(QNO) - Sáng nay 11.7, trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An) tổ chức công bố “Mô hình đại học phi lợi nhuận” đầu tiên tại Việt Nam và lộ trình thực hiện. Tới dự có bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, nhà văn Nguyên Ngọc - Ủy viên hội đồng quản trị và người đồng sáng lập trường Đại học Phan Châu Trinh.
Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước phát biểu tại buổi lễ. |
Thạc sĩ Đỗ Thế - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phan Châu Trinh cho biết: “Mô hình đại học phi lợi nhuận có mục tiêu vì người học, được điều hành bằng hội đồng trường, tiếng nói của những nhà chuyên môn, trí thức có trọng lượng lớn, bầu ra để đại diện cho tập thể. Nguồn thu chủ yếu là nguồn hiến tặng, tài trợ và học phí (thấp). Giá trị thặng dư đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, học bổng, sinh hoạt của sinh viên… không chia cho cổ đông. Toàn bộ lợi nhuận đều được đưa vào hoạt động giáo dục, đào tạo và phục vụ cộng đồng. “Điều này sẽ triệt tiêu những mâu thuẫn nội bộ do xung đột lợi kinh tế, quyền lực, kinh doanh giáo dục của đại học tư thục”.
Mô hình phi lợi nhuận tại trường Đại học Phan Châu Trinh với số sinh viên chỉ khoảng 5.000, với phương châm canh tân giáo dục, có tôn chỉ, mục đích đào tạo ra những con người có tư duy độc lập, có ý chí tự do mạnh mẽ, trung thực và có tinh thần trách nhiệm với xã hội, có năng lực hành động trong đời sống hiện đại. Ngành đào tạo chủ yếu tập trung vào các ngành khoa học xã hội, có sự tương tác lớn giữa giảng viên và sinh viên.
Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh: “Hiện nay, giáo dục ở nước ta rất yếu so với các nước trên thế giới, trong khi các trường đại học tư hoạt động phân chia lợi nhuận cho thành viên hội đồng quản trị hay hoạt động theo kiểu doanh nghiệp. Và mô hình phi lợi nhuận của trường Phan Châu Trinh là hướng đến mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đồng thời và giảm bớt gánh nặng chi phí cho sinh viên. Đây cũng là cách đổi mới giáo dục đào tạo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta”.
Hiện nay sinh viên của nhà trường đang từng bước được hưởng các quyền lợi như học phí ổn định, chỉ ngang bằng trung bình chung của các trường công lập, ký túc xá miễn phí, tiếp cận dần với chương trình giáo dục khai phóng, trường dành tối thiểu 10% từ nguồn thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên. Riêng người Hội An và Quảng Nam được cấp học bổng 50% học phí toàn khóa học.
Nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Phan Châu Trinh cho biết: “Chúng tôi muốn giới thiệu mô hình đại học rất cần thiết, đó là mô hình đại học phi lợi nhuận. Vì sao trường chọn mô hình này: đây là mô hình duy nhất thích hợp với tôn chỉ mục đích mà trường đã xác định từ lúc thành lập. Đây mới là mô hình đại học thực sự, nếu có làm ra lãi thì cũng tập trung đầu tư cho quyền lợi của sinh viên, giảng viên… Đây là con đường rất khó khăn trên thực tế nhưng chúng tôi kiên quyết thực hiện. Và cũng rất cần sự chung tay góp sức cùng tham gia”.
Ông Hà Thanh Quốc, đại diện Sở GD-ĐT cũng cho biết sẽ tạo điều kiện hết sức trong công tác tuyển sinh, nhất là là việc quảng bá đến các trường THPT, làm quyết liệt trước ngày 2.9.
* Cũng tại buổi lễ công bố mô hình giáo dục phi lợi nhuận, ông Trần Đức Cảnh, Việt kiều Mỹ tài trợ số tiền không hoàn lại là 1 triệu USD và 5 triệu USD bảo lãnh cho trường vay ngân hàng.
MINH HẢI