Trường huyện thuở nào

VÕ VĂN TRƯỜNG 25/02/2016 09:30

Đón xuân mới năm nay, huyện Hiệp Đức quê tôi đã tuổi 30. Mới đó mà đã 30 năm, bao ký ức tràn về. Là lứa học sinh thuộc thế hệ những năm đầu huyện mới được thành lập, trường THPT mới ra đời, sao có thể không bồi hồi xúc động. Chắc chắn không riêng tôi mà nhiều thế hệ học trò sẽ không thể nào quên và cũng không thể không bùi ngùi nghĩ về những ngày gian khó. Nó như một mạch ngầm len lỏi chảy vào mọi ngóc ngách tâm tư mỗi khi nhắc tên hai từ Hiệp Đức, mỗi khi nhắc về mái trường THPT giữa một đồi đất nắng gió với những dãy phòng hết sức tạm bợ mọc lên giữa vùng đất mới chưa xa là chiến trường ác liệt, trung tâm quận lỵ dưới thời ngụy quyền Sài Gòn. Song tất cả như còn mới nguyên ký ức thân thương về thầy cô, bạn bè… những ngày đầu biết nhau.

Tự nhiên tôi liên tưởng đến cái chấm đỏ đánh dấu “cộng sản” trong tấm bản đồ chiến lược tại hầm ngầm làm việc ở Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn trong chuyến tham quan Dinh Thống Nhất cách đây khá lâu. Cái chấm đỏ như một mối đe dọa, cần cảnh báo ấy trên chiến trường Khu 5 có tên Hiệp Đức… rồi Thượng Đức, Hiếu Đức, Hiếu Nhơn… Học lịch sử quê hương, tôi dần hiểu hơn vì sao những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Khu ủy 5 đã di chuyển “thủ đô” từ núi rừng Trà My về vùng Phước Trà, Hiệp Đức. Và cái chấm đỏ trên tấm bản đồ quân sự kia, cách đây 30 năm đã đánh dấu bằng một chấm son mới. Cái chấm son đánh dấu chặng đường mới của vùng đất quê tôi - huyện Hiệp Đức được thành lập ngày 25.2.1986.

Thế hệ học sinh của Trường THPT Hiệp Đức ngày nay. Ảnh: VĨNH LỘC
Thế hệ học sinh của Trường THPT Hiệp Đức ngày nay. Ảnh: VĨNH LỘC

Còn nhớ, trung tâm huyện những ngày đầu thành lập là đồi đất hoang vu được san ủi để có mặt bằng xây dựng trụ sở cơ quan. Và trường THPT cấp III đầu tiên nơi ngọn nguồn dòng Tranh quê tôi cũng vậy. Đất cằn và nhiều bãi đá nên cây cỏ mọc lên để có màu xanh cũng rất khó.  Ngồi trong phòng học nhìn ra bên ngoài tôi nhớ mãi hình ảnh những đám cỏ tranh, những bụi lau nở hoa trắng xóa như màu phấn viết bảng, màu tường vôi… và cả màu tím biếc của những bông hoa mua, hoa sim lặng lẽ khác nào tuổi trai mới lớn lần đầu yêu đương.

Tân An khi chưa là thị trấn, nhà tôi ở xã Quế Thọ chỉ cách Trường THPT Hiệp Đức tròm trèm mười cây số mà anh em tôi cũng như chúng bạn đồng lứa phải trọ học bởi con đường đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa bùn đất lầy lội, hành trình từ nhà đến trường là cả chặng đường “đau khổ”. Cầu Tân An chưa có, bạn bè sống các xã phía bên kia dòng sông Tranh cũng phải chòng chành trên những con đò như chiếc lá tre nghiêng mình trong gió. Con phà nơi bến Tân An bao năm vẫn trĩu nặng tâm tư người đi kẻ ở. Trọ học, lũ học trò chúng tôi phải chở củi, gạo để tự túc lo cái ăn, còn mắm muối trường kỳ vẫn là lọ muối đậu phụng, muối mè ba mẹ làm sẵn. Các bạn học có nhà ở gần trường thuận lợi hơn nhưng nhìn chung cuộc sống lúc bấy giờ cũng thiếu thốn đủ bề. Gian khổ là vậy, lũ học trò chúng tôi ngày ấy ai cũng quyết tâm cố gắng học hành, bởi đã mặc định về một trách nhiệm với gia đình, với quê hương, với những chú, bác đã quan tâm tạo điều kiện cho mảnh đất một thời khói lửa đến cây cỏ cũng bị giày đi xéo lại vì đạn bom có một ngôi trường cấp ba để bao lứa học trò như tôi không phải bỏ học giữa chừng.

Có thể nói, chủ trương lo cho sự học, lo cho nguồn nhân lực của huyện Hiệp Đức ra đời ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Ba mươi năm trôi qua, bao thế hệ học trò đi ra từ ngôi Trường THPT Hiệp Đức đã được đào tạo cao hơn để trở thành những con người có ích cho xã hội. Nhiều học trò cũ của trường cũng đã về lại trường xưa tiếp nối sự nghiệp “trồng người” như nghĩa cử đáp nghĩa đền ơn. Nhiều cán bộ chủ chốt, rồi người lãnh đạo cao nhất huyện Hiệp Đức bây giờ cũng nguyên là học sinh Trường THPT Hiệp Đức. Đó chính là quả ngọt, hoa thơm cho một chủ trương đúng đắn, vừa giải quyết một cách kịp thời bài toán nan giải về sự học trước mắt lúc bấy giờ vừa mang tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển bền vững của vùng đất mới khi tất cả còn trong giai đoạn  “vạn sự khởi đầu nan”.

Từ một trường học mới ra đời còn trăm nghìn khó khăn cả về cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học, đến những lớp học trò nghèo, song không thiếu chí nguyện “Nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ, bóp bụng nuôi con thành ông trạng ông nghè” (Nguyễn Sỹ Đại). Không là ông trạng ông nghè của ngày trước, nhưng “đạo học” thật sự khai mở con đường đi về phía trước tươi sáng, khi mà Trường THPT Hiệp Đức lúc chưa có nó vẫn mãi là giấc mơ cổ tích. Có ai nghĩ Hiệp Đức quê tôi hôm nay có gia đình 6 người con đã học hành thành đạt, trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ; hay một gia đình ngay ở xã Quế Thọ quê tôi nuôi dưỡng 4 người con thành đạt, có người đỗ tiến sĩ tại Nhật Bản. Các em học không chỉ để biết chữ mà học để làm việc, học để giúp đời, giúp nhà, giúp quê, tiếp nối truyền thống đáng tự hào của vùng đất hiếu học. Nhắc lại chuyện hồi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới ra đời, cụ Nguyễn Ban quê ở xã Bình Lâm đã 77 tuổi vẫn tích cực theo học chữ Quốc ngữ. Học xong cụ viết thư báo về Bác Hồ. Năm 1948 Bác Hồ đã viết thư khen ngợi “lão đương ích tráng”. Nghề báo có ông Lê Nhiếp con rể cụ Huỳnh Thúc Kháng ở An Tây, Quế Thọ từng là nhà báo nổi tiếng, nhân viên tờ báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút…

Ba mươi năm đã trôi qua, nhắc lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy ai mà không bồi hồi xúc động. “Dẫu biết mùa đi rồi mùa trở lại/ Vẫn thấy xuân này đẹp hơn xuân qua…” (Thái Bảo - Dương Đỳnh). Và với tôi, về Hiệp Đức xuân này đọc lại những câu thơ của người anh đi trước mà nghe khóe mắt cay cay: “Về lại bên cầu mơ giấc mơ cổ tích/ Dọc triền sông thương cây bắp trổ cờ/ Nghe trong gió có mùi hương thương nhớ/ Mãi một thời ngây thơ…”. (Lê Tấn Hiền).

VÕ VĂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường huyện thuở nào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO