Nông nghiệp được Trường Hải công bố là 1 trong 5 trụ cột phát triển. Sự kiện này được đánh giá là một cuộc dấn thân trên hành trình “phát triển không giới hạn”.
Từ hợp tác, sản xuất máy nông nghiệp, đến tham gia sản xuất nông nghiệp là một trong những ý tưởng có tính quyết định để Trường Hải trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành.Ảnh: T.D |
Trụ cột phát triển
Sự biến động của thị trường lẫn áp lực hội nhập, không hiếm tập đoàn tư nhân lớn tại Việt Nam đã tìm kiếm thêm những hướng đi mới. Nông nghiệp, nông thôn là một lựa chọn. Công ty CP Ô tô Trường Hải công bố sẽ đầu tư phát triển nông nghiệp theo mô hình sản xuất công nghiệp với sản lượng lớn, chất lượng an toàn một cách ổn định bằng cơ giới - tự động hóa với các thiết bị chuyên dụng và ứng dụng số hóa trong quản trị xuyên suốt chuỗi giá trị từ nghiên cứu, canh tác, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến, phân phối theo các nhóm cây trồng. Tập đoàn này sẽ tiến hành triển khai dự án sản xuất công nghiệp ngũ cốc thông qua đầu tư khu công nghiệp (KCN) chuyên phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình. Những cánh đồng thực nghiệm trồng lúa giống, cánh đồng mẫu lớn, liên kết trồng lúa với các hợp tác xã, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và giải pháp cơ giới hóa, hỗ trợ kỹ thuật một cách đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch và bao tiêu nông sản... sẽ dần hình thành tại đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Tại Chu Lai, sản xuất nông nghiệp của Trường Hải sẽ được khởi sự đầu tư một KCN chuyên nông lâm nghiệp trên diện tích 451ha, theo phân kỳ đầu tư 5 năm. Những tổng kho, các nhà máy sản xuất, chế biến sau thu hoạch cho trái cây, sản xuất vật tư nông nghiệp, tổng kho gỗ và các nhà máy sản xuất đồ gỗ… sẽ lấp đầy KCN này. Ngay trong năm 2019, sẽ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp với công suất thiết kế 200.000 tấn/năm và tổng kho bảo quản để xuất khẩu trái cây tươi, các nhà máy sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế trên 120.000 tấn/năm với các sản phẩm cấp đông, sấy dẻo, nước cốt xuất khẩu với chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỷ đồng. Nỗ lực đầu tư này nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín cho Công ty Hoàng Anh nông nghiệp Gia Lai tại vùng trồng ở Nam Lào, Tây Nguyên và là đầu ra ổn định cho nông dân ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Trường Hải sẽ thành lập một công ty phân phối, bao tiêu sản phẩm cho Công ty Hoàng Anh nông nghiệp Gia Lai để xuất khẩu trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây từ tháng 3.2019, sẽ xuất khẩu 300.000 tấn tương ứng 15.000 container trong năm 2019. Phối hợp trồng mới thêm 11.500ha trong năm 2019, nâng diện tích cây ăn trái lên 30.000ha.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng công nghiệp hóa, cơ giới hóa trong sản xuất, canh tác. Nông nghiệp hiện là ngành chủ đạo của nền kinh tế, nhưng lạc hậu, cần phải ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa mạnh trong thời gian tới. Trường Hải đã quyết định tham gia việc phát triển ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
“Dấn thân”
Cuộc “rẽ trái” sang nông nghiệp của Trường Hải hay nhiều “đại gia” khác được đánh giá là sẽ góp phần thay đổi diện mạo nền nông nghiệp Việt Nam. Song, cũng có không ít ý kiến lo ngại khi ngành nông nghiệp được xem là lợi thế của Việt Nam nhưng các doanh nghiệp trong ngành dường như vẫn rất khó để có thể sống khỏe. Theo một cuộc điều tra mới đây của Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam, trên 685 doanh nghiệp nông nghiệp cho thấy chỉ có 9% doanh nghiệp lãi như kỳ vọng, 50% ít lãi và 40% doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ và hòa vốn. Liệu Trường Hải có thể vượt qua sức ép này để phát triển như dự định? Ông Trần Bá Dương khẳng định ý tưởng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã có từ vài năm trước và doanh nhân phải có trách nhiệm dấn thân. Tham gia phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam cũng là trách nhiệm của Trường Hải.
Có thể thấy, cuộc rẽ trái sang nông nghiệp của Trường Hải không phải là một cuộc chạy theo trào lưu mấy năm gần đây của các tập đoàn tư nhân lớn. Chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành của Trường Hải (nông nghiệp, đầu tư xây dựng giao thông, KCN - đô thị, logistic và thương mại - dịch vụ) đều dựa trên thế mạnh là cơ khí và kinh nghiệm quản trị công nghiệp để bổ trợ cho nhau. Trường Hải đã đặt mục tiêu sản xuất cơ khí tập trung vào cơ khí nông nghiệp, nhất là cung cấp các giải pháp đồng bộ gồm cơ giới – tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quản trị công nghiệp cho lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và sản xuất công nghiệp. Trường Hải làm chủ thiết kế, công nghệ sản xuất, nội địa hóa máy nông nghiệp chất lượng cao, phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác của từng vùng miền Việt Nam, phát triển máy móc các loại nhằm cơ giới hóa, tổ chức sản xuất công nghiệp cho các sản phẩm nông nghiệp chuyên biệt, sẽ nghiên cứu, sản xuất các máy móc thiết bị chuyên dụng cho nhóm sản phẩm nông nghiệp các loại, khép kín theo chuỗi giá trị từ khâu canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến và phân phối. Ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Chủ động được máy móc, nông cụ, vận chuyển… sẽ là thuận lợi lớn. Trường Hải có đủ thế mạnh để thực hiện. Từ cơ giới hóa đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ mở ra bước phát triển mới của nền nông nghiệp Việt Nam.
Nông nghiệp Trường Hải thành công hay không sẽ còn chờ đợi, nhưng chọn thêm nông nghiệp trở thành 1 trong 5 trụ cột phát triển là một lựa chọn có tính quyết định. Ông Nguyễn Quang Bảo - Giám đốc sản xuất Trường Hải nói Thaco - Chu Lai sẽ là khu công - nông nghiệp - đô thị. Các lĩnh vực ngành nghề phát triển dựa trên kế thừa kinh nghiệm, bổ trợ cho nhau.
TRỊNH DŨNG