Quảng Nam là địa phương dẫn đầu 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số lượng trường chuẩn quốc gia. Song, hiện nay một số địa phương, trường học vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trường Tiểu học Lê Lợi (Phú Ninh) sau khi mở rộng mặt bằng sân trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: X.PHÚ |
Dẫn đầu khu vực
Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, hệ thống mạng lưới trường lớp các cấp học, bậc học trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển nhanh chóng. Khi tỉnh mới tái lập, cả tỉnh chỉ có gần 500 trường học các cấp thì nay tăng lên 814 trường; trong đó 266 trường mầm non, 275 trường tiểu học, 218 trường THCS và 55 trường THPT. Trong phát triển mạng lưới trường học, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm từ tỉnh đến cơ sở, xem đây là giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và là thước đo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nếu như trước đây xây dựng trường lớp được xem là trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, tỉnh và ngành GD-ĐT, thì giờ đây được coi là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhất là trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tỉnh, huyện có trách nhiệm đầu tư phòng học, trang thiết bị còn địa phương cấp xã, các bậc phụ huynh cùng chung tay chăm lo trong việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng tường rào cổng ngõ. Nhờ đó, đến nay một số địa phương đã đạt được kết quả khá tốt trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Chẳng hạn như huyện Đại Lộc có 61 trường học thì tất cả đã đạt chuẩn, hay huyện Phú Ninh 33/34 trường, Điện Bàn 68/70, Duy Xuyên 46/53 trường. Danh hiệu đạt chuẩn không chỉ thể hiện bộ mặt khang trang, sạch đẹp của các ngôi trường, mà quan trọng hơn là đã giúp cho nhà trường tăng cường điều kiện dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Quan tâm hơn nữa cho cơ sở vật chất Xây dựng trường chuẩn quốc gia, Quảng Nam bên cạnh niềm vui dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn có không ít nỗi lo. Trường chưa đạt chuẩn quyết tâm thôi chưa đủ, vì không có điều kiện để đầu tư xây dựng. Còn trường đã đạt chuẩn nhưng sau thời gian không được nâng cấp nên cơ sở vật chất xuống cấp và giờ đây đối diện với nguy cơ “tụt hạng” dẫn đến mất chuẩn. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng, không chỉ miền núi mà các địa phương đồng bằng như Thăng Bình, Quế Sơn cũng rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa về điều kiện cơ sở trường lớp vì hiện nay nhiều trường học xuống cấp, chưa đảm bảo cảnh quan sư phạm, nhất là các tiêu chí trong xây dựng trường chuẩn. Có như vậy, toàn ngành mới có thể hoàn thành chỉ tiêu mà Chương trình hành động số 28 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đề ra. |
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, tính đến nay, cả tỉnh có 456 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 57,3%; trong đó bậc THCS có tỷ lệ đạt chuẩn cao nhất 71,1%, tiếp đến là tiểu học 54,3%, mầm non 52% và thấp nhất là THPT với 27,2%. Đáng chú ý, so với 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Quảng Nam là địa phương dẫn đầu về số lượng cũng như tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (xếp thứ nhì là Bình Định 344 trường với tỷ lệ 52,7%; tiếp theo là Quảng Ngãi 319 trường, tỷ lệ 50,3%). “Đây là điều đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của tỉnh, ngành chức năng liên quan, các địa phương và toàn xã hội trong chăm lo cho sự nghiệp GD-ĐT. Từ đó giúp cho ngành có điều kiện thuận lợi trong công tác dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục mà thành quả gặt hái được tại các kỳ thi, hội thi cấp quốc gia trong những năm gần đây là một minh chứng” - ông Quốc chia sẻ.
Trường chuẩn chờ… xây mới
Trường THCS Quế Phú nằm trên địa bàn xã Quế Phú, một trong những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi thuộc loại nhất, nhì huyện Quế Sơn. Ngôi trường này đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 từ năm 2015 và cũng vừa kỷ niệm 45 năm thành lập hồi đầu năm học 2016 - 2017. Tuy nhiên, không khó nhận ra sự xuống cấp về cơ sở vật chất của trường hiện nay khi nhiều phòng học xập xệ, cũ nát, nói như thầy Hiệu phó Trần Công Quảng là “tường long, ngói hỏng, mùa mưa nước len vào cả lớp học”. Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất của huyện Quế Sơn. Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường học. Nhiều trường xuống cấp nhưng không có nguồn vốn để đầu tư xây dựng, sửa sang. Vì vậy, dù nỗ lực vận động từ nhiều nguồn, song đến nay huyện mới chỉ có 26 trường đạt chuẩn quốc gia và còn đến 15 trường chưa đạt chuẩn mà nguyên nhân chính vẫn là điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo.
Huyện Đại Lộc lâu nay được xem là địa phương đi đầu cả tỉnh về đầu tư xây dựng, tầng hóa trường lớp. Đến nay, đây cũng là đơn vị duy nhất cả tỉnh đã hoàn thành công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia khi có 100% số trường học được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây, một thông tin khiến nhiều người bất ngờ khi lãnh đạo ngành GD-ĐT huyện Đại Lộc cho biết Trường THCS Nguyễn Trãi và Mầm non Ái Nghĩa đang xuống cấp nặng, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy. Theo một đại diện Phòng GD-ĐT, 2 ngôi trường này thuộc diện di dời theo quy hoạch nhưng đến nay chưa có kinh phí đầu tư xây dựng, vì vậy đang có nguy cơ mất chuẩn.
Trong khi đó, do điều kiện kinh tế - xã hội yếu kém nên các địa phương miền núi đang gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng trường chuẩn. Thực tế cũng cho thấy, hiện nay số trường đạt chuẩn của tỉnh hầu hết tập trung ở các địa phương đồng bằng. Ở miền núi, ngoại trừ Nam Giang và Phước Sơn, các địa phương còn lại có số trường học đạt chuẩn rất ít. Dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng hiện các huyện Nông Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, mỗi địa phương có trường đạt chuẩn chưa quá con số 2; Tây Giang 3 trường; Đông Giang 5 trường. Điều đáng nói hơn, con số trường chuẩn ở miền núi sẽ rất khó tăng cao trong thời gian tới khi mà điều kiện về cơ sở vật chất khó đáp ứng các tiêu chí.
XUÂN PHÚ