Trường đại học, cao đẳng thời khốn khó - Bài cuối: Lối ra nào cho các trường?

XUÂN PHÚ 11/09/2019 10:42

Sự sống còn của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) phụ thuộc rất nhiều vào việc tuyển sinh. Nhưng để khắc phục khó khăn này là câu chuyện không chỉ của riêng các trường học.

Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam có thời gian đào tạo ngành trung cấp sư phạm. Ảnh: X.P
Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam có thời gian đào tạo ngành trung cấp sư phạm. Ảnh: X.P

Tự cứu mình

Thách thức lớn nhất đối với các trường thời gian qua là công tác tuyển sinh. Bởi vậy, các trường đã nỗ lực tự cứu mình bằng nhiều giải pháp. Có thể thấy, đó là việc đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh với nhiều hình thức nhằm thu hút người học. Không dừng lại ở những buổi tư vấn theo kiểu “đến hẹn lại lên” hay qua các phương tiện như website, facebook, trực tuyến, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam còn tìm đến tận địa phương, trường học, thậm chí từng nhà của học sinh (HS). Theo ThS. Phạm Hồng Chương - Phó hiệu trưởng, hàng năm nhà trường thành lập các tổ tư vấn tuyển sinh, gồm nhiều cán bộ, giảng viên, trực tiếp đến các trường THPT, THCS trong và ngoài tỉnh làm công tác tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh. Ngoài ra, thông qua danh sách, địa chỉ người học, nhà trường còn liên hệ trực tiếp đến tận gia đình HS để tư vấn tuyển sinh, vận động đi học.

Đối với Trường ĐH Quảng Nam, những năm qua, trường cũng đã kịp thời điều chỉnh ngành nghề, chỉ tiêu đào tạo cho phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và xã hội. Chẳng hạn, đào tạo sư phạm chỉ tuyển sinh đối với thí sinh có hộ khẩu trong tỉnh và chỉ tiêu ngày càng giảm. Riêng năm 2019 không còn tuyển sinh bậc CĐ sư phạm. PGS-TS. Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước mùa tuyển sinh hàng năm, trường tập trung cho công tác tuyên truyền, quảng bá tuyển sinh, đa dạng hóa các loại hình đào tạo để sử dụng tốt nhất nguồn nhân lực hiện có. Sắp tới, nhà trường sẽ tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh 2019 và bàn phương hướng tuyển sinh năm 2020. Tại hội nghị này, hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ thảo luận định hướng ngành nghề đào tạo dựa trên quy mô xác định chỉ tiêu để tuyển sinh có kết quả tốt.

Đào tạo gắn việc làm

Cả tỉnh 6 năm nữa cũng chưa sử dụng hết số giáo viên mầm non đã được đào tạo. Bởi theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020 số lượng trung cấp sư phạm mầm mon, tiểu học ra trường lên đến hơn 6.600 người, nhưng nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 6%. Vì vậy, năm 2018 Sở GD-ĐT đã tham mưu cho tỉnh dừng đào tạo trung cấp sư phạm ở một số đơn vị, như Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng chỉ tiêu, mã ngành đào tạo của Trường ĐH Quảng Nam lâu nay không thông qua ý kiến của Sở GD-ĐT. Hiện nay, nếu tiếp tục đào tạo sư phạm mầm non, tiểu học sẽ gây lãng phí rất lớn. 

(Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc)

Là một trong những đơn vị khá “nhanh chân” trong cơ chế thị trường, những năm qua, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam rất tích cực trong việc liên kết với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng. Đó là phương thức nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thực tế; đồng thời tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho HS, SV tại chính các doanh nghiệp hợp tác. Chẳng hạn, nhà trường đã ký kết chương trình hợp tác đào tạo với Công ty Green Feed (chuyên về sản xuất thức ăn gia súc và chăn nuôi) về đào tạo ngành chăn nuôi và triển khai trong nhiều năm gần đây. Sau thời gian học tập ở nhà trường, 6 tháng cuối của chương trình đào tạo HS sẽ đến thực hành trực tiếp tại công ty.

Việc phối hợp, liên kết đào tạo mang lại kết quả khá tốt khi những năm qua đã có hàng chục cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp hợp tác với trường trong việc góp ý xây dựng chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy một số học phần chuyên môn, nói chuyện chuyên đề, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ học bổng, tiếp nhận HS, SV thực tập và tuyển dụng vào làm việc. Theo ThS. Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, nhờ làm tốt công tác đào tạo gắn với sử dụng nên các năm học qua, nhiều HS của trường được tuyển dụng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện tại, nhà trường đang đào tạo một số ngành nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh. Rất đáng mừng là thời gian gần đây, một số ngành sau khi HS tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định, thậm chí một số ngành điện, điện tử, chăn nuôi, thú y ra trường không đủ để cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký trực tiếp với nhà trường.

Tương tự, Trường CĐ Công nghệ Quảng Nam cũng rất quan tâm đến công tác giải quyết việc làm sau đào tạo, coi đây là giải pháp để tác động tích cực đến việc thu hút người học. Bên cạnh việc chủ động đào tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhà trường còn triển khai đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, đơn vị. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng đào tạo với trường, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người học. Trong khi đó, Trường ĐH Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động tư vấn và hỗ trợ việc làm, phối hợp với các nhà tuyển dụng tổ chức hội thảo, hội chợ việc làm, xem đây là chìa khóa mở ra cơ hội việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường đại học, cao đẳng thời khốn khó - Bài cuối: Lối ra nào cho các trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO