Hôm qua 7.3, Sở GD-ĐT tổ chức chương trình kết nghĩa giữa các trường THPT đồng bằng và miền núi. Đây là lần đầu tiên sở tổ chức chương trình kết nghĩa mà theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc là nhằm “nâng chất công tác kết nghĩa, giao lưu giữa các trường miền xuôi và miền ngược”.
Trường THPT miền núi cần sự hỗ trợ về chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Thật ra hoạt động kết nghĩa đã được các trường thực hiện nhiều năm qua theo chủ trương của Công đoàn ngành Giáo dục. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các trường, tất cả mới chỉ dừng lại ở việc giao lưu, thăm hỏi, tặng quà mà chưa có những hoạt động liên quan đến phát triển chuyên môn, nghiệp vụ công tác quản lý, giảng dạy để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy Nguyễn Đình Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) cho rằng hoạt động kết nghĩa lâu nay chủ yếu là các trường đồng bằng hỗ trợ về mặt cơ sở vật chất nhằm chia sẻ khó khăn cho các trường miền núi chứ chưa có động thái hỗ trợ chuyên môn. Thầy Trần Phúc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa (Bắc Trà My) cũng cho biết trường Nước Oa và Trường THPT Trần Văn Dư (Phú Ninh) đã kết nghĩa 10 năm qua với nhiều hoạt động, nhưng chủ yếu chỉ là giao lưu, tặng quà.
Theo phân công của Sở GD-ĐT, tất cả các trường THPT đồng bằng ký kết chương trình kết nghĩa với 14 trường THPT miền núi (mỗi trường miền núi có 2-3 trường đồng bằng kết nghĩa). Các đơn vị được phân công có kế hoạch hỗ trợ; tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh tham gia, xem như là một hoạt động giáo dục đạo đức, giá trị sống cho học trò. |
Theo ông Hà Thanh Quốc, lâu nay việc kết nghĩa chưa được tổ chức bài bản, quy củ nên sự hỗ trợ, giúp đỡ của các trường miền xuôi đối với miền ngược chưa như mong muốn. Các trường, học sinh miền núi rất khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, giảng dạy và học tập nên cần được giúp đỡ. Không chỉ vậy, họ còn có nhu cầu được hỗ trợ rất lớn về chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng nghiệp vụ giảng dạy. “Lần đầu tiên Sở GD-ĐT tổ chức việc này cũng là triển khai thực hiện đổi mới công tác quản lý, điều hành. Qua chương trình, việc giúp đỡ, hỗ trợ sẽ đi vào thực chất, đúng nghĩa, hiệu quả, thiết thực hơn, tiếp tục thể hiện sự quan tâm, chia sẻ cho giáo dục miền núi” - ông Quốc nói.
Là những người trong cuộc, lãnh đạo các trường THPT miền núi thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh nhu cầu khá nhiều về cơ sở vật chất như nhà ở nội trú, trang thiết bị, quần áo ấm cho học sinh…, đội ngũ giáo viên còn chưa vững chuyên môn vừa thiếu kinh nghiệm đang là nỗi lo lớn nhất hiện nay. Thầy Đinh Văn Tư - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang cho biết, nhiều năm qua, các trường THPT ở Hội An gồm Trần Quý Cáp, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo đã hỗ trợ, giúp đỡ cho trường khá nhiều. Tuy nhiên, việc hỗ trợ về chuyên môn giảng dạy, công tác quản lý chưa được thực hiện. “Đội ngũ giáo viên của trường hiện nay rất trẻ, mới đứng lớp 2-3 năm nên thiếu kinh nghiệm. Rất mong các trường kết nghĩa giúp đỡ như chia sẻ tài liệu giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn” - thầy Tư chia sẻ.
Từng nhiều năm công tác ở miền núi, thầy Phạm Văn Thái - Hiệu trưởng Trường THPT Âu Cơ (Đông Giang) cũng thừa nhận, trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên miền núi hiện tại chưa cao nên rất cần có hoạt động giao lưu, sinh hoạt nghiệp vụ chuyên môn với giáo viên đồng bằng để giúp các thầy cô nâng cao nghiệp vụ. Tương tự, thầy Nguyễn Đoàn - Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trà My đề xuất các trường THPT đồng bằng bên cạnh hỗ trợ về sách vở, áo quần cho học sinh còn cần quan tâm hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, kể cả cán bộ quản lý ở miền núi.
Cho rằng dù đã có chương trình kết nghĩa của Công đoàn ngành những năm qua với nhiều hoạt động, song theo thầy Châu Anh Khiêm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ), chương trình kết nghĩa giữa trường THPT đồng bằng và miền núi của Sở GD-ĐT lần này là chủ trương hết sức ý nghĩa. Thầy Khiêm nhấn mạnh, việc kết nghĩa không chỉ đơn thuần giúp đỡ vật chất mà còn cả vấn đề chuyên môn, và đây phải được xem là hoạt động với tinh thần giao lưu, giúp đỡ, học hỏi qua lại lẫn nhau giữa các trường, thầy cô và học sinh.
Ông Hà Thanh Quốc cho hay, chương trình kết nghĩa giữa các trường THPT đồng bằng và miền núi nhằm tăng cường tình đoàn kết, giao lưu giữa các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh chia sẻ khó khăn, giúp học sinh miền núi vượt khó vươn lên trong học tập, các trường sẽ tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng. Nhà trường có thể phối hợp nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn còn giáo viên chia sẻ tài liệu giảng dạy, phương pháp giảng dạy, công tác ôn tập, phụ đạo, ra đề kiểm tra. “Sau khi ký kết chương trình kết nghĩa, các trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai. Các trường THPT miền núi phải chủ động đề xuất những vấn đề, nội dung cần hỗ trợ, giúp đỡ. Hy vọng, với sự tổ chức bài bản, đồng bộ, việc kết nghĩa sẽ giúp cho các trường THPT miền núi phát triển hơn, xóa bỏ khoảng cách giữa đội ngũ giáo viên, học sinh đồng bằng và miền núi, cũng là thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với giáo dục miền núi” - ông Quốc nói.
XUÂN PHÚ