Mỗi lần đi họp ở xã, ông Phạm Ước (68 tuổi) - Trưởng thôn Cẩm La, xã Quế Lâm (Nông Sơn) phải xắn quần lội qua sông suối. Thế nhưng hơn 20 năm nay ông vẫn không quản ngại khó khăn để làm tròn nhiệm vụ, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người dân vùng sâu nơi đây. Thôn Cẩm La bây giờ đã hết cách trở, những cây cầu, con đường bê tông dẫn vào đến tận nhà dân. Tuy nhiên, để đến được nhà ông Phạm Ước, chúng tôi phải bỏ lại xe máy và lội bộ qua sông, bởi nhà ông và bốn hộ dân khác vẫn ở bên kia khe Cấm. Vào mùa nắng, những hộ dân ở đây có thể băng xe máy qua sông, mùa mưa đành chịu cảnh lụy đò. Ông Ước cho biết, năm 1979 ông xung phong lên làm kinh tế mới và định cư tại đây. Đến nay cả thôn có 67 hộ dân với 296 nhân khẩu. Khi còn chưa chia tách huyện, ở vùng quê này, người dân chủ yếu bám núi để kiếm miếng ăn, cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn đủ bề. Không chịu được cảnh không đường, không điện, không chợ…, nhiều người đã bỏ quê ra đi. “Từ năm 1998 tôi được bầu giữ chức trưởng thôn, vướng mắc lớn nhất gặp phải là công tác họp dân, được người này thì mất người khác, đàn ông thường ở lại rừng làm ăn và chỉ có đàn bà, con nít ở nhà. Người dân nơi đây cũng chưa quan tâm đến chính sách, pháp luật; hàng ngày chỉ biết lo cho cái ăn, cái mặc trước mắt chứ chưa hướng đến một sinh kế bền vững” - ông Ước bộc bạch.
Trưởng thôn Cẩm La - Phạm Ước băng sông suối đi họp ở xã. Ảnh D.T |
Với sự nhiệt tình, mong muốn dân làng tiếp cận với nhiều tiến bộ và nắm bắt chính sách pháp luật của Nhà nước, ông Phạm Ước thường xuyên họp dân để tuyên truyền, bàn bạc. Những công việc quan trọng, liên quan đến lợi ích của người dân, ông đến từng nhà giúp giải quyết nhanh chóng. Đối với vấn đề người dân thắc mắc, ông tham vấn ý kiến của cấp xã để giải thích cho người dân thấu tình đạt lý. Trong xây dựng nông thôn mới, ông tích cực cùng người dân góp công làm đường bê tông nông thôn, hệ thống thủy lợi, giữ gìn vệ sinh môi trường. Theo ông Ước, ở vùng quê còn lắm gian khó như Cẩm La, để người dân làm theo những chủ trương, chính sách, bản thân người tuyên truyền phải gương mẫu, tạo dựng được uy tín và phải có tâm huyết. Từ đó ông nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học đàng hoàng, vợ chồng thuận hòa, đoàn kết giúp đỡ xóm làng. “Bây giờ, những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống cơ bản được đáp ứng, đời sống nhân dân trong thôn đang đổi thay từng ngày, tôi rất mừng!” - ông Ước chia sẻ.
Không chỉ 16 năm là một trưởng thôn gương mẫu, hơn 20 năm nay ông Phạm Ước còn đảm nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng nông dân của thôn. Thấu hiểu được tâm lý, hoàn cảnh và điều kiện phát triển của từng hộ nên ông có nhiều góp ý để bà con phát triển kinh tế. Ông vận động người dân khai hoang, mở rộng được 5ha lúa nước, hóa giải nỗi lo thiếu đói; thường xuyên họp dân triển khai các mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng, tuyên dương những cá nhân làm ăn hiệu quả nhờ có cách làm cụ thể để mọi người cùng học hỏi mô hình. Ông Huỳnh Chung (42 tuổi) - một nông dân sản xuất giỏi ở thôn chia sẻ: “Ngày xưa gia đình tôi còn khó khăn, chủ yếu làm nương rẫy, bứt mây để kiếm sống. Nhờ bác Ước hướng dẫn, đưa ra nhiều mô hình kinh tế, cách làm ăn hiệu quả, tôi tiếp thu và thực hiện, đến nay kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt với việc nuôi bò, trồng keo, làm ruộng”.
Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho biết, không chỉ là người có uy tín, hết lòng vì công việc, ông Phạm Ước còn là người hiểu biết rộng, nhiều thơ văn nên thường “thơ hóa” các chủ trương, chính sách khô khan để người dân dễ hiểu, giúp họ nhanh tiếp thu và thực hiện. “Dù tuổi cao, đường sá đi lại cách trở nhưng ông Ước luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hơn 20 năm công tác, ông được tặng nhiều giấy khen về những cống hiến, nhưng trên hết ông là chỗ dựa của người dân thôn Cẩm La” - ông Sang nói.
DUY THÁI