Một trong những động thái được xem là cứng rắn và đầy bất ngờ khi mới đây Bộ GDĐT quyết định tạm dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo đại học của 71 cơ sở đào tạo đại học trên cả nước từ năm 2014. Riêng trường Đại học Quảng Nam có 5 ngành trong số 12 ngành đào tạo đại học hiện nay bị dừng.
Ngày 25.1, Bộ GDĐT có Công văn 454 về việc tạm dừng tuyển sinh từ năm 2014 đối với các ngành đào tạo đại học (ĐH) của các cơ sở đào tạo trên cả nước. Theo đó, 207 ngành đào tạo thuộc 71 trường ĐH, học viện bị dừng tuyển sinh. Lý do được đưa ra là các cơ sở đào tạo này không đáp ứng đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu “ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký” theo như quy định của Thông tư 08 (17.2.2011) Bộ GDĐT. Đáng chú ý, trong số 71 cơ sở đào tạo bị “cắt” có cả những trường ĐH hàng đầu cả nước về chất lượng đào tạo như ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), ĐH Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh, ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Kinh tế Đà Nẵng, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Một số trường ĐH bị tạm dừng khá nhiều ngành, trong đó có trường đối diện với nguy cơ “đóng cửa” như ĐH Hà Tĩnh bị dừng 14 ngành (trong tổng số 16 ngành đang đào tạo của trường), ĐH Hùng Vương Phú Thọ 10 ngành, ĐH Quảng Bình 8 ngành.
Sinh viên trường ĐH Quảng Nam tại buổi lễ tốt nghiệp năm 2013. Ảnh: X.PHÚ |
Riêng trường ĐH Quảng Nam, theo Công văn 454 của Bộ GDĐT, sẽ có 5 ngành đào tạo ĐH bị tạm dừng, gồm Việt Nam học, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Sư phạm Ngữ văn và Công nghệ thông tin. Như vậy, trong tổng số 12 ngành ĐH hiện đang đào tạo, từ năm nay,
Rõ ràng, quyết định mạnh tay của Bộ GDĐT vừa qua có thể gây sốc cho các cơ sở đào tạo nhưng là hành động được nhiều người ủng hộ nhằm “nói không” với đào tạo không đạt chuẩn, tránh tình trạng “cơm chấm cơm” trong đào tạo ĐH vốn tồn tại lâu nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, qua sự việc này cho thấy Bộ GDĐT đã tự mâu thuẫn với chính mình. TS.Lê Duy Phát – quyền Hiệu trưởng trường ĐH Quảng Nam chia sẻ: “Trước đây, trường làm hồ sơ đăng ký mở mã ngành đào tạo đều đã được Bộ GDĐT thẩm định đội ngũ giảng viên và đồng ý. Thế nhưng giờ đây Bộ lại bảo chưa đạt chuẩn theo quy định và tạm dừng”. Ngoài ra, hiện nay một số trường, đặc biệt là những trường ĐH làm công tác đào tạo đặc thù như các ngành nghệ thuật đang phản ứng mạnh mẽ quyết định của Bộ khi cho rằng “đòi hỏi giảng viên tiến sĩ, thạc sĩ là máy móc và không hiểu gì về đặc thù của đào tạo nghệ thuật”.
Về tuyển sinh năm 2014, TS. Lê Duy Phát cho biết trường ĐH Quảng Nam vẫn tổ chức thi tuyển theo phương án cũ “3 chung” như lâu nay, đó là chung đề, chung đợt và chung kết quả để xét tuyển. Riêng các môn năng khiếu thí sinh sẽ thi thêm đề riêng của trường. |
TS.Lê Duy Phát giải thích thêm, trước đây, Bộ GDĐT không quy định cụ thể về đội ngũ giảng viên cơ hữu, miễn là trường có giảng viên tiến sĩ là được chấp nhận mở ngành đào tạo. Là trường ĐH còn non trẻ, chưa có đủ tiến sĩ nên để có thể mở mã ngành đào tạo, nhà trường hợp đồng lao động với một số tiến sĩ đang công tác tại các cơ quan trong tỉnh để giảng dạy (khác với giảng viên thỉnh giảng). Điều này trường ĐH Quảng Nam đều báo cáo và được Bộ cho phép mở mã ngành. Tuy nhiên, hiện nay hình thức này không được Bộ đồng ý mà yêu cầu nếu là hợp đồng phải là những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. TS. Lê Duy Phát còn cho biết, trong số 5 ngành mà trường ĐH Quảng Nam bị dừng tuyển sinh thì ngành Công nghệ thông tin là chưa chính xác. “Bộ GDĐT lấy số liệu về đội ngũ giảng viên từ tháng 3.2013 trong khi đến thời điểm ban hành quyết định tạm dừng thì ngành Công nghệ thông tin của trường ĐH Quảng Nam đã có tiến sĩ Vũ Đức Quảng. Vì thế, vừa qua nhà trường đã làm việc với Bộ GDĐT về trường hợp này và chắc chắn sẽ được giải quyết trong thời gian tới. Ngoài ra, nhà trường cũng đã được Bộ đồng ý mở đào tạo ngành Văn học trong năm 2014” - TS. Lê Duy Phát nói. Cũng cần nói thêm, ngành Sư phạm Ngữ văn đang có dấu hiệu khó khăn trong tuyển sinh nên trường ĐH Quảng Nam đã chuyển hướng bằng việc xin mở đào tạo ngành Văn học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và việc làm sau này cho người học.
Như vậy, tuyển sinh năm 2014, trường ĐH Quảng Nam nhiều khả năng sẽ tuyển 9 ngành, gồm Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Ngôn ngữ Anh, Bảo vệ thực vật, Công nghệ thông tin và ngành mới Ngữ văn. Vậy giải pháp ngắn hạn và lâu dài như thế nào để trường ĐH Quảng Nam đảm bảo chất lượng về mặt đội ngũ cho công tác đào tạo? “Hiện trường đang có gần 130 thạc sĩ và nhiều người đang nghiên cứu sinh. Trong khi chờ những giảng viên cơ hữu của trường hoàn thành luận án trở thành tiến sĩ, để có thể tiếp tục đào tạo những ngành vừa bị tạm dừng, nhà trường sẽ thực hiện giải pháp hợp đồng giảng viên là những tiến sĩ không còn công tác tại các cơ quan, đơn vị giảng dạy” - TS. Lê Duy Phát chia sẻ.
XUÂN PHÚ