối mặt với nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO