Sáng mai 8.2 (mùng 9 tháng giêng), trường THPT Nguyễn Văn Cừ - Quế Sơn tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập (1984 - 2014). Trải qua chặng đường xây dựng và phát triển, nhà trường đã góp phần rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực ở vùng đông huyện Quế Sơn.
Trường THPT Nguyễn Văn Cừ. |
Trường “vừa học - vừa làm”
Nhớ lại thời điểm 30 năm trước, thầy Lê Quang Đảng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho biết, tháng 9.1983 nhà trường khai giảng khóa đầu tiên, chỉ có 3 lớp 10 với 166 học sinh (HS). Tuy nhiên, lúc đó trên danh nghĩa vẫn là cơ sở 2 của trường THPT Quế Sơn. Phải đến 4 tháng sau, ngày 5.1.1984, cái tên THPT Nguyễn Văn Cừ mới chính thức xuất hiện trên bản đồ giáo dục tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Điều đặc biệt hơn, tên đầy đủ của trường là “Trường THPT vừa học - vừa làm Nguyễn Văn Cừ”. Khi ấy, dường như cả tỉnh chỉ 2 ngôi trường có cái tên gắn với cụm “vừa học - vừa làm”. “Không biết có chính xác không, thời điểm đó, HS trường THPT nào cũng tham gia lao động rất nhiều nhưng có lẽ HS của trường THPT Nguyễn Văn Cừ lao động nhiều hơn nên trường mới được gắn cho cái tên đó” - thầy Đảng giải thích. Cứ thế, HS “vừa học - vừa làm”, còn nhà trường “vừa dạy - vừa xây”.
Cũng như một số trường THPT khác trên địa bàn tỉnh, sự phát triển của trường THPT Nguyễn Văn Cừ trải qua không ít thăng trầm, nhập rồi tách. Giai đoạn từ 1988 trở đi, do tác động của tình hình kinh tế, chính trị trong nước và thế giới, số lượng HS của trường giảm rất nhiều. Đến nỗi, năm 1991, trường chỉ còn 6 lớp với chưa đến 200 học trò, buộc lòng phải sáp nhập chung với 2 trường THCS trên địa bàn để hình thành trường Cấp 2 - 3 Nguyễn Văn Cừ. Kéo dài đến 6 năm sau, năm học 1996 - 1997 khi số lượng HS bắt đầu đông trở lại, cấp THCS được tách riêng ra và cái tên trường THPT Nguyễn Văn Cừ mới được trả lại.
Khẳng định mình
Trong ký ức của nhiều thế hệ học trò cũng như thầy cô từng công tác tại trường THPT Nguyễn Văn Cừ thời gian đầu vẫn còn nhớ như in những chuyến hành quân tham gia lao động sản xuất ở các xã trên địa bàn huyện Quế Sơn. Tuổi học trò 16 - 17, không ai không háo hức cùng thầy cô mang ba lô, rựa, cuốc, xẻng leo lên xe “bò vàng” (một loại xe của các xí nghiệp lâm nghiệp thời đó dùng để cẩu và chở gỗ từ rừng về) lên các xã Quế Hiệp, Quế Thuận phát quang, trồng cây gây rừng hay đến xí nghiệp gạch Mỹ Sơn làm... công nhân bốc vác gạch. Vất vả là vậy nhưng tất cả đều khá vui vì được ăn ở tập thể, được ở tại nhà người dân hoặc có khi căng lều bạt ngủ giữa núi rừng. Nói như tiến sĩ Lê Duy Phát - Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Quảng Nam, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Cừ giai đoạn 1984 - 1993: “Được cái là không ai than vãn. Khổ mà vui!”. |
Trong 5 năm gần đây, cái tên THPT Nguyễn Văn Cừ được nhiều người nhắc đến với sự nể phục khi vươn lên lọt vào tốp các trường có chất lượng hàng đầu của tỉnh. Sau 3 năm xuất sắc với tỷ lệ tốt nghiệp 100%, 2 năm qua, tuy có giảm nhưng mỗi năm chỉ có duy nhất 1 HS không thể vượt “vũ môn” cũng là một thành tích đáng trân trọng, nhất là chất lượng đầu vào của trường khá thấp, gần như tuyển tất cả 100% HS tốt nghiệp THCS trên địa bàn. Tỷ lệ HS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng cũng có sự gia tăng nhanh chóng về lượng lẫn chất. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay, năm nào ít nhất cũng trên 30% số HS sau kỳ thi được bước vào cổng trường đại học, cao đẳng; trong đó nhiều nhất là năm học 2008 - 2009 có đến hơn 42%. Trường THPT Nguyễn Văn Cừ cũng để lại dấu ấn tại các kỳ thi HS giỏi tỉnh. Cụ thể, năm học 2012-2013, trường có 13 giải cấp tỉnh; năm học 2013 - 2014 dù còn nhiều môn vẫn chưa tổ chức nhưng trường đã kịp “bỏ túi” 10 giải. Chính những kết quả này đã tạo ra động lực và niềm tin cho HS cũng như giáo viên toàn trường trong phong trào dạy và học.
Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập của nhà trường cũng ngày càng được nâng cấp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hình ảnh phòng học tạm bợ, 6 lớp phải học 2 ca, khu nội trú giáo viên lợp bằng tranh hay khuôn viên trường nhìn đâu cũng thấy cỏ dại của những năm đầu thành lập nay đã được thay thế bằng 3 dãy phòng học tầng khang trang, ngăn nắp. Các phòng bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Tin học được đầu tư mua sắm, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao chất lượng. Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, sân trường và tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng mà nhà trường vinh dự mang tên đã được xây dựng, giúp cho cảnh quan sư phạm, bộ mặt nhà trường thêm phần rạng rỡ.
Nhìn lại chặng đường đã qua, thầy Lê Quang Đảng cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả khá toàn diện, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng. “Ba mươi năm, đã có 8.000 HS được học tập dưới mái trường THPT Nguyễn Văn Cừ và trong số đó có nhiều em đã trưởng thành, trở thành những kỹ sư, bác sĩ, cử nhân phục vụ cho quê hương, đất nước. Tuy nhiên, trong niềm vui trước thành tích và bước trưởng thành nhanh chóng của nhà trường, thầy và trò trường THPT Nguyễn Văn Cừ tâm nguyện phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa, thường xuyên tăng cường nền nếp kỷ cương, đẩy mạnh phong trào thi đua 2 tốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời xây dựng nhà trường từng bước đạt các tiêu chí trường chuẩn quốc gia theo quy định” - thầy Đảng nói.
XUÂN PHÚ