Truy thu tiền hỗ trợ, ai chịu trách nhiệm?

T.DŨNG – T.CÔNG – D.LỆ 03/04/2019 14:04

Sự bất nhất trong văn bản của Bộ Nội vụ khiến nhiều cán bộ, công chức viên chức 3 huyện Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My phải đối mặt với việc bị buộc phải trả lại số tiền đã nhận theo chính sách hỗ trợ. Ai, cấp nào sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề này là câu chuyện được đề cập nhiều ngày qua.

Nhiều viên chức, công chức ở xã Ba (Đông Giang) bày tỏ lo lắng trước thông tin sẽ bị thu hồi tiền hỗ trợ. Ảnh: T.CÔNG
Nhiều viên chức, công chức ở xã Ba (Đông Giang) bày tỏ lo lắng trước thông tin sẽ bị thu hồi tiền hỗ trợ. Ảnh: T.CÔNG

Sự bất nhất của văn bản

Ngày 27.3.2019, Sở Tài chính gửi công văn cho các huyện Nam Giang, Đông Giang và Bắc Trà My đề nghị thu hồi số kinh phí đã được các địa phương này thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP. Lý do là các xã thuộc khu vực II, khu vực I và các thôn không thuộc diện đặc biệt khó khăn của 3 huyện này không thuộc đối tượng chính sách theo nghị định nêu trên.

Sẽ không có gì ngạc nhiên khi chính quyền 3 địa phương chi sai, buộc phải thu hồi tiền ngân sách là điều không bàn cãi. Song, sự “bất thường” này đến từ việc “tiền hậu bất nhất” của các văn bản. Lần theo các văn bản của Chính phủ, Bộ Nội vụ, UBND tỉnh và Sở Tài chính cho thấy “lỗi” thuộc về các công văn của Bộ Nội vụ.

Cụ thể, Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7.3.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020 đã có tên huyện Bắc Trà My, Đông Giang và Nam Giang trong danh sách 29 huyện thuộc 18 tỉnh (nhóm 2) được xét bổ sung.

Quyết định này nêu rõ về cơ chế, chính sách, định mức hỗ trợ cho 29 huyện nghèo bổ sung. Cụ thể từ năm 2018 đến hết năm 2020, thực hiện các chính sách đặc thù quy định tại tiểu dự án 1, tiểu dự án 3 và tiểu dự án 4 thuộc dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg với định mức hỗ trợ bằng 70% so với các huyện nghèo thuộc nhóm I.

Từ quyết định này, Công văn 3682/BNV-TL ngày 6.8.2018 của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng ký, xác định cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác tại các xã thuộc huyện nghèo có trong danh sách quy định tại Quyết định số 275/QĐ-TTg nêu trên thuộc đối tượng hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24.12 năm 2010 của Chính phủ, kể từ ngày Quyết định số 275/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành (ngày 7.3.2018).

Căn cứ Công văn số 3682/BNV-TL và Công văn số 4614/UBND-NC ngày 17.8.2018 của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã đề nghị UBND các huyện Nam Giang, Bắc Trà My và Đông Giang (Công văn số 2202/STC-NS ngày 19.9.2018) rà soát các xã trên địa bàn huyện mà không thuộc danh mục xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) được quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức ở các huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020. Yêu cầu các địa phương tổng hợp nhu cầu kinh phí chi trả các chế độ chính sách được quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP (cho đối tượng chưa được hưởng các chính sách này, hoặc thời gian hưởng phụ cấp thu hút chưa đủ 5 năm…).

Những công văn được gửi đi và 3 địa phương trên đã tiến hành chi trả theo chế độ, thì bất ngờ Công văn số 1044/ BNV-TL ngày 11.3.2019 của Bộ Nội vụ “phủ quyết” toàn bộ công văn 3682/BNV-TL khi công bố các xã thuộc khu vực II, khu vực I và các thôn không thuộc diện đặc biệt khó khăn của 3 huyện trên không thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định của Nghị định 116/2010/NĐ-CP.

Bộ Nội vụ yêu cầu thu hồi kinh phí này nếu chi trả chưa đúng với hướng dẫn Công văn 1044/BNV-TL. Sở Tài chính “buộc lòng” phải gửi công văn yêu cầu 3 địa phương thu hồi kinh phí đã chi trả.

Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính cho hay một công văn cho phép chi, một công văn khác lại nói không được chi. Các văn bản Sở Tài chính ban hành đều tuân thủ theo “lệnh” của các cấp!

Người hưởng lợi lo lắng

Chưa có thống kê cụ thể về số người, số kinh phí đã được các địa phương chi trả, nhưng hầu hết người hưởng lợi đều băn khoăn, lo lắng trước thông tin sẽ bị truy thu số tiền đã nhận.

Chị Thiều Trinh – công tác tại UBND xã Ba (Đông Giang) cho hay nhiều đồng nghiệp, một số giáo viên, nhân viên y tế khá lo lắng về việc sẽ bị truy thu số tiền nhận hỗ trợ.

“Nếu truy thu theo Sở Tài chính thông báo, số tiền chúng tôi phải nộp lại từ vài chục triệu đồng trở lên. Có người công tác lâu năm, theo hệ số lương, số tiền họ được nhận theo Nghị định 116 lên đến gần 100 triệu đồng. Thu nhập chính từ đồng lương, số tiền tích cóp không nhiều, sẽ làm nhiều người gặp khó khăn khi buộc phải nộp lại” - chị Trinh nói.

Ông Nguyễn Xuân Nghiêm – Chủ tịch UBND xã Ba cho biết ngay sau khi nhận được công văn, chính quyền xã đã tổng hợp kiến nghị của công chức, viên chức đang công tác được hưởng trợ cấp theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP, gửi Phòng Tài chính huyện, tiếp tục có ý kiến với Sở Tài chính. Song có điều băn khoăn khi Công văn 3682/BNV-TL chỉ đề cập việc thu hồi kinh phí hỗ trợ đối với địa phương đã thực hiện chính sách mà không nêu rõ thu hồi từ khi Bộ Nội vụ có công văn thông báo mới hay từ khi thực hiện chính sách này đối với các huyện nghèo 2018 - 2020.

“Nguyện vọng chung của anh em là nếu không được hỗ trợ theo Nghị định 116 nữa thì dừng. Còn việc thu hồi kinh phí sẽ gây ra nhiều khó khăn. Sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý làm việc lẫn đời sống của nhiều người, bởi cán bộ công chức miền núi thu nhập hầu như chỉ trông chờ vào đồng lương vốn ít ỏi” - ông Nghiêm nói.

Bà Lê Thị Xuân - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Đông Giang cho biết có khoảng hơn 100 công chức, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang ở hai xã Ba và xã Tư của huyện này sẽ nằm ngoài đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định 116 theo thông báo mới của Bộ Nội vụ.

“Dừng hỗ trợ đã ảnh hưởng lớn đến cán bộ công chức, viên chức rồi. Nay thông báo thu hồi, rõ ràng là rất khó. Thu hồi ra sao, bao lâu, công chức, viên chức sẽ sống thế nào với đồng lương ít ỏi còn lại nếu bị thu hồi? Chúng tôi mong cấp trên có cách để hỗ trợ, giải quyết thỏa đáng việc này. Việc cấp kinh phí theo Nghị định 116 hoàn toàn đúng theo các quy định trước đây, không phải lỗi do cấp ngành ở địa phương” - bà Xuân nói.

Cùng quan điểm, ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay việc chi chế độ cho cán bộ, công viên chức theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP từ tháng 3.2018 đến nay đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của Trung ương, tỉnh. Nay yêu cầu dừng, huyện sẽ tạm dừng thực hiện chế độ từ ngày 1.4.2019. Tuy nhiên, huyện sẽ làm việc với tỉnh để rõ thêm một số vấn đề còn khúc mắc, để tỉnh có kiến nghị đến Trung ương.  Cán bộ, công chức, viên chức được hưởng phụ cấp ở mức 70% lương nên số tiền thu hồi lại sẽ tương đối lớn đối với từng cá nhân. Việc thu hồi cũng cần phải được tiến hành theo quy định của pháp luật, đảm bảo cho người lao động lo cho cuộc sống gia đình. “Khi thực hiện sẽ phát sinh những vướng mắc cần thận trọng như cán bộ đã nghỉ hưu trong thời điểm đã hưởng chế độ rồi hoặc cán bộ đang thai sản, nuôi con nhỏ… thì phải tính toán thế nào?” - ông Vũ băn khoăn.

Theo nguyên tắc, một khi “ngân sách chi nhầm” sẽ buộc phải thu hồi về cho Nhà nước. Những ai không thực hiện đúng nguyên tắc tài chính công sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, trong chuyện thực hiện chế độ chính sách này, lỗi không thuộc về địa phương 3 huyện trên (kể cả Sở Tài chính Quảng Nam), mà lỗi do hướng dẫn lệch từ công văn của Bộ Nội vụ.

Thu hồi số tiền này là chuyện không dễ dàng khi phần lớn người thụ hưởng đã chi dùng cho cuộc sống gia đình từ nhiều ngày qua. Số kinh phí này sẽ là số “nợ xấu”, sẽ treo trên các bảng báo cáo ngân sách hàng năm, vì rất khó để thu hồi.

T.DŨNG – T.CÔNG – D.LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Truy thu tiền hỗ trợ, ai chịu trách nhiệm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO