Trường cũ bây giờ... vẫn nét xưa

PHẠM NGỌC SINH 29/09/2023 08:14

Trong đời người, trải qua nhiều cấp học và nơi học khác nhau, song hình như thời trung học phổ thông, mà ngày xưa gọi là cấp 3 luôn để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm. Đó phải chăng là thời gian trái tim ta biết rung động, xao xuyến…

Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu. Ảnh: P.N.S
Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu. Ảnh: P.N.S

Trường huyện năm ấy

Lứa chúng tôi, sau ngày quê hương giải phóng (năm 1975) lũ lượt theo gánh gồng cha mẹ về quê cũ, bắt đầu ghi danh đi học, để rồi khoảng 10 năm sau lặn lội từ khắp làng quê háo hức về học tại Trường THPT Điện Bàn bên dòng sông và cây cầu Vĩnh Điện hiền hòa, thơ mộng.

Không phải ngẫu nhiên, chính kiến trúc hài hòa, nổi bật ấy… trở thành nguồn cảm hứng để nhà điêu khắc Đỗ Toàn thiết kế logo của trường theo gợi ý của thầy giáo dạy văn nổi tiếng xứ Quảng Nguyễn Minh Hùng mang đầy cảm xúc cho đến tận bây giờ. Hiếm có trường học nào có logo thiết kế hội tụ kiến trúc không gian giàu hình tượng và giản dị đến vậy.

Bây giờ, theo đà phát triển, Điện Bàn có nhiều trường THPT ở mỗi vùng khác nhau. Hồi ấy, từ lứa chúng tôi trở về trước, cả vùng đất học Điện Bàn duy nhất trường cấp 3, nên trong ký ức, mọi người luôn lưu giữ gần như máu thịt: trường huyện.

Lứa học sinh vùng Gò Nổi băng qua cây Cầu Đen đổ về Nam Phước, vượt cầu Câu Lâu ra Vĩnh Điện đến trường. Hành trình tìm con chữ ấy, mùa mưa gió, có học sinh bị hất tung xuống sông và không còn theo chân bạn được nữa.

Còn lũ chúng tôi từ vùng cát mịt mù, nuốt vội khoai lang trầy cuốn họng, ai không có xe đạp thì dắt díu nhau cuốc bộ mương thủy lợi đến Trạm bơm Vĩnh Điện, xuống Bến Điện rửa chân trước khi vào trường; nhóm có xe đạp thì rủ nhau vòng ra cầu Tứ Câu, giáp Đà Nẵng bây giờ hoặc vòng xuống La Nghi, giáp Hội An, ngược tóc về trường.

Hồi ấy, chúng tôi, ai cũng xơ xác, đen ngòm, hốc hác… vì thiếu thốn và quãng đường mưa nắng đến trường. Do chiến tranh ác liệt và lưu lạc, nhiều vùng Điện Bàn giải tỏa trắng, sau 1975 mới kê khai nhập chung lớp học; nên trong lớp chênh lệch độ tuổi khá lớn.

Nhiều thầy cô giáo ở Đà Nẵng và các nơi khác về dạy lứa chúng tôi chỉ lớn hơn học trò vài tuổi. Lũ con trai, con gái mới lớn ngày ấy, thấy các bạn học sinh phố thị như Vĩnh Điện, vùng gần thị trấn, thị tứ... cứ len lén nhìn trộm. Khi bị phát hiện, dị quá, đưa ánh nhìn nơi khác hoặc bỏ chạy!

Học sinh trường huyện Điện Bàn năm ấy, mùa đông, nếu học buổi sáng, nuốt vội cơm nguội khi cả nhà còn ngon giấc, đốt đuốc ới nhau khắp đường làng, đứa trước đứa sau, cắm bước đến trường; nếu học buổi chiều, về đến nhà, có khi ba mẹ, anh chị đã “ba xoa hai đập” ngủ ngon lành.

Những buổi học về gặp lũ, kéo nhau vô nhà bạn nghỉ lại, ba mẹ được một đêm lo lắng. Có bà mẹ lo quá, cầm đuốc đi tìm, mà biết con ở nhà nào phía bên kia đồng ruộng mênh mông nước, đành thức trắng đợi con.

Phải chăng chặng đường tìm con chữ cam go ấy mà lứa chúng tôi quý báu, mấy chục năm ra trường, thuộc từng cái tính, cái nết. Bậc phụ huynh lúc ấy bây giờ cũng đã đi xa gần hết.

Mấy chục năm sau, ai còn khỏe hoặc anh chị bạn cùng lớp, kể tên với tính nết từng đứa học với con, em mình. Thầy cô thì thương đám học trò lem luốc. Đứa nào áo rách, hở nách… được các cô dẫn về phòng tập thể khâu vá cẩn thận. Lứa chúng tôi kính trọng và sợ thầy cô một phép, không dám làm điều gì để thầy giận, cô buồn.

Trong lịch sử, Điện Bàn là vùng đất khai sinh chữ Quốc ngữ, nơi trường tỉnh, với bao lớp danh nhân, chí sĩ lừng danh đã từng học. Lứa chúng tôi trở về trước, xem trường huyện Nguyễn Duy Hiệu là niềm tự hào và luôn dành cảm tình sâu nặng như người dân quê tôi.

Tô đậm nét xưa

Rất nhiều thầy cô và bạn bè của chúng tôi đều có cùng cảm nhận, các thế hệ thầy và trò Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu tổ chức nhiều hoạt động về trường xưa giàu nghĩa tình và đáng yêu. Tình nghĩa thầy trò thiêng liêng và sâu nặng từ trước đến nay dường như là sự kết nối, trụ cột lưu giữ “nét xưa” của nhà trường.

Đã 65 năm trôi qua, vẫn cây cầu ấy, dòng sông ấy, khuôn viên tiếp giáp 2 con sông ấy và con đường thiên lý ấy vẫn như ngày nào. Ngôi trường với sự hội tụ giữa giá trị lịch sử - mang tên người anh hùng đất Quảng Nguyễn Duy Hiệu ở thế đất tinh hoa của vùng đất Điện Bàn, đã tạo nên một không gian thẩm mỹ, nguồn cảm hứng và lưu dấu không phai mờ trong lòng người dân và bao thế hệ thầy trò.

Giá trị văn hóa và ký ức trường xưa luôn gắn liền với bao lớp thầy và trò tài danh. Các lứa học trò chúng tôi luôn tự hào về ngôi trường với những người xưa tài hoa, như thầy Hồ Đài, Phan Duy Nhân hay Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, Võ Đông Sanh, Nguyễn Minh Hùng...; các nhà khoa học như GS.Trần Văn Thọ, GS-TS.Trần Văn Nam...; các văn nghệ sĩ Lê Trọng Nguyễn, Đynh Trầm Ca, Từ Huy…

Lứa chúng tôi về sau, rất nhiều cựu học sinh là nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo, doanh nhân mà tên tuổi của họ khẳng định dần theo năm tháng. Cái chân chất, “nét xưa” níu giữ, tạo nên nét đẹp truyền thống của bao lớp thầy, trò đó là dù làm bất cứ nơi đâu, ở bất cứ địa vị nào, hoàn cảnh nào luôn ấp áp và lưu giữ tình nghĩa thầy trò và trường xưa.

Hơn 65 năm, bao lứa “học trò trường huyện ngày năm ấy” (Nguyễn Bính) vẫn vẹn nguyên bóng hình lớp cũ, trường xưa. Bây giờ, khu phố chợ trước cổng trường đã phát triển sầm uất với tuyến đường lên Đại Lộc rộng mở. Đường tránh thị trấn Vĩnh Điện và đường từ cổng trường ra giáp ngã ba đường tránh mở rộng thênh thang.

Quốc lộ qua Vĩnh Điện ngày nào, bây giờ thành đường nội thị; tuyến đường qua cầu Quảng Hậu nối vùng cát Nam – Dương – Ngọc (vùng C) với vùng Phước - An - Thắng (vùng A) và trong tương lai thêm cầu nối phía trên cầu Vĩnh Điện…, tạo ra không gian phố trong làng, lấy trục quy hoạch chính là sông Vĩnh Điện.

Không gian ấy không là “áp lực” lấn át bóng dáng ngôi trường năm ấy. Nói đúng hơn, chính không gian Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu như một điểm cân bằng, hài hòa – nói một cách ví von, như một nhụy hoa giàu cảm xúc của bông hoa kiến trúc không gian đô thị Điện Bàn, có sức lan tỏa và liên kết với không gian đang phát triển – mà các chuyên môn cho đó là “khung cảnh di sản”, để sáng mãi với khát vọng vươn đến những chân trời mới của trí thức – mãi mãi là nơi ươm mầm những tài năng từ vùng đất Điện Bàn giàu truyền thống hiếu học và khoa bảng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường cũ bây giờ... vẫn nét xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO