Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu là một trong những trường học có bề dày thành tích, là điểm sáng giáo dục của Đại Lộc. Trường vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba trong niềm tự hào của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.
Nâng chất lượng giáo dục
Trải qua 47 năm xây dựng và phát triển, Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa), ngôi trường vinh dự mang tên vị Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Đại Lộc - đồng chí Nguyễn Đức Thiệu là một trong những trường học mang dấu ấn trong công tác giáo dục của địa phương.
Theo thầy giáo Đỗ Xuân Thưởng - Hiệu trưởng nhà trường, nhiều năm qua, trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai, tổ chức có hiệu quả các cuộc vận động “hai không” do Bộ GD-ĐT phát động (không có trường hợp học sinh không đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học); cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc, Trường TH Nguyễn Đức Thiệu là một trong những ngôi trường có bề dày thành tích của huyện. Nhiều năm liền, đơn vị đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3. Đây cũng là trường học đầu tiên xây dựng mô hình “Giáo dục biển đảo” của huyện và đưa phong trào bơi lội vào học đường. Với bề dày thành tích đó, trường được Thủ tướng Chính phủ, được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen và được đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trong các phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, Trường Nguyễn Đức Thiệu luôn là một trong những trường dẫn đầu các phong trào, hội thi. Tại các hội thi IOE (tiếng Anh), Violympic (Toán), học sinh nhà trường đoạt nhiều giải cấp huyện, tỉnh, quốc gia.
Nhiều năm học, nhà trường luôn huy động tốt số học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi ra lớp và tuyển mới học sinh 6 tuổi vào lớp 1 luôn đạt tỷ lệ 100%. Số học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đúng độ tuổi luôn đạt tỷ lệ trên 98,5%; tỷ lệ giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh và quốc gia của toàn trường luôn đạt trên 90%...
Trường đã chú trọng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 1, 2, 3, có nhiều sáng kiến với nhiều hình thức trong công tác chỉ đạo giáo viên thực hiện hiệu quả quá trình dạy, hướng đến lấy học sinh làm trung tâm trong dạy học, theo chuẩn kiến thức - kỹ năng phát huy trí lực học sinh.
Được sự đồng ý của Phòng GD-ĐT huyện, Trường TH Nguyễn Đức Thiệu sẽ triển khai thí điểm việc mời giáo viên nước ngoài về dạy một số tiết học của bộ môn tiếng Anh.
“Để tích cực giữ vững và nâng cao thành quả giáo dục, nhà trường luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới phương thức giáo dục và quản lý sát với thực tế. Xác định việc nâng cao chất lượng giáo dục phải đi kèm với công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu” - thầy Thưởng nói.
Nỗ lực xã hội hóa giáo dục
Những năm qua, ban giám hiệu nhà trường luôn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm đảm bảo nâng chất lượng dạy và học. Riêng giai đoạn 2017 - 2019, từ nguồn của UBND tỉnh, Trường TH Nguyễn Đức Thiệu được huyện Đại Lộc đầu tư xây dựng nhiều công trình, hạng mục với nhiều dãy phòng học, khu hiệu bộ, nhà vệ sinh, nhà ăn, bếp bán trú, nhà đa năng, tường rào và cổng ngõ trước và sau khuôn viên trường với tổng kinh phí 17 tỷ đồng.
Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, huyện, Ban giám hiệu nhà trường còn lập đề án huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục trên cơ sở được sự thống nhất của cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương để đầu tư, kiện toàn cơ sở vật chất, phục vụ nhu cầu dạy và học.
Trường hiện có 26 phòng học, 3 phòng chức năng và 7 phòng làm việc, sinh hoạt tại khu hành chính, có đủ các trang thiết bị hiện đại như ti vi, máy chiếu và bảng tương tác thông minh…, đáp ứng tốt việc dạy và học. Trường còn xây dựng nhà đa năng, hồ bơi, sân cầu lông, khu giáo dục thể dục - thể thao...
Trường đã vận động hàng trăm triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh bị bệnh hiểm nghèo, động viên và khen thưởng cho học sinh đạt thành tích học tập, rèn luyện.
Đặc biệt, kết nối với các nhà hảo tâm và Tổ chức Swimvietnam để xin kinh phí xây dựng mô hình “Giáo dục biển đảo” và sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục. Nhà trường cũng là điểm sáng trong việc phổ cập chương trình giáo dục kỹ năng bơi lội cho học sinh.
Thầy Đỗ Xuân Thưởng cho biết, mô hình “Giáo dục biển đảo” là bức tranh thu nhỏ về biển đảo Việt Nam với đầy đủ các đảo, quần đảo nằm trong hải phận thuộc chủ quyền của nước ta. Bên cạnh đó là những đảo của các nước bạn, giúp học sinh hiểu rõ hơn về ranh giới của các hải phận. Trên sa bàn còn có cột mốc chủ quyền biển đảo nước ta ở 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đảo Phú Quốc, nhà giàn DK1...
“Ngoài lý thuyết trên lớp, giáo viên sẽ đưa ra mô hình để giáo dục trực quan giúp các em dễ nắm kiến thức. Trường cũng thường xuyên chỉ đạo giáo viên quan tâm giáo dục học sinh về tình yêu biển đảo thông qua các bài dạy, môn dạy có nội dung về biển đảo và dạy lồng ghép giáo dục biển đảo, thông qua việc thực hành mô hình, giúp học sinh hứng thú học tập hơn.
“Mô hình rất ý nghĩa, góp phần giáo dục cho các em về trách nhiệm, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Mô hình trực quan, sinh động này từng được ngành giáo dục Đại Lộc triển khai để nhiều trường học của huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm” - thầy Thưởng chia sẻ.