Thành lập vào năm 2007, trường
Trường ĐH Phan Châu Trinh đang đối mặt với hàng loạt khó khăn.Ảnh: X.PHÚ |
3 năm không tuyển sinh được
Việc trường Đại học (ĐH) Phan Châu Trinh ra đời với sứ mệnh hoa tiêu về chất lượng đào tạo cao đã mang lại làn gió mới cho giáo dục ĐH tư thục trên cả nước. Năm học đầu tiên 2007 - 2008, trường tuyển được 614 sinh viên (SV) với 8 chuyên ngành đào tạo ĐH. Tuy nhiên, đó cũng là tất cả những gì ngôi trường này làm được trong hơn 6 năm qua. Bước vào năm thứ 2, số lượng tuyển sinh giảm xuống gần một nửa với 354 SV và năm thứ 3 chỉ còn 189 SV. Ngành tài chính ngân hàng từng là “chỗ dựa” của trường với 241 SV năm học 2007 - 2008 thì đến năm học 2009 - 2010 tụt xuống còn 48 SV. Không chỉ vậy, tất cả các ngành đào tạo đều suy giảm đáng kể, chỉ còn vài chục SV mỗi chuyên ngành, thậm chí có ngành không tuyển sinh được.
Đà tụt dốc không phanh của trường vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Bi đát hơn, dù đã được Bộ GDĐT cho phép tuyển sinh lại sau năm 2010 dừng tuyển sinh nhưng cái tên ĐH Phan Châu Trinh dường như không còn trong sự lựa chọn của các thí sinh. Hai năm liên tiếp 2011 và 2012, trường buộc phải dừng tuyển sinh, riêng năm 2012 tuyển được 14 SV hệ cao đẳng (CĐ) ngành ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung. Ngoài một phần nguyên nhân do trường công tăng chỉ tiêu, quy định về điểm sàn có phần ngặt nghèo, nhưng có thể thấy lý do chính vẫn là bản thân trường ĐH Phan Châu Trinh đã không còn sức hút. Theo ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó Giám đốc Sở GDĐT, năm 2012 Quảng Nam có 12.951 học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ trên cả nước, nhưng trường ĐH Phan Châu Trinh chỉ tuyển được 14 SV (trong đó có 9 SV Quảng Nam), cho thấy sức hút của trường đối với học sinh trong tỉnh giảm sút đến mức nào.
Khó khăn thứ hai là vấn đề tài chính. Một ngôi trường, đặc biệt trường tư thục thì “nguồn sống”chủ yếu dựa vào học phí. Vậy mà 3 năm học vừa qua trường ĐH Phan Châu Trinh không thể tuyển sinh được thì đương nhiên sẽ chẳng có nguồn thu nào từ học phí. Đã vậy, theo như thừa nhận của lãnh đạo nhà trường, trong 2 năm qua nhiều cổ đông cũng không còn đủ sức góp thêm tiền. Trong khi đó, kinh phí vẫn phải chi trả cho giảng viên (hiện vẫn còn gần 200 SV khóa 3) và cán bộ thuộc các bộ phận khác của nhà trường. Do đó, mỗi năm nhà trường phải bù lỗ khoảng 2 tỷ đồng. Cũng vì vậy mà việc triển khai dự án xây dựng trường tại xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) cho đến giờ này vẫn “án binh bất động” dù thời hiệu thỏa thuận địa điểm theo Thông báo 285 (9.8.2011) do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu ký đã hết hạn từ lâu.
Nỗ lực “tự cứu mình”
Là ngôi trường đóng chân trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tỉnh và TP.Hội An luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho trường ĐH Phan Châu Trinh hoạt động. Nhà trường đã được chính quyền TP.Hội An ưu ái cho mượn (thật ra là cho thuê và miễn 100% tiền thuê đất) toàn bộ “khu đất vàng” rộng gần 39 nghìn mét vuông tại địa điểm số 2 đường Trần Hưng Đạo (trường Quân sự tỉnh cũ) để hoạt động. Từ đó đến nay, trường vẫn mượn địa điểm này tổ chức dạy và học. Vừa qua, nhà trường tiếp tục xin gia hạn và miễn tiền thuê đất đến hết năm 2015, đồng thời đề nghị tỉnh, TP.Hội An gia hạn hiệu lực thông báo thỏa thuận địa điểm và quyết định thu hồi đất địa điểm dự án xây dựng trường đến hết năm 2013. Theo ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An, 7 năm qua mà trường vẫn giẫm chân tại chỗ thì “mất” chứ không còn là “giảm uy tín” nữa. Nhà trường cần có cuộc cách mạng về nguồn vốn mới có thể giải quyết được vấn đề. Riêng về địa điểm xây dựng trường tại xã Cẩm Thanh, đề nghị trường đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, bởi đất dự án “treo” ra đó trong khi người dân địa phương có nhu cầu rất lớn mà không có đất sản xuất.
Ngoài 2 khó khăn chính hiện nay là công tác tuyển sinh và tình hình tài chính, trường ĐH Phan Châu Trinh còn gặp cản ngại lớn trong việc đầu tư xây dựng trường. Theo lãnh đạo nhà trường, giai đoạn đầu ít nhất cũng phải cần 500 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trong khi việc cân đối thu - chi đào tạo của trường thiếu hụt phải 10 năm nữa. Đó là chưa kể, số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất tại xã Cẩm Thanh hết khoảng 50 tỷ đồng. |
Tại buổi làm việc để giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của trường ĐH Phan Châu Trinh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả yêu cầu lãnh đạo nhà trường tích cực vào cuộc, khẩn trương hoàn thành các thủ tục để báo cáo TP.Hội An và UBND tỉnh quyết định đối với việc gia hạn thời gian thuê cơ sở tại số 2 đường Trần Hưng Đạo hiện nay, cũng như dự án đầu tư xây dựng tại xã Cẩm Thanh (diện tích 34,6ha). Về kiến nghị liên quan đến khoản nợ tiền thuê đất của trường, đồng chí Trần Minh Cả cho biết UBND tỉnh sẽ có báo cáo với Tỉnh ủy để tiếp tục kiến nghị, giải trình với Thanh tra Chính phủ.
Rõ ràng, chỉ có nỗ lực “tự cứu mình” mới có thể giải quyết căn bản những tồn tại, khó khăn của trường ĐH Phan Châu Trinh hiện nay, nói như nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch HĐQT nhà trường: “Nếu năm nay mà không tuyển sinh được thì tan luôn ngôi trường”. Rất mừng là thời gian qua, bước đầu lãnh đạo nhà trường đã có những động thái tích cực trong việc “làm mới” mình như huy động thêm được cổ đông mới, tăng cường công tác tiếp thị tuyển sinh. Theo ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Hiệu trưởng nhà trường, mùa tuyển sinh năm học 2013 - 2014, trường tuyển 400 chỉ tiêu ĐH và 200 chỉ tiêu CĐ; trong đó sẽ dừng tuyển sinh ngành điện tử viễn thông, dành nguồn lực tập trung nâng cao chất lượng và phát triển các ngành mà trường có thế mạnh là ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung) và du lịch (Việt Nam học - du lịch). Vừa qua, trường cũng đã góp mặt tại hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 do Sở GTĐT tổ chức và chương trình tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 do Báo Người Lao Động tổ chức tại trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ). Có thể nói, qua 2 cuộc “tiếp thị” này, hình ảnh ngôi trường ĐH mà nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhà văn Nguyên Ngọc cùng nhiều nhà giáo dục nổi tiếng cả nước sáng lập và dày công xây dựng đã để lại ít nhiều ấn tượng trong thầy, cô giáo các trường THPT và các em học sinh trước mùa tuyển sinh năm nay.
XUÂN PHÚ