(Xuân Nhâm Dần) - Trường Giang - “con sông mơ màng như dải lụa” đang được chính quyền tỉnh toan tính quy hoạch lại không gian phát triển với ý tưởng thiết kế một dòng sông đẹp, là “nơi quá khứ gặp tương lai”.
Hoàn chỉnh trục “xương sống” vùng Đông
Nhìn trên bản đồ, lòng sông Trường Giang chia cắt manh mún, chỗ rộng chỗ hẹp, ao nuôi trồng thủy sản chằng chịt, cộng thêm nò, rớ, đó, đăng, chơm… đặt tràn lan. Là dòng sông tĩnh, mực nước thủy triều đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy.
Đầu năm 2021, chính quyền tỉnh đã giao cho chủ đầu tư, các cơ quan chức năng tích cực làm việc, thuê đơn vị tư vấn nước ngoài quy hoạch không gian phát triển sông Trường Giang, trong đó phải đưa ra các giải pháp kỹ thuật và quản lý tổng hợp cho tiểu lưu vực sông.
Gia tăng giá trị cho sông
Trong định hướng quy hoạch, Trường Giang sẽ là con sông đa dạng hệ sinh thái bậc nhất trong số các con sông của tỉnh, khi mỗi lưu vực sẽ phục hồi hệ thực vật riêng và phân khu phát triển kinh tế, du lịch cũng khác nhau.
Lợi thế của Trường Giang là còn hoang sơ, ven bờ chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh quả quyết, Quảng Nam hoàn toàn có thể tổ chức quy hoạch cũng như giải phóng mặt bằng, đầu tư khai thác một cách đồng bộ, hoàn chỉnh để gia tăng giá trị cao nhất cho sông.
Về quy hoạch, theo Sở Xây dựng, có thể xem xét phân thành 3 vùng đặc trưng để phát triển sông Trường Giang. Vùng phía bắc (Duy Xuyên - Thăng Bình) định hướng đầu tư nông nghiệp - du lịch. Vùng giữa sông Trường Giang (Tam Kỳ) hướng tới phát triển đô thị xanh, giữ vai trò chống ngập lụt cho đô thị Tam Kỳ. Và vùng phía nam sông (Núi Thành) chỉ tập trung phát triển công nghiệp.
Việc phân thành 3 vùng như vậy là theo hiện trạng thực tế tại các địa phương, nương theo tự nhiên và phù hợp với định hướng quy hoạch không gian chung về vùng Đông. Mục tiêu là quy hoạch phục hồi tuyến vận tải thủy, đầu tư hạ tầng ven sông (nạo vét sông, đầu tư các bến cảng, cầu mới…).
Với sự giàu có về di sản văn hóa tinh thần của cư dân sông nước, chính quyền tỉnh còn yêu cầu khi tư vấn lập quy hoạch phải tính toán hợp lý chỗ xây dựng công viên bờ sông; thiết kế phong cảnh, nơi tụ họp cho cộng đồng bản địa, phát triển mạnh các dự án đô thị mới và du lịch ven sông.
Trong quy hoạch phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, vùng ven biển và dọc sông Trường Giang, từ phía đông sân bay Chu Lai đến TP.Tam Kỳ và kéo dài đến Hội An sẽ là các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, nhiệm vụ trước mắt của chính quyền tỉnh là nạo vét khơi thông dòng sông, thuê đơn vị tư vấn có uy tín lập quy hoạch không gian phát triển, kể cả 2 bên bờ sông, sau đó mới tính toán kêu gọi thu hút đầu đầu tư.
“Gánh” sứ mệnh thoát lũ
“Đưa sông Trường Giang thành trục xương sống về đường thủy, cùng với đường Võ Chí Công. Quy hoạch sông Trường Giang theo đặc trưng hệ sinh thái tự nhiên của từng khu vực, hướng tới phát triển du lịch xanh; chú trọng cả quy hoạch thoát lũ cho các địa phương lẫn quy hoạch khu xử lý nước thải, thu gom chất thải sinh hoạt tại khu vực này”.
(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)
Vai trò sứ mệnh của sông Trường Giang được Tỉnh ủy xác định là “tạo ra hệ thống giao thông thủy nội địa thông suốt, kết hợp phòng chống ngập lụt và tiêu thoát lũ, phục vụ dân sinh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế du lịch, theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Trong các giải pháp đề xuất tiêu thoát lũ cho đô thị Tam Kỳ, chính quyền thành phố cho rằng, cần sớm nạo vét, khơi thông dòng chảy các sông Trường Giang, Tam Kỳ, Kỳ Phú, Bàn Thạch để tăng khả năng thoát lũ ra An Hòa; cải thiện năng lực thoát lũ hồ Sông Đầm ra sông Trường Giang.
Quy hoạch thoát lũ cho Tam Kỳ cũng cần thực hiện đồng bộ và xem sông Trường Giang đóng vai trò quan trọng trong tính toán thoát lũ cho toàn bộ vùng ven biển phía đông nói chung.
Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Bùi Ngọc Ảnh cho rằng, cần gấp rút quy hoạch lưu vực sông Trường Giang và đầu tư nạo vét lòng sông, nhưng phải nghiên cứu kỹ lưỡng sinh thái học và sinh kế cho người dân.
Chính quyền thành phố đang nhờ tư vấn xác lập các vùng chứa lũ của sông, nghiên cứu định hướng thoát nước từ khu vực ven quốc lộ 1 huyện Thăng Bình; từ sông Bàn Thạch, sông Tam Kỳ xuống sông Trường Giang.
Khu vực ven biển được xác định là vùng động lực phát triển năng động bậc nhất của tỉnh, cũng như vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn Quảng Nam (đơn vị tư vấn lập quy hoạch), quy hoạch sông Trường Giang phải gắn với ven biển và sát biển. Trong đó, tại Cửa Đại (Hội An) là điểm gặp nhau của 3 con sông (Thu Bồn, Cổ Cò, Trường Giang), quy hoạch cần được bố trí các công trình mang tính đầu mối, kết nối liên thông giữa 3 con sông này.
Sông Trường Giang, đoạn chảy qua các xã Duy Nghĩa, Duy Vinh (Duy Xuyên) hay Bình Đào, Bình Triều (Thăng Bình) là những nơi còn giữ lại nhiều cánh rừng ngập mặn đẹp. Tuy đã xuất hiện một số làng du lịch ở Trà Nhiêu - Duy Vinh, làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ), nhưng dường như lâu nay con sông này vẫn chưa được đánh thức, trỗi dậy mạnh mẽ.
“Chảy đi sông ơi”! Tất cả đang chờ đợi vào tiến độ nhanh hay chậm từ dự án nạo vét luồng lạch Trường Giang dài 60 cây số.