Trường học quốc tế tăng mạnh ở châu Á

QUỐC HƯNG 01/03/2016 10:33

Số lượng trường học quốc tế đang gia tăng mạnh theo nhu cầu tại châu Á, khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.

Nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định của khu vực trong nhiều năm qua, châu Á trở thành thị trường lao động hấp dẫn cho những người ngoài khu vực đến sinh sống và làm việc. Nhiều công ty thương mại, các tổ chức quốc tế, hoặc hành nghề trong nhiều lĩnh vực khác đến châu Á với thời gian định cư lâu dài, thường mang theo cả gia đình. Do đó, nhu cầu về trường học quốc tế dành cho con cái của các gia đình trên là không nhỏ. Tuy nhiên, một lý do chủ yếu khiến số lượng trường học quốc tế ngày càng nhiều tại khu vực là do nơi đây hiện rất ưa chuộng mô hình giáo dục quốc tế để bắt kịp tiến trình hội nhập quốc tế. Trong đó, nhiều học sinh theo đuổi các trường học quốc tế mong muốn kiếm được chứng chỉ chuyên môn đạt tiêu chuẩn quốc tế để dễ kiếm việc làm hay theo các cấp học cao hơn tại các nước phát triển vì tương lai tươi sáng hơn.

Trẻ em Nhật Bản tại một trường học quốc tế. (Ảnh: Japantimes)
Trẻ em Nhật Bản tại một trường học quốc tế. (Ảnh: Japantimes)

Châu Á hiện được xem là thị trường giáo dục quốc tế lớn nhất thế giới, hơn 4.000 trường học quốc tế với 2,4 triệu học sinh theo học, chiếm 55% thị trường trường học quốc tế toàn cầu. Đơn cử, số liệu thống kê được đăng trên trang mạng jllrealviews cho thấy, nếu như năm 2000, tại Hồng Kông có 92 trường học quốc tế với khoảng 34.200 học sinh thì con số này hiện đã tăng lên gần gấp đôi, 192 trường với khoảng 66.000 học sinh. Trung Quốc là một trong những quốc gia có số lượng trường quốc tế nhiều nhất khu vực trước nhu cầu tăng cao đất nước đông dân nhất thế giới. Những ngôi trường nội trú uy tín hàng đầu của Vương quốc Anh như Harrow, Dulwich College, Malvern và Wellington vừa thông tin về việc chuẩn bị thành lập cơ sở mới tại Trung Quốc. Dự báo vào năm 2024, số lượng trường học quốc tế tại châu Á tăng lên khoảng 7.000 trường với hơn 5 triệu học sinh.

Trong đó, tờ Asian Correspondent thì cho biết, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời từ cuối năm 2015 với ngôn ngữ chủ đạo của khối là tiếng Anh, nhu cầu các trường học quốc tế về ngôn ngữ Anh ngày càng cao. Khoảng 10 năm trước, mỗi quốc gia chỉ có vài chục trường học quốc tế, nay chỉ riêng Thái Lan đã có tới 172 trường dạy theo chương trình quốc tế, một nửa số đó đi theo chương trình giáo dục chuẩn quốc gia của Anh. Malaysia hiện có 142 trường, Indonesia 190 trường, đặc biệt là Singapore với 63 trường - chiếm đa số trường đào tạo tại đảo quốc sư tử. Tới đây, Myanmar cũng sẽ trở thành một điểm nóng giáo dục cho trường học quốc tế. Về tổng thể, khu vực hiện có khoảng 300 nghìn học sinh học tại hơn 800 trường học quốc tế. Varee Patravanich - Giám đốc Trường quốc tế Varee tại khu vực cho biết, việc mở cửa các trường học quốc tế mẫu giáo và tiểu học diễn ra đáp ứng với sự ra đời của AEC, Varee đồng thời với tham vọng chuẩn bị cho học sinh khu vực vươn ra ngoài khu vực để đuổi kịp chương trình giáo dục tại các nước phát triển.

Tuy vậy, bà Rhiannon Wilkinson - Hiệu trưởng Trường Abbey tại Trung Quốc cho rằng, một mặt nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng tương lai con em vào các trường học quốc tế. Mặt khác, họ cũng không muốn con em mình bị “Tây hóa”. Trường quốc tế dạy song ngữ, bao gồm ngôn ngữ mẹ đẻ của đất nước sở tại là mô hình theo đuổi ưu tiên của nhiều trường học quốc tế hiện nay.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường học quốc tế tăng mạnh ở châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO