Sau 15 năm thành lập, trường THPT tư thục Hà Huy Tập (TP.Tam Kỳ) nhiều khả năng sẽ bị “xóa sổ” vào cuối năm nay vì 2 năm qua nhà trường gần như không tuyển sinh được.
|
Do không tuyển được học sinh, trường THPT tư thục Hà Huy Tập đang đứng bên bờ bị “xóa sổ”.Ảnh: XUÂN PHÚ |
Tấm lòng nhà giáo
Thành lập vào năm 1998, trường THPT Hà Huy Tập là ngôi trường tư thục đầu tiên trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục; đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn TP.Tam Kỳ và các địa phương lân cận. Có thể nói, sự ra đời của ngôi trường là tấm lòng của những nhà giáo đã nghỉ hưu đang sinh sống tại Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Trong đó, người đầu tiên phải nhắc đến là Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương - nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, hiện là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Nam. Sở dĩ gọi đó là “ngôi trường của những tấm lòng” bởi thời điểm những năm 1997 - 1998, số lượng học sinh (HS) tốt nghiệp THCS trên địa bàn TP.Tam Kỳ và các vùng phụ cận khá lớn, trong khi trường lớp THPT không đáp ứng đủ nhu cầu nên rất nhiều HS phải dang dở việc học (thời điểm đó TP.Tam Kỳ chưa có trường THPT Duy Tân, huyện Phú Ninh chưa có trường THPT Trần Văn Dư và Nguyễn Dục, huyện Thăng Bình chưa có trường THPT Hùng Vương). Vì vậy, việc ra đời của trường THPT tư thục Hà Huy Tập đã nhận được sự quan tâm và tình cảm khá đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và người dân.
Trước đây, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GDĐT cho rằng hiện nay số lượng HS vào lớp 10 cả tỉnh giảm 1.300 em, trong lúc trường học, đội ngũ giáo viên vẫn vậy. Cho nên các trường THPT công lập thừa sức để nhận tất cả HS. “Không có lý do gì để chặn lại, không cho các em có cơ hội học ở những trường có điều kiện dạy học tốt hơn. Thực tế cách đây 3 năm sở đã cảnh báo số lượng HS giảm nên các trường tư thục phải tự nâng cấp, nâng cao chất lượng để thu hút HS. Không thể áp đặt, dùng quyền lực ép buộc các em rớt nhiều để đi học trường tư” - ông Thắng nói. Ông Thắng cũng cho rằng, nếu trường tư mà chỉ chờ HS hỏng sau khi tuyển vào trường công lập để tuyển thì không thể phát triển bền vững. Và thực tế hiện nay ở một số địa phương đang có xu hướng loại hình trường tư teo lại do chất lượng thấp. Ngành GDĐT vẫn luôn trân trọng và ghi nhận những đóng góp của trường Hà Huy Tập, nhất là trong giai đoạn khó khăn của sự nghiệp GDĐT tỉnh nhà. Nhưng trong tình hình mới thì mọi cái đều thay đổi. Vì thế, nếu tình huống xấu nhất có thể xảy ra, trường Hà Huy Tập không còn tồn tại thì điều đó cũng hợp quy luật. |
Trải qua 15 năm, dù còn nhiều khó khăn do chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp; sự hỗ trợ, giúp đỡ về mặt chuyên môn từ ngành chủ quản chưa nhiều, nhưng bằng nỗ lực của Hội đồng Quản trị, Hội đồng Sư phạm, trường THPT tư thục Hà Huy Tập đã vượt lên chính mình, góp phần không nhỏ cho bức tranh giáo dục đất Quảng. Tính đến nay, ngôi trường 15 tuổi này đã đào tạo hơn 7 nghìn HS tốt nghiệp THPT. Riêng trong năm học 2012 - 2013, với hơn 300 HS tốt nghiệp THPT của trường, đã có gần 100 em đỗ vào các trường đại học. Với kết quả đạt được trong sự nghiệp trồng người, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, trường THPT tư thục Hà Huy Tập đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ GDĐT, UBND tỉnh. Trong khi ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục chưa thể đáp ứng nhu cầu, việc cùng nhau vay tiền, góp vốn xây dựng một ngôi trường tư thục đã thể hiện tâm huyết, tấm lòng với học của những nhà giáo nghỉ hưu. Hơn nữa, thời điểm năm 1998, đây là mô hình giáo dục khá mới, cơ chế đầu tư, phát triển chưa rõ, thậm chí có quá nhiều rủi ro. Do đó, những thành quả mà trường THPT tư thục Hà Huy Tập đem lại là điểm sáng của mô hình xã hội hóa giáo dục cần được ghi nhận và biểu dương.
Bên bờ giải thể
Nhưng thời kỳ “vàng son” của trường THPT tư thục Hà Huy Tập không kéo dài. Những năm trước đây, trung bình mỗi năm trường tuyển 700 - 800 HS, năm ít nhất cũng là 400 em. Tuy nhiên, năm học 2012 - 2013, trường chỉ tuyển được 75 HS mà nguyên nhân là do chỉ tiêu xét tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập chiếm đến 93% số HS lớp 9. Trước tình hình đó, Báo Quảng Nam đã từng dự báo nếu vẫn duy trì phương án tuyển sinh mà tỷ lệ vào lớp 10 quá cao như vậy thì trường THPT tư thục Hà Huy Tập sẽ đối diện với nguy cơ bị “khai tử” do không có nguồn tuyển sinh. Năm học 2013 - 2014, không những không giảm, tỷ lệ tuyển sinh vào các trường THPT công lập tiếp tục được nâng lên 95% nên dù có nhiều giải pháp để “kéo” HS nhưng cuối cùng trường chỉ tuyển được 72 em. “Thất thu” trong công tác tuyển sinh đã làm cho quy mô lớp học của trường THPT Hà Huy Tập giảm sút nghiêm trọng. Từ quy mô 25 lớp với 1.200 HS (8 lớp 12, 9 lớp 11 và 8 lớp 10), năm học 2011 - 2012 giảm xuống còn 19 lớp với 800 HS (9 lớp 12, 8 lớp 11 và 2 lớp 10) và đến năm học 2013 - 2014 trường gần như chỉ còn HS lớp 12 khi chỉ có vỏn vẹn 10 lớp với hơn 400 HS (trong đó lớp 11 và lớp 10 có tổng số 140 HS ).
Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Hà Huy Tập cho biết, trước thực trạng này, đầu năm học 2013 - 2014, nhà trường đành phải cho 15 giáo viên nghỉ việc, chỉ giữ lại 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng cắt giảm 25% tiền lương để giảm bớt khó khăn về tài chính do nguồn thu học phí giảm sút. Dù vậy, phía trước vẫn rất mờ mịt, bởi nếu không có sự thay đổi về phương án tuyển sinh hiện nay, đến năm học 2014 - 2015, số lượng HS cả trường sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn chưa đầy 200. Vừa qua, Hội đồng quản trị nhà trường đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình hình khó khăn hiện nay. Theo đó, nhà trường đề nghị UBND tỉnh có những giải pháp cụ thể để giúp cho trường tồn tại và phát triển. Nếu tiếp tục thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 như phương án 2 năm qua, Hội đồng quản trị sẽ làm đơn xin giải thể trường và đề nghị tỉnh quan tâm giải quyết việc làm cho 27 cán bộ, giáo viên cơ hữu của trường có tham gia bảo hiểm lâu năm (như khi xóa trường THPT bán công) và chỗ học cho hơn 140 HS lớp 11 và 12 vào năm học 2014 - 2015. Đồng thời, thỏa thuận mua cơ sở vật chất, trang thiết bị, giúp trường hoàn vốn lại cho các nhà đầu tư, giải quyết chế độ cho người lao động.
XUÂN PHÚ