Hôm nay 24.6, Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam tổ chức kỷ niệm 45 năm thành lập. Trải qua nhiều chặng đường phát triển, ngôi trường đã góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực miền Trung.
Những chặng đường lịch sử
Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam có một bề dày truyền thống mà có lẽ ngay cả cán bộ, giáo viên đang công tác tại trường cũng không nhiều người nắm rõ. Theo Nhà giáo ưu tú Phạm Tấn Linh - nguyên hiệu trưởng và là một trong những người đầu tiên gắn bó với nhà trường khi thành lập, tiền thân của trường là Trường Trung cấp Nông nghiệp 1 ra đời năm 1971 tại chiến khu Trà My. Chủ trương thành lập trường được Đảng ta xác định với mục tiêu đào tạo cán bộ làm công tác nông nghiệp trong thời chiến và chuẩn bị cho ngày giải phóng đất nước. Sau khi nước nhà thống nhất, trường chia tay núi rừng Trà My chuyển về thị xã Tam Kỳ tiếp tục sứ mệnh đào tạo cán bộ nông nghiệp cho tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam khẳng định thương hiệu về chất lượng đào tạo. Ảnh: X.PHÚ |
Sau hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, đến năm 2002, nhà trường quyết định chọn hướng đi mới để có cơ sở đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, mở rộng quy mô phát triển, đó là đổi tên từ Trường Trung học Nông lâm nghiệp Quảng Nam thành Trường Trung học Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam. Đây được coi là quyết định mang tính đột phá đối với sự phát triển của nhà trường, góp phần quan trọng cho việc nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam chỉ sau đó 4 năm. Rõ ràng, không dừng lại ở việc “thay tên đổi họ”, việc trở thành trường cao đẳng là bước ngoặt, nâng tầm vóc nhà trường lên cao hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đa ngành cho tỉnh và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tiếp nối truyền thống của nhà trường, các thế hệ cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam đã phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng nhà trường phát triển. Trải qua chặng đường lịch sử 45 năm thành lập và 10 năm nâng cấp lên cao đẳng, ngôi trường tạm bợ giữa chiến khu Trà My năm xưa giờ đây đã là một cơ sở đào tạo khang trang tọa lạc ngay giữa lòng tỉnh lỵ Quảng Nam. Là địa chỉ đào tạo có uy tín, đến nay nhà trường đã đào tạo được hơn 50.000 học sinh, sinh viên có trình độ trung cấp, cao đẳng đến từ 27 tỉnh, thành phố trong cả nước và lưu học sinh Lào; liên kết đào tạo đại học cho hơn 7.000 người. Vừa tròn 10 năm nâng cấp trở thành trường cao đẳng nhưng đội ngũ giảng viên của trường hiện tại khá chất lượng với 3 tiến sĩ, 110 thạc sĩ. Với những thành quả gặt hái được trên chặng đường phát triển của mình, Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc. Đặc biệt, nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Nhì, Nhất và Huân chương Độc lập hạng Ba.
“Học đi đôi với hành” luôn được nhà trường quan tâm. |
Tìm hướng đi mới
Đảng bộ khẳng định vai trò lãnh đạo Góp phần quyết định cho những thành công của Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam trong 45 năm qua chính là sự lãnh đạo của đảng bộ nhà trường. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đảng bộ đơn vị đã phát huy vai trò hạt nhân trong việc chỉ đạo lập kế hoạch, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, từ việc mở rộng quy mô, phát triển ngành nghề đào tạo đến xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng. Vì vậy, sự lớn mạnh của nhà trường thời gian qua có công rất lớn của cán bộ, đảng viên toàn đảng bộ, nhất là chủ trương nâng cấp thành trường cao đẳng, chuyển sang đào tạo đa ngành, đa cấp, đa hệ. Cùng với đó, công tác quy hoạch cấp ủy được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo tiêu chuẩn; việc sắp xếp, điều chỉnh bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên theo hướng tinh giản, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường trong từng giai đoạn. Với những kết quả đạt được, Đảng bộ Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam nhiều năm liền được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh, là một trong những tổ chức cơ sở đảng tiêu biểu. Theo ông Lương Văn Vui - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, sự đoàn kết trong Đảng đã giúp cho đảng bộ nhà trường luôn vững mạnh, từ đó lãnh đạo nhà trường thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đảng bộ đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể, tích cực chủ động đề ra các giải pháp để lãnh đạo thực hiện hiệu quả. Theo đó, trong những năm qua nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo như chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế kết hợp học phần sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ; điều chỉnh chương trình đào tạo ở các bậc học cho phù hợp với nhu cầu đào tạo của xã hội, phát triển ngành nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu người học. Cạnh đó, nhà trường chú trọng đẩy mạnh hợp tác đào tạo, ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp đồng hành, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hành thực tập cũng như tuyển dụng. |
Nhìn lại chặng đường 45 năm qua, bên cạnh nhiều thành công, có thể nói Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam cũng có không ít lần rơi vào tình cảnh khốn khó. Khởi đầu trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, rồi niềm vui khi hòa bình lập lại chưa kéo dài thì trường lại bước vào giai đoạn khó khăn mới của những năm 1988 - 1993 do quá ít người theo học. Một số cán bộ công tác lâu năm cho biết, thời gian đó, có năm nhà trường chỉ tuyển sinh được vỏn vẹn 1 lớp với chừng vài chục học sinh khiến cho một số cán bộ, giáo viên đã phải xin chuyển công tác để tìm việc làm khác nhằm ổn định cuộc sống. Sau thời kỳ hoàng kim của những năm 2010 - 2011 trở về trước với việc đa dạng hóa loại hình và ngành nghề đào tạo giúp quy mô học sinh, sinh viên tăng lên đến gần 10.000, nhà trường lại bước vào giai đoạn thoái trào. Kể từ năm 2012 đến nay, cũng giống tình hình chung của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam tuyển sinh rất khó khăn. Nhiều ngành đào tạo buộc phải dừng do không tuyển sinh được. Quy mô từ gần 10.000 đến nay chỉ còn chưa đến 4.000 học sinh, sinh viên. Chính việc phát triển “nóng” trước đây khiến cho trường hiện gặp nhiều khó khăn do dôi dư cán bộ, giáo viên, thiếu hụt về tài chính. Theo Hiệu trưởng Lương Văn Vui, số lượng học sinh, sinh viên sụt giảm mạnh dẫn đến nguồn thu từ học phí eo hẹp, giáo viên không có lớp để giảng dạy. Không thể kéo dài mãi tình trạng này và rõ ràng không có con đường nào khác là trường phải sắp xếp lại bộ máy, xác định nhu cầu vị trí việc làm, tinh giản đội ngũ, không tái ký hợp đồng khi hết hạn. “Rất mừng là cho đến nay trong số gần 80 người nghỉ việc, phần lớn đã tìm được công việc ổn định và tất cả đều thông cảm với việc nhà trường không tái ký hợp đồng” - ông Vui chia sẻ.
Cùng với việc sắp xếp lại đội ngũ, nhà trường cũng đang chuyển dần từ đào tạo đáp ứng nhu cầu người học sang đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng, mà theo ông Vui “với cách làm này, bước đầu đã có được những kết quả khả quan”. Đó là, một số chuyên ngành đào tạo nông nghiệp như chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp hay điện trong 2 năm gần đây số lượng sinh viên được đào tạo ra trường không đáp ứng đủ nhu cầu của các đơn vị sử dụng ngay tại lễ tốt nghiệp. “Có vẻ như thời gian trước đây công tác đào tạo nhà trường đi có phần chệch hướng. Còn bây giờ, định hướng trong thời gian tới muốn phát triển bền vững phải dựa vào ngành truyền thống của trường bao nhiêu năm nay là nông nghiệp. Hiện nay số lượng người học ngành này tại trường là hơn 1.000, cho thấy nông nghiệp vẫn là ngành đào tạo truyền thống có tương lai rộng mở. Vấn đề quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút được nhiều người theo học ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng” - ông Vui nói.
Thực tế 45 năm qua của trường đã chứng minh, cứ sau thời kỳ khó khăn là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Cạnh đó, nỗ lực tìm hướng đi mới của tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện nay đem lại niềm tin và hy vọng Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong chặng đường sắp tới.
XUÂN PHÚ