Ông Trương Phú Một (thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, Điện Bàn) phản ánh: Ban Giám hiệu trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) từ chối tiếp nhận con ông là Trương Hùng Anh (SN 1990) bị khuyết tật vào học lớp 10 tại ngôi trường này. Tuy nhiên, mới đây thầy giáo Phạm Tấn Sáu - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, học sinh Trương Hùng Anh đã và sẽ tiếp tục được học tại trường.
Hùng Anh bị nhiễm chất độc da cam, bại não bẩm sinh và rối loạn hệ vận động. Theo ông Một, hiện tại khả năng nhận biết của em bình thường, nói hơi khó nghe và viết chậm. Đến tuổi đi học tiểu học nhưng Hùng Anh không được nhà trường tiếp nhận và em tự mày mò học ở nhà, đến năm 2009, gia đình ông mới gửi em vào học lớp 6 hòa nhập tại trường THCS Trần Quý Cáp (xã Điện Phước). Năm học vừa qua, Hùng Anh đã được trường Trần Quý Cáp cấp giấy chứng nhận học lực lớp 9, vì không có học bạ cấp tiểu học nên trường Trần Quý Cáp không thể cấp bằng tốt nghiệp THCS và học bạ cho em Hùng Anh. Dù vậy, em vẫn được trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2013-2014 (theo Quyết định số 1373/QĐ-SGDĐT ngày 13.8.2013 do Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Tấn Thắng ký). Quyết định này nêu rõ cho phép Hùng Anh được nhập học vào lớp 10 trường THPT Nguyễn Duy Hiệu.
Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật (NKT) được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng. NKT được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập… (Trích Điều 27 Luật Người khuyết tật) |
Ông Một trình bày: Ngày 13.8.2013, ông đến trường Nguyễn Duy Hiệu để làm thủ tục nhập học cho con nhưng phòng giáo vụ nhà trường không chấp nhận vì cho rằng hồ sơ của con ông không hợp lệ. Đồng thời nhà trường lập biên bản, có ghi “đề nghị đến ngày 30.9.2013 phụ huynh em Hùng Anh phải bổ sung bản chính học bạ cấp THCS và giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS để em tiếp tục đi học và dự thi tốt nghiệp THPT sau này”. Với yêu cầu này, rõ ràng gia đình em Hùng Anh không thể bổ sung học bạ và giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS theo yêu cầu của trường vì em không được học tiểu học ở bất cứ ngôi trường nào. Theo ông Một, hiện tại Hùng Anh như một học sinh “ngồi nhờ” ở lớp 10/9 của nhà trường vì em không có tên trong danh sách lớp.
Trao đổi qua điện thoại với Báo Quảng Nam, thầy giáo Phạm Tấn Sáu khẳng định, dù gia đình không bổ sung đủ hồ sơ theo quy định của ngành GDĐT nhà trường vẫn để em Hùng Anh tiếp tục học tại trường theo yêu cầu của phụ huynh. Và thực tế từ ngày 13.8 đến nay, em vẫn đang học hòa nhập tại lớp 10/9, có tên trong danh sách lớp với số thứ tự 48. Sở dĩ nhà trường phải lập biên bản đề nghị phụ huynh học sinh bổ sung hồ sơ vì đây sẽ là cơ sở để 3 năm nữa, khi Hùng Anh học hết chương trình THPT, nếu không được dự thi tốt nghiệp thì gia đình không thể trách nhà trường là đã không hướng dẫn ngay từ đầu. Bởi theo quy định của ngành, nếu không đủ hồ sơ (học bạ các cấp học trước, giấy chứng nhận tốt nghiệp...) thì học sinh sẽ không được dự thi tốt nghiệp THPT.
PHAN LÊ CHÂU NỮ