Hằng năm, cứ độ tháng 11, tiết trời nắng mưa thất thường, hình ảnh mái trường làng cùng thầy cô giáo cũ hiện về trong tôi, mồn một.
Trường làng tôi ngày đó bé xíu, nằm gần cánh đồng Bà Cò, đối diện chùa Viên Minh trầm mặc. Xung quanh được rào bằng mành tre, trước sân rặng dương liễu vi vu đón gió, phía cổng trường có mấy cây đào lộn hột rợp bóng mát.
Đến mùa, những chùm quả đỏ ối căng mọng, treo lủng lẳng trên cành như thách thức lũ học trò tinh nghịch. Hai dãy phòng học nối liền bằng tranh tre, dãy ngoài cùng là khu làm việc của ban giám hiệu, lợp ngói.
Thuở ấy, thầy cô phần lớn là người ngoài Bắc hay ở bên tê đèo Le qua bên ni đèo Le dạy học, ở nhà tập thể. Một buổi lên lớp, thời gian còn lại cô giáo tôi quang gánh đậu hũ khắp xóm giềng.
Dặm dài hành trình, tôi thành cô giáo. Mùa thu năm ấy, cùng đồng nghiệp, tôi ngược núi thăm thẳm lên rẻo cao gieo chữ. Cũng trường làng, bằng gỗ, nép mình giữa rừng xanh Trường Sơn hùng vĩ.
Cảnh vật xung quanh tôi như mơ như thực, thác nước tựa dải lụa trắng mềm, núi non trùng điệp còn đậm nét nguyên sơ, nếp nhà sàn đan chen trong vòm lá, nương đồi chạy dài tít tắp.
Mùa đông, cái lạnh tê tái da thịt; mùa hè, khí hậu mát mẻ. Học trò của tôi là đồng bào dân tộc Cơ Tu, đủ lứa tuổi. Các em nói tiếng mẹ đẻ, chưa thạo tiếng Việt, hễ ai dạy lớp một được tăng cường thêm người bản địa làm nhiệm vụ phiên dịch tiếng Việt sang tiếng Cơ Tu và ngược lại.
Đêm xuống, dưới ánh đèn dầu, thầy cô cùng với chiến sĩ mang quân hàm xanh mở lớp học xóa mù chữ cho người lớn. Dần dà, họ đọc được tên của mình, viết được tên làng, tên bản, làm được phép tính giản đơn khiến tôi lấp lánh niềm vui, vơi nỗi nhớ nhà.
Lúc bấy giờ, chúng tôi đi bộ qua mọi cung đường nên đùa vui lấy vắt rừng bầu bạn, tắm giặt dựa vào sông suối, uống nước tự chảy, gạo nhà nước cấp, thức ăn cải thiện. Khó khăn là vậy nhưng có tháng ngày trải nghiệm đặc biệt, hòa mình vào lễ hội đặc sắc của buôn làng, chào cột mốc biên cương, ăn tết cổ truyền Bunpimay của Lào, theo dấu chân bộ đội tuần tra biên giới.
Thấm vị thăng trầm dâu bể, tôi chuyển về quê tiếp tục theo đuổi sự nghiệp “trồng người”. Vẫn trường làng, nét quê nhưng đầy đủ hơn xưa, nhiều thầy cô rời cõi tạm và trường được mang tên nhà Nho học Phạm Phú Thứ - biểu trưng của tinh thần hiếu học. Trong tâm thức, mọi người vẫn định vị tên gọi “trường cây bàng”.
Không biết tự bao giờ, cây bàng sừng sững giữa sân trường, thân to vài người ôm không xuể. Thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ, cây bàng chở che người tù cách mạng kiên trung, bảo vệ từng tấc đất của làng. Trải cả trăm năm, cây vẫn sừng sững mặc bão dông nắng gió, là di sản của địa phương, chứng kiến nhiều thế hệ học trò trưởng thành.
Sống ở làng, dạy nơi chốn cũ, bao nhiêu ký ức của tháng ngày xưa cứ chực ùa về trong ngóc ngách, rưng rưng.