Truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp: Nỗ lực của ngành lâm nghiệp

HỮU PHÚC 10/10/2019 10:23

Để ngành chế biến gỗ không bị thua trên sân chơi hội nhập của quốc tế, hơn 6 năm qua, Việt Nam nỗ lực đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (gọi tắt FLEGT). Và lần đầu tiên trong Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019) có nội dung đề cập đến việc truy xuất nguồn gốc gỗ.

Việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp giúp nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ mở rộng thị trường. Ảnh: H.P
Việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp giúp nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ mở rộng thị trường. Ảnh: H.P

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trên cơ sở thỏa thuận với EU và các đối tác khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, thời điểm này Việt Nam đang tiếp tục đàm phán để có được quy định hài hòa về kiểm soát nguồn gốc gỗ. Về phía ngành, sau Luật Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ 4 nghị định, ban hành 7 thông tư hướng dẫn, trong đó có một thông tư chuyên đề về truy xuất và kiểm soát nguồn gốc gỗ.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam trở thành nhà cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ cho hơn 120 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam đang là thị trường hàng đầu về tiêu thụ gỗ nguyên liệu, nhưng bất cập nằm ở chỗ, gỗ nhập khẩu khi khai báo hải quan thì tên một loại gỗ lại được khai báo với nhiều tên khoa học khác nhau, gây khó khăn cho lực lượng hải quan. “Cổng” kiểm soát, phân loại được gỗ có hợp pháp hay không chỉ có cơ quan hải quan và kiểm lâm. Tổng cục Hải quan cho rằng, có nhiều rủi ro trong quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu gỗ và đồ gỗ. Trong đó, rủi ro trong khai hải quan, khai thuế, thời hạn làm thủ tục hải quan, thời hạn nộp thuế… chiếm đến 85% tổng số vi phạm phân loại theo hành vi. Khó khăn là lực lượng hải quan không được đào tạo bài bản về lâm nghiệp cũng như nhận dạng gỗ. Trong khi đó, kiểm lâm không thể kiểm soát được loại hàng hóa gỗ và sản phẩm từ gỗ nhập khẩu vào nước ta. Luật Lâm nghiệp sửa đổi có hiệu lực đầu năm nay, mới điều chỉnh theo hướng chỉ xử lý bằng hình thức răn đe là chủ yếu đối với những cá nhân, doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp.

Theo Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 8.2019, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của cả nước ước đạt 7,08 tỷ USD (tăng 18,6% so với cùng kỳ 2018, trong đó gỗ nguyên liệu tăng 14,9%, sản phẩm gỗ tăng 25,1%). Theo dự báo, ước cả năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 11 tỷ USD.

Nhiều năm nay, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với EU về tăng cường thực thi FLEGT. Khi ngành lâm nghiệp thực hiện đầy đủ tiêu chí bắt buộc, EU mới chấp nhận cho phép thực thi FLEGT. Theo Bộ NN&PTNT, cái lợi lớn nhất sau khi ký kết hiệp định là ngành lâm nghiệp sẽ xây dựng một chiến lược rộng hơn nhằm nâng cao đa dạng sinh học, tiến tới chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Chính việc cam kết ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Việt Nam sẽ bịt kín các lỗ hổng trong quản lý nhà nước, nhất là kiểm soát việc hợp thức hóa gỗ lậu khá phổ biến như hiện nay. Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, chủ trương “đóng cửa rừng” tự nhiên là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, nhờ đó mà nhiều vùng, nhiều địa phương có độ che phủ rừng rất cao. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và nhiều chính sách quan trọng khác, tài nguyên rừng được phục hồi nhanh. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng, năm 2018 đạt độ che phủ 41,6%; trong khi bình quân của thế giới chỉ khoảng 29%.

Tại Quảng Nam, doanh nghiệp lẫn người trồng rừng đang rất băn khoăn về khái niệm truy xuất nguồn gốc gỗ nếu thực thi FLEGT. Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ cho biết, các sản phẩm chế biến, gia công bàn ghế từ gỗ của doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu là chính. Lo ngại nhất là mua nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, trong khi hiện nay diện tích rừng được cấp chứng chỉ quốc tế (FSC) hợp pháp rất ít. Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh lúng túng, chưa nắm được thế nào là gỗ hợp pháp và quá trình truy xuất nguồn gốc. Từ năm 2019, một số doanh nghiệp dành diện tích chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh đến liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn với người dân các huyện Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nông Sơn, Tiên Phước. Tuy nhiên, thời điểm này rừng trồng được cấp chứng chỉ quốc tế hợp pháp chỉ dưới 2.000ha. Theo Sở NN&PTNT, vướng mắc hiện tại khi thực hiện FLEGT là doanh nghiệp còn lơ là với trách nhiệm xã hội (sử dụng lao động, chế độ tiền lương, y tế, an toàn thực phẩm…); lúng túng về quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp, kể cả các nguyên liệu gỗ trồng như cây cao su, keo lá tràm...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp: Nỗ lực của ngành lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO