Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Quảng Nam: Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo

VĨNH LỘC 16/11/2013 12:03

Tháng  10.2009,  Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch Quảng Nam được thành lập, qua 4 năm hoạt động nhà trường dần khẳng định được vị trí, trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật quan trọng cho các địa phương, đặc biệt là tại các huyện miền núi trong tỉnh.

Vượt lên gian khó

Hơn bốn năm đã trôi qua nhưng thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Thảng vẫn còn nhớ như in bao khó khăn của trường những ngày đầu mới thành lập. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, bàn ghế, thiết bị đồ dùng dạy học lạc hậu, thiếu thốn… Những chuyến “ngoại giao con thoi” vào Nam ra Bắc xin cấp mã ngành, liên kết đào tạo cứ nối tiếp nhau để đưa ngôi trường non trẻ vượt qua bao gian khó ban đầu. Năm 2012 trường được chuyển về cơ sở 106 Trần Văn Dư (TP.Tam Kỳ), đánh dấu bước chuyển biến mới trong công tác giảng dạy. Với nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách tỉnh, chỉ trong thời gian ngắn nhà trường như lột xác, cơ sở hạ tầng được sửa sang nâng cấp khang trang. Đến nay, ngoài 17 phòng học đạt chuẩn, nhà trường cũng đã bố trí sắp xếp hoàn chỉnh các phòng dạy năng khiếu như âm nhạc, múa, vẽ; khu sinh hoạt, biểu diễn nghệ thuật… Ngoài ra, khu ký túc xá cũng được tu sửa và đưa vào phục vụ những học sinh ở xa. Do đó các em không còn phải lo chỗ ăn ở, nhất là các học viên thuộc diện gia đình nghèo khó, con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch Quảng Nam ngày càng khang trang.
Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch Quảng Nam ngày càng khang trang.

Dù cơ sở hạ tầng đã phần nào ổn định, nhưng theo thầy Thảng, điều lo lắng nhất của nhà trường vẫn là công tác tuyển sinh khi mà số lượng đầu vào các ngành học luôn đối diện với nguy cơ sụt giảm. “Kết quả tuyển sinh thấp sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của trường vì nguồn kinh phí của UBND tỉnh phân bổ tính theo số lượng học sinh nhập học” - thầy Thảng tâm sự. Trong hai năm đầu mới thành lập do tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, nguồn kinh phí chi thường xuyên của trường luôn ở trình trạng thiếu hụt, trong khi UBND tỉnh chỉ chi hỗ trợ trả lương cho cán bộ, giáo viên, viên chức, còn các chế độ phụ cấp đứng lớp giáo viên hầu như không thể giải quyết, kể cả thầy hiệu trưởng.

Lớp học đàn  organ.
Lớp học đàn organ.

Nhằm tìm hướng phát triển, đa dạng nguồn học viên, từ năm 2012 ngoài 4 ngành học cũ đã được đăng ký, các ngành học mới cũng đã được nhà trường bổ sung và tuyển sinh rộng khắp như Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật và Thư viện - Thông tin, Đồ họa… Số học sinh nhập học đã có sự chuyển biến vượt bậc. Năm học 2010 - 2011, nhà trường chỉ tuyển sinh được 3 lớp trung cấp chính quy và 1 lớp trung cấp hệ vừa học vừa làm với tổng số 102 học sinh. Năm học 2012 - 2013 tăng lên 185 học sinh. Năm học 2013 - 2014 tăng lên 378 học sinh, vượt 278% so với chỉ tiêu được giao. “Kết quả tuyển sinh hai năm gần đây cho thấy việc khảo sát nhu cầu đào tạo ở các địa phương và các ngành liên quan là vô cùng quan trọng, nhất là việc thực hiện đào tạo theo nhu cầu, có địa chỉ cụ thể” - thầy Thảng nói.

Học viên tập múa quạt.
Học viên tập múa quạt.


Nâng cao chất lượng đầu ra

Xác định mục tiêu đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của xã hội nên trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch luôn chú trọng xây dựng phương pháp học phải gắn với hành, nhất là với các chuyên ngành như Quản lý Văn hóa, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật… Học sinh không chỉ được học các kiến thức chuyên môn mà còn được phụ đạo các kỹ năng về nhiều lĩnh vực liên quan, chẳng hạn các vấn đề cuộc sống như gia đình, thể thao, du lịch, soạn thảo văn bản hành chính… Cùng với đó, đội ngũ cán bộ giáo viên của trường  không ngừng được bổ sung hoàn thiện về mặt kiến thức chuyên môn, bằng cấp đạt chuẩn theo quy định. Đến nay, toàn trường đã có gần có 30 cán bộ viên chức, giáo viên được đào tạo chính quy chuyên ngành văn hóa - nghệ thuật và du lịch. Trong đó, có 2 thạc sĩ chuyên ngành âm nhạc, 1 thạc sĩ chuyên ngành văn hóa, 1 thạc sĩ chính trị và 1 thạc sĩ chuyên ngành thư viện - thông tin.

Học viên thực hành môn vẽ.
Học viên thực hành môn vẽ.

Đối với những lớp năng khiếu như Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật… trường thực hiện việc phân chia các lớp thành nhiều nhóm lớp, phân công cán bộ, giáo viên giảng dạy ký cam kết thực hiện chất lượng đầu ra với yêu cầu học sinh trước khi đi thực tập phải biết đệm đàn tất cả bài hát trong chương trình hát nhạc ở bậc tiểu học và hát thuộc, hát đúng, biết gõ nhịp, gõ phách, gõ tiết tấu các bài hát ở bậc tiểu học… Học sinh không đạt những yêu cầu trên sẽ không được tham gia thực tập. Theo thầy Nguyễn Đình Thảng, với những biện pháp đó, không chỉ tạo sự đổi mới trong quản lý chất lượng đầu ra mà còn giúp nhà trường có những đánh giá chính xác tinh thần trách nhiệm, năng lực, sở trường của từng cán bộ viên chức, giáo viên. “Hiệu quả rõ nét nhất có thể nhận thấy được từ khi đổi mới phương pháp giảng dạy là tỷ lệ học viên tốt nghiệp ra trường có việc làm những năm gần đây luôn đạt gần 80%, chủ yếu là tại các cơ quan nhà nước” - thầy Thảng cho biết. Cùng với việc đẩy mạnh liên kết hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trong nước đào tạo các ngành học liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, du lịch thì trường cũng thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn hạn như khiêu vũ, tiếng Cơ Tu, mỹ thuật, múa, organ, đồ họa và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thư viện - Thiết bị, công tác Đoàn Đội trong các trường học phổ thông… nhằm đa dạng hóa các loại hình đào tạo cũng như tăng thêm nguồn thu cho trường.

Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, dù mới chỉ là bước đầu nhưng có thể nhìn nhận những kết quả đạt được của trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch Quảng Nam là đáng khích lệ, đặc biệt đã giải quyết được những yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực văn hóa cơ sở có chất lượng tại các địa phương. “Quảng Nam là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa nên việc thành lập trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch là rất cần thiết” - ông Hài khẳng định. Cũng theo ông Hài, khi trường phát triển hoàn thiện các chuyên ngành đào tạo sẽ là địa chỉ đào tạo tốt nhất các chuyên ngành về văn hóa Quảng Nam, góp phần chung vào sự nghiệp bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa xứ Quảng.  
Bốn năm, một chặng đường không phải dài nhưng cũng đã kịp làm thay đổi bộ mặt của trường. Từ đây ngôi trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch Quảng Nam đã trở nên quen thuộc, trở thành địa chỉ đào tạo tin cậy và chất lượng trong mắt những học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời cũng như những người làm văn hóa Quảng Nam.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Quảng Nam: Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO