Trường phổ thông dân tộc nội trú ở các huyện miền núi: Nên theo mô hình nào?

XUÂN PHÚ 20/01/2015 08:52

Đã có 3/6 trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) ở 6 huyện miền núi của tỉnh đã chuyển đổi mô hình từ 1 cấp học (cấp THCS) sang 2 cấp học (cấp THCS và THPT). Tuy nhiên, một số địa phương chưa thống nhất với mô hình này nên 3 trường còn lại trong 2 năm qua không thể thực hiện chuyển đổi khiến các trường lâm vào tình cảnh “đi cũng dở mà ở cũng không xong”!
Từ thực tế Nước Oa

Trường phổ thông DTNT huyện là loại hình trường chuyên biệt do Nhà nước lập ra dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và một số ít người Kinh sinh sống ở miền núi đang học từ lớp 6 đến lớp 9 với mục tiêu là đào tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Theo học ở trường này, học sinh (HS) được Nhà nước nuôi ăn học hoàn toàn, trang bị sách vở và ở nội trú miễn phí. Nói tóm lại, HS trường phổ thông DTNT được nhà trường chăm sóc một cách chu đáo với mục tiêu giúp các em học tập đạt kết quả tốt nhất để có điều kiện thuận lợi sau này bước vào giảng đường đại học, cao đẳng và trở về phục vụ quê hương.

Học sinh Trường Phổ thông DTNT Nam Trà My. Ảnh: XUÂN PHÚ
Học sinh Trường Phổ thông DTNT Nam Trà My. Ảnh: XUÂN PHÚ

Được thành lập từ sau ngày giải phóng, đến năm 2005, Trường Phổ thông DTNT Bắc Trà My được nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên cả nước chung tay đầu tư xây dựng mới. Đầu năm học 2009 - 2010, công trình được khánh thành và cũng là lúc trường được chuyển đổi mô hình thành Trường Phổ thông DTNT Nước Oa gồm có 2 cấp học (THCS và THPT); đồng thời chuyển đổi cơ quan quản lý từ huyện Bắc Trà My về cho Sở GD-ĐT. Kể từ ngày chuyển đổi mô hình hoạt động đến nay, chất lượng giáo dục nơi đây không ngừng được cải thiện, tỷ lệ HS bỏ học giữa chừng ngày càng giảm rõ rệt. Riêng trong 2 năm học gần đây, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT của trường khá cao so với mặt bằng chung của các huyện miền núi, như năm 2013 đạt 93%, năm 2014 đạt 100% (đều cao hơn Trường THPT Bắc Trà My và nhiều trường khác).

Từ thực tế của Trường Phổ thông DTNT Nước Oa và đề nghị của các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, các Sở GD-ĐT, Nội vụ, đầu năm học 2013 - 2014 UBND tỉnh tiếp tục có quyết định chuyển đổi mô hình Trường Phổ thông DTNT Nam Trà My và Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn từ 1 cấp học thành trường có 2 cấp học, trực thuộc Sở GD-ĐT (tương tự như Trường Phổ thông DTNT Nước Oa). Năm học 2014 - 2015 là năm học thứ 2 sau khi chuyển đổi và theo đánh giá của các trường cũng như Sở GD-ĐT, hoạt động của mô hình mới đi vào nền nếp, tạo niềm phấn khởi cho HS và phụ huynh khi mà các em được tiếp tục hưởng các chế độ, chính sách như khi còn học cấp 2, giúp việc học tập đạt hiệu quả hơn.

Mô hình nào?

Tại buổi làm việc của Thường trực HĐND tỉnh với Sở GD-ĐT mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã yêu cầu Sở GD-ĐT cần tiếp tục nghiên cứu kỹ về hiệu quả của mô hình trường phổ thông DTNT có 2 cấp học đang triển khai chuyển đổi tại 3 huyện vừa qua để sớm tham mưu cho tỉnh quyết định.

Theo bà Phan Thị Thanh Sen - Trưởng phòng Giáo dục dân tộc (Sở GD-ĐT), một người từng nhiều năm gắn bó với công tác quản lý giáo dục ở miền núi, thực tế của Trường Phổ thông DTNT Nước Oa cho thấy, mô hình trường phổ thông DTNT 2 cấp là rất tốt trong điều kiện của các em HS miền núi hiện nay. “Với mô hình này, chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt mà biểu hiện cụ thể là tỷ lệ tốt nghiệp THPT, đỗ vào đại học, cao đẳng của Trường Phổ thông DTNT Nước Oa trong vài năm qua khá cao. Ngoài ra, nó còn giúp ngăn chặn tình trạng HS bỏ học rất hiệu quả” - bà Sen chia sẻ. Giám đốc Sở GD-ĐT – ông Hà Thanh Quốc thì cho rằng, xây dựng và phát triển hệ thống trường DTNT được ngành thường xuyên quan tâm với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho các em HS miền núi, vùng dân tộc được học tập chất lượng. Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình trường phổ thông DTNT trong thời gian qua đã nhận được sự tin tưởng của nhiều bậc phụ huynh và các địa phương. Nếu như trước đây HS sau khi học xong ở trường phổ thông DTNT huyện lên học cấp 3 tại trường THPT thì không còn hưởng các chế độ, chính sách thì nay với mô hình này, các em sẽ tiếp tục được hưởng, rất thuận lợi cho việc học tập.

Trong khi đó, một số địa phương không nghĩ như vậy. Cho đến nay, mới chỉ có 3 huyện đồng ý chuyển đổi mô hình, 3 huyện còn lại là Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang vẫn chưa đồng thuận. Theo lãnh đạo các huyện này, việc chuyển đổi vừa qua với mục đích giúp cho HS có điều kiện để học tập là tốt nhưng chưa hợp lý, tạo ra sự không công bằng. Sự bất hợp lý dễ thấy nhất là trong thực hiện chế độ, chính sách cho HS, khi cùng là con em miền núi nhưng các em ở trường phổ thông DTNT thì được Nhà nước đầu tư toàn bộ còn ở trường THPT lại không có. Một lãnh đạo huyện Tây Giang cho biết, huyện cần đầu tư xây dựng thêm 1 ngôi trường THPT ở vùng tây của huyện và có khu nội trú đàng hoàng cho HS, đảm bảo cho các em ăn ở, sinh hoạt thì không có gì đáng lo về việc học tập.

Nói chung, dù đã triển khai thực hiện nhiều năm qua nhưng đến giờ này mỗi địa phương đều có ý kiến rất khác nhau đối với mô hình trường phổ thông DTNT có 2 cấp học. Từ đó dẫn đến việc một nửa số trường hoạt động theo mô hình mới trực thuộc Sở GD-ĐT còn một nửa theo mô hình cũ trực thuộc UBND huyện quản lý. Thiết nghĩ, đã đến lúc các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh cùng các huyện cần ngồi lại phân tích, mổ xẻ để xác định mô hình nào là thích hợp và hiệu quả để thống nhất thực hiện chứ không thể để tình trạng 2 mô hình trường phổ thông DTNT song song tồn tại như hiện nay. Điều này vừa khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT đã đành, vừa gây thiệt thòi của các em HS vốn rất cần sự trợ giúp của Nhà nước để có điều kiện học tập tốt hơn.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường phổ thông dân tộc nội trú ở các huyện miền núi: Nên theo mô hình nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO