Ba năm qua, Trường THCS Mỹ Hòa (Đại Lộc) đã góp phần trang bị cho giáo viên, học sinh kỹ năng ứng phó tại chỗ, giảm thiểu thiệt hại về tài sản công do thiên tai gây ra.
Tọa lạc trên địa bàn xã Đại An, (Đại Lộc), cũng như nhiều trường học khác, Trường THCS Mỹ Hòa luôn phải hứng chịu hậu quả nặng nề của vùng “rốn lũ”. Rút kinh nghiệm sau những đợt lũ lụt, Trường THCS Mỹ Hòa đã sáng kiến xây dựng kịch bản thích ứng và tổ chức tổng diễn tập phòng chống lụt bão (PCLB) trên quy mô lớn và đối tượng tham gia là toàn thể giáo viên, học sinh nhà trường. Chia sẻ về mô hình, thầy Huỳnh Văn Bình - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc xây dựng phương án và tổng diễn tập thích ứng với lũ lụt đã được nhà trường thực hiện 3 năm nay. Mục đích là tập cho giáo viên và học sinh vùng lũ kỹ năng thích ứng tại chỗ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản công.
Khắc phục hậu quả sau bão lũ năm 2013 tại Trường THCS Mỹ Hòa. Ảnh: H.LIÊN |
Cũng theo thầy Huỳnh Văn Bình, điều đáng mừng là 3 năm nay, những đợt diễn tập PCLB đã được giáo viên và học sinh nhà trường hưởng ứng tích cực vào đầu mỗi năm học. Ban chỉ đạo PCLB nhà trường đã tích cực điều hành các đợt diễn tập dựa trên kịch bản được xây dựng sẵn. Ví như, khi có hiệu lệnh báo lũ từ lãnh đạo nhà trường và ban chỉ đạo PCLB qua nhiều kênh như: hệ thống micro, loa tay, trống, tin nhắn SMS đến tất cả giáo viên trưởng bộ môn… đồng nghĩa với việc tất cả giáo viên, học sinh phải khẩn trương thu dọn sách vở, dụng cụ dạy học, đem hành lý đặt trên bục giảng rồi ai nấy lập tức trở về vị trí cũ. Việc của mỗi học sinh lúc này là phải biết phối hợp cùng nhau di chuyển bàn ghế học tập của chính mình đến nơi cao ráo. Mọi công đoạn phải được thực hiện theo kịch bản, khẩn trương, nhanh chóng nhưng có lớp lang, trật tự. Đặc biệt, thầy và trò của mỗi lớp học đều phải nắm rõ lớp mình sẽ phải vận chuyển bàn ghế của lớp tới vị trí nào, lớp nào đi trước, lớp nào đi sau, và đi/về bằng những lối nào để đảm bảo các tuyến hành lang, cầu thang được thông suốt. Học sinh lớp trên phải giúp đỡ học sinh lớp dưới trong việc vận chuyển bàn ghế, dụng cụ học tập. Thầy cô, ban chỉ đạo phải túc trực ở các dãy hành lang và 4 tuyến cầu thang của nhà trường để chỉ đạo, nhắc nhở các em. Nhà trường đã quán triệt việc tham gia chỉ đạo ứng phó lũ lụt không chỉ là nhiệm vụ của riêng ban chỉ huy PCLB, của giáo viên chủ nhiệm mà ngay cả giáo viên bộ môn cũng phải nắm được quy trình, khi có báo động, hễ tới tiết dạy của ai thì bất cứ ai cũng có thể tham gia chỉ đạo một cách thuần thục. “Một tín hiệu tích cực là từ chỗ thờ ơ, bàng quan với việc bảo vệ của công thì nay, từ thầy cô cho tới học sinh, ai cũng ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ của chung. Như vậy, cả trường chỉ cần chung tay từ nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ, mọi việc sẽ xong đâu vào đấy và toàn trường được báo động ra về một lượt” - thầy Bình chia sẻ.
Thầy Văn Quý Lực - Trưởng ban PCLB nhà trường thông tin, để thích ứng tốt với lũ lụt, thiên tai, rút kinh nghiệm từ nhiều đợt lũ trước, nhà trường luôn chủ động trong khâu ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài chủ động tiếp nhận thông tin dự báo sớm từ phía ngành chức năng, ban PCLB còn chủ động theo dõi, quan sát mực nước sông vào những ngày xảy ra mưa lớn tại Quảng Nam để có hướng ứng phó kịp thời, nhanh chóng hơn. “Có thể thấy, đây là mô hình thích ứng với lũ lụt khá hiệu quả nhằm trang bị cho học sinh vùng lũ kỹ năng thích ứng nhạy bén, kịp thời. Quan trọng, không chỉ dừng lại ở câu chuyện diễn tập mà 3 năm qua, phương án này đã được trường áp dụng vào thực tế sau mỗi đợt lũ lụt, được học sinh, phụ huynh hưởng ứng” - thầy Lực chia sẻ.
HOÀNG LIÊN