Nếu như trước đây, sinh viên (SV), học sinh (HS) tự lựa chọn trường học thì vài năm trở lại đây, nhà trường phải đến các địa phương tìm người học, thậm chí “gõ cửa từng nhà” để thuyết phục. Thế nhưng, bức tranh tuyển sinh vẫn u ám.
Chỉ tiêu nhiều, tuyển ít
Mùa tuyển sinh ĐH năm 2019 vẫn còn hai đợt bổ sung (đợt 1 từ 28.8 - 30.9; đợt 2 từ 1.10 - 31.12) và cho dù điểm chuẩn đã hạ xuống mức không còn có thể hạ nữa (các ngành sư phạm 18 điểm bằng điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT, còn các ngành khác 13 điểm) nhưng có thể nói đây tiếp tục là kỳ tuyển sinh thất bát của Trường ĐH Quảng Nam. ThS. Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng (Trường ĐH Quảng Nam) cho biết, sau khi công bố kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1, chỉ có hơn 160 thí sinh (TS) đến làm thủ tục nhập học trong tổng số 415 TS trúng tuyển, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2019 của trường lên tới 1.300 với 13 ngành đào tạo. Đáng chú ý, trong đợt tuyển sinh bổ sung, nhà trường đã gạch tên 3 ngành đào tạo sư phạm gồm Toán, Vật lý, Sinh học và ngành Vật lý học. Theo giải thích của bà Thoa, lý do là vì các ngành đào tạo này chỉ có 1 TS trúng tuyển. Để đảm bảo quyền lợi của người học, nhà trường đã giải thích, tư vấn và TS ngành sư phạm Toán đồng ý chuyển sang học ngành Giáo dục tiểu học.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 bậc CĐ gần 2.400, trung cấp 3.600 nhưng đến nay mới tuyển được 176 CĐ, 1.236 trung cấp. Đây không phải là năm đầu tiên tuyển sinh gặp khó mà kể từ năm 2016 đến nay, các trường tuyển sinh chỉ đạt trung bình khoảng 50% chỉ tiêu.
Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 là 1.085, trong đó chỉ tiêu ngân sách tỉnh giao 550, gồm 250 CĐ và 300 trung cấp. Nhưng cho đến thời điểm này, theo báo cáo của nhà trường, các ngành đào tạo trung cấp đã tuyển được 320 học viên, còn CĐ mới chỉ có 51. ThS. Lương Văn Vui - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, đơn vị xây dựng chỉ tiêu đào tạo dựa trên năng lực của mình, nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và người học. Trường đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển sinh và hy vọng thời gian tới có thêm nhiều em đăng ký theo học. Trong khi đó, ThS. Nguyễn Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam cho biết, dù công tác tư vấn đẩy mạnh, được các địa phương, ngành tạo điều kiện rất lớn nhưng tuyển sinh vẫn u ám, dự báo năm nay chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu.
Tại hội nghị giao ban giáo dục nghề nghiệp hôm 22.8, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh “than thở” việc tuyển sinh gặp rất khó khăn, nhất là bậc CĐ. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 bậc CĐ gần 2.400, trung cấp 3.600 nhưng đến nay mới tuyển được 176 CĐ, 1.236 trung cấp. Đây không phải là năm đầu tiên tuyển sinh gặp khó mà kể từ năm 2016 đến nay, các trường tuyển sinh chỉ đạt trung bình khoảng 50% chỉ tiêu. Trường ĐH Quảng Nam năm 2016 tuyển được 542/1.200 chỉ tiêu, năm 2017 đạt 575/1.040, năm 2018 đạt 293/1.040; còn Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam năm 2016 đạt 1.514/3.750, năm 2017 đạt 1.092/3.750, năm 2018 đạt 1.005/2.020.
Vì đâu nên nỗi?
“Thực hiện chủ trương sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đang hoàn thiện đề án để báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thông qua. Đề án sắp xếp theo định hướng chỉ còn đầu mối duy nhất nhằm tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản đội ngũ để nâng cao hiệu quả. Trước mắt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung cho công tác tuyển sinh năm 2019, tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, tuyển dụng để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực”.
(Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thùy)
Những năm gần đây, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam tuyển sinh hệ trung cấp khá tốt. Theo Hiệu trưởng Lương Văn Vui, có được kết quả này nhờ tỉnh đẩy mạnh phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, hệ CĐ rất khó tuyển sinh, ngay cả những ngành đào tạo có nhu cầu việc làm khá lớn và dù phần lớn người học tại trường sau khi tốt nghiệp đều có ngay công ăn việc làm như chăn nuôi, thú y, du lịch hay điện, điện tử. “Đến mùa tuyển sinh hàng năm, nhà trường tổ chức nhiều đoàn cán bộ, giảng viên trực tiếp đi đến các địa phương, trường học tuyên truyền, tư vấn cho HS. Tuy nhiên, không hiểu sao vẫn không có nhiều em đăng ký theo học. Một số ngành đào tạo như khoa học cây trồng, nuôi trồng thủy sản 2 năm nay không tuyển sinh được. Vì vậy, quy mô đào tạo của trường giảm khá nhiều, hiện chỉ hơn 1.000 HS, SV” - ông Vui bộc bạch. Theo ThS. Nguyễn Quyết Thắng, dù có nhiều giải pháp để tuyển sinh nhưng kết quả đạt thấp, hàng năm đều không đủ chỉ tiêu giao. Do đó, có nhiều năm nhà trường phải hoàn trả ngân sách tỉnh số tiền khá lớn như năm 2015, 2016 hơn 3,7 tỷ đồng, năm 2017 lên đến gần 5,2 tỷ đồng. “Bỏ điểm sàn, xét học bạ, các trường đại học luôn mở rộng vòng tay đón SV không giới hạn khiến cho các trường cao đẳng nghề tuyển không được người học” - ông Thắng lý giải.
Thời còn “ăn nên làm ra”, điểm chuẩn của Trường ĐH Quảng Nam khá cao, như năm 2015 điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT là 15 thì điểm chuẩn ngành Sư phạm Toán của trường lên đến 21 điểm hay Sư phạm Vật lý 20,5 điểm. Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, chấp nhận chất lượng đầu vào thấp khi lấy bằng điểm sàn nhưng hầu hết các ngành đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Theo bà Thoa, ngoài việc ít TS đăng ký, còn có nguyên nhân khác là TS trúng tuyển song lại không nhập học. Chẳng hạn, năm 2016 có 917 TS trúng tuyển nhưng nhập học chỉ 542, năm 2017 trúng tuyển 893 nhập học 575, năm 2018 trúng tuyển 611 nhập học 293. Từ đó khiến cho một số ngành không mở được lớp như Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh, Vật lý học. “Năm nay, các ngành sư phạm tuyển sinh không được còn có lý do là chỉ tiêu quá ít khiến TS e ngại đăng ký vì tỷ lệ chọi cao, như Sư phạm Toán, Ngữ văn chỉ tiêu 20, Sư phạm Sinh, Vật lý 10” - bà Thoa lý giải.
Theo PGS-TS. Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 ngành sư phạm theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT và được UBND tỉnh giao 40 chỉ tiêu/ngành. Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT phê duyệt chỉ tiêu, ngành Sư phạm Vật lý, Sinh học chỉ có 10 chỉ tiêu, Sư phạm Ngữ văn, Toán là 20. Nhà trường có tờ trình gửi Bộ GD-ĐT sau đó nhưng không được chấp nhận. Theo thông tin của bộ, việc phê duyệt chỉ tiêu này căn cứ nhu cầu giáo viên mà tỉnh cần trong các năm đến. Tương tự, ngành Giáo dục Mầm non nhu cầu cần nhiều nên Bộ GD-ĐT phê duyệt 210 chỉ tiêu dù trước đó chỉ tiêu UBND tỉnh giao là 70.