Trương Đinh, người cộng sản quả cảm

ĐINH VĂN DŨNG 21/09/2013 09:43

Trương Đinh (còn gọi là Trương Tư) sinh năm 1921 tại làng Tịnh Tây, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. Ngoài làm nông ông còn có thêm nghề may. Và cũng chính ông là người may lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở vùng Lục Bắc cùng nhân dân vùng lên giành chính quyền.

Thời bấy giờ, ngoài việc đến cắt may quần áo, gia đình Trương Đinh là nơi đi lại, hẹn hò của một số thanh niên tiến bộ ở địa phương đến để trao đổi thời sự, trong đó có các thầy giáo Nguyễn Trọng Khả, Nguyễn Chất, Trương Giai, Trương Duật… Tuy chỉ đỗ yếu lược, nhưng vốn thông minh, Trương Đinh tiếp thu khá nhanh. Ông nhận ra xã hội đương thời với bao cảnh bất công, áp bức, bóc lột... và lòng yêu nước, thương dân hình thành trong ông từ rất sớm.

Đồng chí Trương Đinh trong thời kỳ hoạt động cách mạng.Ảnh do gia đình cung cấp
Đồng chí Trương Đinh trong thời kỳ hoạt động cách mạng.Ảnh do gia đình cung cấp

Tháng 8.1945, dưới sự chỉ đạo của Lê Khắc Thiệu, Lã Khắc Thuật, Trương Đinh đã may lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên của vùng Lục Bắc và huy động toàn dân trong vùng đi giành chính quyền. Trương Đinh cùng với nhân dân vượt đèo, vượt dốc chiếm lĩnh đồn Hiên, sau đó tham gia giành chính quyền tại Đại Lộc.

Tháng 9.1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Đại Lãnh được thành lập. Trương Đinh được cử vào ủy ban, phụ trách trinh sát. Một mạng lưới cộng tác viên được hình thành. Có kẻ lạ mặt nào vào làng là Trương Đinh biết ngay. Tháng 10.1946, Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Đại Lãnh được thành lập, Trương Đinh được chỉ định làm Xã đội trưởng dân quân và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 3.1947, giặc Pháp mở trận càn vào phía tây Đại Lộc. Trương Đinh đưa lực lượng dân quân du kích địa phương phối hợp cùng Tiểu đoàn 17 do Lê Kích làm Tiểu đoàn trưởng, chỉ huy đánh tan tác một đại đội lính lê dương Pháp tại Ba Khe. Năm 1948, Trương Đinh được Huyện ủy Đại Lộc điều về làm Huyện đội trưởng dân quân. Ông đã lập kế hoạch cùng Lê Lang Chi - Trung đội trưởng về Đại Nghĩa, sát nách địch để diệt tên ác ôn Xã Á. Năm 1949, Huyện ủy Đại Lộc đưa Trương Đinh học lớp bổ túc công nông tại tỉnh. Năm 1952, kết thúc lớp học trở về, Huyện ủy bố trí ông làm Bí thư Nông hội huyện Đại Lộc.

Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết. Một nửa đất nước vẫn còn nằm trong tay địch. Các tổ chức đảng từ huyện đến cơ sở phải rút vào hoạt động bí mật. Lúc đó, ở Đại Lộc chỉ còn 3 cán bộ hoạt động bán hợp pháp là Trương Đinh, Trương Đình, và Nguyễn Ngọc; một số cán bộ khác như Lương Văn Lý, Trần Thúc, Lê Mính, Trương Anh Ta… hoạt động ở từng vùng của huyện.

Phản bội Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành bắt bớ, bắn giết cán bộ, đảng viên vô cùng dã man. Sự bao vây lùng sục ngày đêm của bọn tay sai ác ôn, lính Bảo an khiến việc nuôi giấu cán bộ của nhân dân vô cùng khó khăn. Tháng 11.1954, đồng chí Trương Vạn bị địch giết hụt, thoát ly đã gặp Trương Đinh. Tháng 3.1955, cả hai ông cùng về Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Sơn móc nối lại cơ sở, phổ biến các chủ trương của huyện và cấp trên.

Tháng 8.1955, tại vùng Lục Bắc, ông cùng Nguyễn Trọng Khả (cơ sở của Trương Đinh) đã họp một số cán bộ nòng cốt tại Hóc Vĩ nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và bàn kế hoạch đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Tại Dục Tịnh, Trương Đinh ở nhà anh Lê Tam chỉ huy cuộc đấu tranh của phụ nữ Đại Hồng với bọn lính khu Lộc Thung giành lại băng cờ, không cho giặc cướp. Thời kỳ này, đường dây liên lạc do Trương Đinh tổ chức hình thành từ An Thịnh xuống Đại Hiệp, lên Đại Hồng, qua Đại Lãnh. Truyền đơn, khẩu hiệu, các mật lệnh đều do đường dây mang đi. Những liên lạc viên như Tán Thị Trợ (Đại Hồng), Nguyễn Thị Nhạn (Đại Hiệp), Trương Trợ, Nguyễn Thị Ngọc Lan (Đại Lãnh) đã không quản ngại khó khăn đi lại ngày đêm. Các bến đò Bà Thơ (Dục Đông), Huỳnh Nhiễu (Tịnh Đông Tây), Hà Vy được tổ chức chặt chẽ để đưa Trương Đinh cùng đồng chí Hồng Kỳ bám cơ sở về làng.

Cuối năm 1956, Trương Đinh được Tỉnh ủy đưa ra miền Bắc tiếp thu nghị quyết về chủ trương “Hoạt động tại miền Nam”. Học xong, Trương Đinh lại khăn gói trở về miền Nam. Sau khi giải thể “Ban cán sự miền Tây”, Trương Đinh về làm Bí thư Huyện ủy Đại Lộc. Sau đó, ông về Đại Hồng đưa một số thanh niên tình nguyện qua Đại Lãnh, rồi đưa toàn bộ thanh niên bảo vệ hương thôn lên núi thành lập “bộ đội địa phương”.

Ngày 3.2.1963, Trương Đinh về thôn Đông Lâm chỉ huy lực lượng diệt tên ác ôn Nhung cảnh sát ngụy. Trong hồi ký “Những năm tháng khó quên” của ông Phạm Đức Nam (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) có đoạn nói về chiến công của Trương Đinh: “…Năm 1963, Trương Đinh đã chỉ huy một trung đội giả danh cảnh sát dã chiến ngụy đột nhập vào trụ sở Hội đồng hương chính xã Đại Quang, bắn chết tên Nhung gian ác khét tiếng của huyện Đại Lộc…”. Tháng 8.1964, Trương Đinh đã gan dạ, mưu trí đưa bộ đội về đánh úp, bắt toàn bộ Hội đồng hương chính xã Đại Hồng.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà năm 1963, Trương Đinh được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, phụ trách công tác Dân vận. Cuối năm 1964, Trương Đinh được Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định làm Trưởng ban Binh địch vận Quảng Đà.

Tháng 7.1967, Trương Đinh hy sinh tại Phú Thuận. Sự hy sinh của ông gắn liền với chiến công quyết tử. Trong trận càn, bọn địch phát hiện hầm bí mật nơi ông ẩn nấp. Chúng rêu rao với nhau: “Nhất định sẽ bắt được tên cộng sản gộc”. Khi địch tiến đến, bất ngờ nắp hầm bật ngược, một quả lựu đạn tung lên, nhiều tên lính ngụy gục ngã nhào vào nhau. Ông vụt lên thoát thân nhưng vấp phải bụi cỏ, trong lúc đang loạng choạng thì loạt AR15 của giặc bắn theo, ông hy sinh.

Khi Trương Đinh hy sinh, gia đình người cô ruột của ông ở Đại Phong nghe tin đã tìm cách đưa thi thể về mai táng tại núi Phú Thuận. Sau năm 1975, Trương Đinh được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Hiện nay, hài cốt liệt sĩ Trương Đinh được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Lãnh.

Gần 25 năm hoạt động cách mạng, Trương Đinh đã dành trọn tuổi thanh xuân phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng, không nao núng trước khó khăn, thử thách, cả trong giai đoạn đen tối nhất của cách mạng. Ông là tấm gương sáng ngời của một người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

(Dựa theo lời kể của ông Trương Công Tùy - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đại Lộc và ông Nguyễn Tuân - nguyên Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc)

ĐINH VĂN DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trương Đinh, người cộng sản quả cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO