Trường mầm non kiêm đào tạo giáo viên

CHÂU NỮ 05/01/2017 09:05

Trường Mầm non thực hành nằm trong khuôn viên Trường Đại học Quảng Nam (phường An Mỹ, TP. Tam Kỳ) là trường công lập, trực thuộc Trường Đại học Quảng Nam. Đây là một mô hình hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Quảng Nam.

Dạy trẻ

Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên Trường Mầm non thực hành đi vào hoạt động với 5 lớp học từ độ tuổi nhà trẻ (24 tháng tuổi) đến mẫu giáo lớn. Theo cô Đinh Thị Ngàn Thương - Phó Trưởng khoa Tiểu học - Mầm non kiêm Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành, đây là xu thế chung của các trường sư phạm hiện nay, là điểm mới của giáo dục hiện đại. Ngoài những nguyên tắc cố định của bậc học mầm non, mô hình Trường Mầm mon thực hành còn chú trọng và đề cao tính tương tác trên cơ sở tình cảm, sự gắn bó thân thiết giữa cô và trò, đồng thời vận dụng tối đa các quan điểm và triết lý giáo dục mầm non hiện đại. Trong đó, một trong những điểm nổi bật là bên cạnh các giáo viên cơ hữu trong biên chế, lớp học ở đây còn có sự tham gia của các giáo sinh - sinh viên các lớp đào tạo giáo viên mầm non của Trường Đại học Quảng Nam.

Một tiết sinh hoạt ngoài trời của cô và trò Trường Mầm non thực hành. Ảnh: C.N
Một tiết sinh hoạt ngoài trời của cô và trò Trường Mầm non thực hành. Ảnh: C.N

Gửi con ở Trường Mầm non thực hành, rất nhiều phụ huynh đã tỏ ra hài lòng khi bên cạnh giáo viên chủ nhiệm, con em họ còn được nhiều giáo sinh dạy dỗ, chăm sóc. Hơn nữa, việc nhà trường tận dụng cơ sở vật chất có sẵn của Trường Đại học Quảng Nam như trung tâm hội thảo, sân bóng mini, hồ bơi... cũng giúp học sinh được tham gia nhiều hoạt động ngoài trời hơn. Chị Thu Hiền, phụ huynh học sinh có con học lớp mẫu giáo bé tâm sự, ngoài việc được học trên lớp với nhiều cô giáo thực tập, con chị còn được thường xuyên tham gia các hoạt động khác, nhất là các hoạt động ngoài trời như đá bóng và các trò chơi vận động, nhờ vậy bé rất hứng thú và ham đến trường... “Tôi không chỉ hài lòng mà còn rất yên tâm khi gửi con ở đây” - chị Thu Hiền nói thêm.

Và đào tạo giáo viên

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao giáo dục mầm non, ngoài chương trình đang thực hiện, sắp tới Trường Mầm non thực hành sẽ mở thêm các lớp năng khiếu, tiếng Anh với sự tham gia của các thầy cô ở Trường Đại học Quảng Nam. Cũng như mô hình “thực hành” đang áp dụng, các hoạt động bổ sung này cũng được kỳ vọng sẽ vừa giúp trẻ mầm non phát triển ngôn ngữ, làm quen với tiếng Anh vừa giúp giáo viên và giáo sinh trau dồi kỹ năng và kiến thức chuyên ngành.

Bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ, Trường Mầm non thực hành còn góp phần vào công tác đào tạo giáo viên mầm non cho Trường Đại học Quảng Nam thông qua việc cho phép giáo sinh trực tiếp tham gia công tác chăm sóc, giáo dục trẻ (thực tập) hoặc kiến tập. Theo cô Ngàn Thương, 80% giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh là sinh viên của Trường Đại học Quảng Nam nên việc nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh nói chung. Trước đây, khi chưa có Trường Mầm non thực hành, mỗi năm nhà trường đều phải gửi sinh viên đến các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn thực tập, kiến tập trong một khoảng thời gian nhất định. Từ khi nhà trường thành lập, sinh viên ngành mầm non có thể quan sát, thực hành, tham gia hoạt động dạy và học ngay tại trường nên chuyên môn và kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy được nâng lên. “Đây là môi trường đào tạo ưu điểm, bởi nó bám rất sát với yêu cầu học đi đôi với hành trong định hướng đào tạo, nhất là khi tỷ lệ “hành” trực tiếp, trực quan, sinh động được nâng lên ở mức cao” - cô Ngàn Thương nói thêm.

Nhìn nhận về những nét mới trong việc học của mình kể từ khi Trường Mầm non thực hành ra đời, Đoàn Thị Tường Vi, sinh viên năm cuối ngành Sư phạm mầm non chia sẻ, những năm trước, sinh viên nhà trường thường kiến tập, thực tập ở các trường mầm non trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian kiến tập, thực tập không nhiều nên sinh viên ít có cơ hội tiếp xúc với trẻ. Từ khi được thực tập ngay tại Trường Mầm non thực hành, sinh viên chuyên ngành có cơ hội tiếp xúc, quan sát trẻ nhiều hơn; được trực tiếp chăm sóc và tham gia các hoạt động của trẻ nên có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong giáo dục trẻ mầm non hơn. Tường Vi tâm sự: “Ngoài chương trình kiến tập, thực tập theo quy định, bọn em còn có cơ hội tiếp xúc, quan sát, làm quen với công việc tương lai của mình hầu như bất cứ lúc nào trong ngày. Do vậy, không chỉ nắm vững các kỹ năng hơn, bọn em còn cảm thấy rất tự tin...”.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường mầm non kiêm đào tạo giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO