"Truy xuất" nguồn gốc giọng Quảng

ANH QUÂN 03/07/2022 06:17

Với tấm lòng hướng về quê hương Quảng Nam, trong những năm qua, PGS.TS Andrea Hoa Pham (Đại học Florida, Hoa Kỳ) dành thời gian và tâm sức đầu tư cho công trình nghiên cứu “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” (NXB Đà Nẵng - 2022).

Làng quê xứ Quảng. Ảnh: Vũ Công Điền
Làng quê xứ Quảng. Ảnh: Vũ Công Điền

Cuốn sách ra đời dịp kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021), 25 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997 - 2022) nhằm góp thêm một tư liệu quý để tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này.

Những luận giải

“Để hiểu vì sao người Quảng Nam lại có giọng nói “không giống ai”, những câu hỏi quan trọng đầu tiên là: vậy người Việt ở Quảng Nam đã nói giọng nói đó từ bao giờ?

Nếu những di dân đầu tiên đã “đem” giọng nói khác thường này đến vùng đất Quảng Nam có nguồn gốc từ đâu? Nhưng trên thực tế, không có ở đâu nói giọng như người Quảng Nam nên khó thể nghĩ giọng nói này đã được đưa “nguyên si” từ đâu đó tới.

Vậy tổ tiên người Quảng Nam đã nói giọng địa phương nào để truyền lại cho con cháu và giọng nói đó đã trải qua những biến động gì để cuối cùng có hình dạng như giọng Quảng Nam hiện nay?...”.

Tác giả đặt ra hàng loạt câu hỏi như vậy và cố gắng truy xuất “nguồn gốc giọng Quảng Nam” không chỉ theo dòng nghiên cứu lịch sử, mà bằng khối kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa cũng như những chuyến đi điền dã phục vụ nghiên cứu của mình.

Sáng 9.7, tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng, PGS.TS Andrea Hoa Pham cùng GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) sẽ có buổi ra mắt, giới thiệu và trao đổi về nội dung cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” và những vấn đề liên quan. Đây là cuốn sách thứ hai trong “Tủ sách Đất Quảng” của NXB Đà Nẵng, sau cuốn “Quảng Nam qua các thời đại” (Phan Du) tái bản năm 2021.

Chính vì vậy, theo Andrea Hoa Pham, phần lớn cuốn sách này xoay quanh lời giải thích cho câu hỏi vì sao giọng nói người Quảng Nam lại có bộ mặt như hiện nay, khác xa các giọng nói ở các vùng khác như thế. Không chỉ tìm hiểu các biến đổi này “như thế nào?” mà còn cố gắng trả lời câu hỏi “vì sao?” - nghĩa là về con đường hình thành giọng Quảng Nam.

“Chúng tôi trình bày giả thuyết của mình dựa trên chứng cứ về những cuộc di dân lịch sử từ Thanh - Nghệ, các chứng cứ ngữ âm - âm vị và quá trình biến đổi theo các quy luật hoạt động nội tại của ngôn ngữ để đưa đến một giọng nói Quảng Nam như chúng ta biết ngày nay” - tác giả cuốn sách bày tỏ.

Thú vị từ “điểm dị biệt”

Từ nguồn kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội…, tư liệu và chứng cứ thực tế điền dã, cộng với sự phân tích ngôn ngữ học, tác giả lý giải về nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam; trong đó tập trung tìm kiếm mối quan hệ giữa giọng Quảng Nam hiện nay và những phương ngữ ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh - nơi cha ông người Quảng Nam di cư vào Nam.

Qua đó, PGS.TS Andrea Hoa Pham cho biết: “Điều này quả là không dễ dàng. Thứ nhất là ngôn ngữ không ngừng biến đổi. Không thể biết được liệu giọng nói người Thanh - Nghệ hiện nay đã thay đổi xa so với vài thế kỷ trước không, vì không có gì ghi chép lại giọng nói thời kỳ ấy.

Thứ hai là các tài liệu và nghiên cứu thường chú trọng vào tính chất “nhất quán” trong các giọng địa phương của tiếng Việt. Điểm “tương đồng” thường được coi trọng hơn các điểm “dị biệt” nên thường được nhấn mạnh hơn. Nhưng trong trường hợp đi tìm nguồn gốc của giọng Quảng Nam, điểm “dị biệt” lại là những điều hữu ích không kém, thậm chí còn hơn những nét tương đồng”.

Bìa sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”.
Bìa sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”.

Là nhà nghiên cứu khoa học, không chỉ đưa ra các chứng cứ cho những luận điểm của mình, tác giả còn đặt ra các vấn đề và những giả thuyết để khơi gợi sự kiếm tìm, tham gia của những nhà khoa học nhằm góp phần làm rõ thêm nguồn gốc và sự hình thành một giọng nói đặc biệt, “không giống ai” trên dải đất hình chữ S này.

“Bảy chương sách là câu chuyện về cuộc hành trình ấy, để hiểu về những điều kỳ lạ và kỳ diệu trong giọng Quảng Nam, về các chuỗi biến đổi độc đáo trong phần vần. Vài câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, và hẳn nhiên cần đến sự tiếp sức của rất nhiều đồng nghiệp và các thế hệ tiếp nối” - PGS.TS Andrea Hoa Pham kỳ vọng.

Với việc “truy xuất” nguồn gốc giọng Quảng Nam mang tính khoa học như vậy, hy vọng cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” là một tài liệu bổ ích, không chỉ góp phần phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, trao đổi học thuật… về một chất giọng “không giống ai”, mà còn lưu giữ kiến thức về nét văn hóa độc đáo của Quảng Nam.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Truy xuất" nguồn gốc giọng Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO