Cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2019 do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức mang tên “Lửa mới” vừa chính thức được khởi động. Trại sáng tác truyện ngắn do tạp chí mở ra tại Đà Nẵng nằm trong khuôn khổ của cuộc thi.
Thế nào là truyện ngắn hay vẫn là câu hỏi khó với nhiều tác giả. Trong ảnh: Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: T.KHÊ |
Ở đó, một tọa đàm mang tên “Thế nào là một truyện ngắn hay?” được tổ chức như một cách nhìn nhận vai trò của truyện ngắn trong bối cảnh văn học hiện nay và cũng để trực tiếp phục vụ cho các tác giả tham gia cuộc thi.
Thế nào là truyện ngắn hay?
Câu hỏi được nhà văn Đỗ Tiến Thụy nêu ra lập tức có sự phản hồi của nhà văn Y Ban: Truyện ngắn hay là nhờ ở ngôn từ, là tứ truyện đan cài nhiều chi tiết đắc và lửa cho văn. Lửa thổi vào truyện để dẫn dắt người đọc hào hứng “đi” hết truyện của nhà văn, đó là năng lượng tạo ra sức hấp dẫn cho một truyện ngắn.
Nhà văn trẻ Phạm Thúy Quỳnh cho rằng rất khó để phân định rạch ròi một truyện ngắn hay bởi thẩm mỹ mỗi người mỗi khác. Theo chị, có thể đó là truyện có tình huống nổi trội, nhân vật mới mẻ và có thể đạt đến một biểu tượng nào đó.
Theo Lê Vũ Trường Giang thì ngoài việc quan tâm tới ngôn từ ấy chính là bố cục của truyện: bố cục mạnh mẽ, kết cấu bền vững, có truyện ngắn không thể xóa bớt một câu, thậm chí một chữ! Theo anh, truyện hay phải được dẫn từ miếng mồi là đầu câu chuyện, phát triển ở thân truyện và kết truyện phải như “tiếng pháo” nổ vang và vọng âm ỉ trong lòng người đọc. Cần có kết bất ngờ, tạo được tình huống bất ngờ là yêu cầu bắt buộc của một truyện ngắn hay. Còn nhà văn Lê Trâm chú ý đến sự tổ chức các chi tiết để tạo nên sự bất ngờ, chú ý đến chiều sâu của tác phẩm, nói được nhiều điều phía sau của “chữ”.
Trong khi đó, nhà văn Lưu Thị Mười chú ý đến cảm xúc trong truyện nên bố cục thường không rõ nét trong tác phẩm của chị. Theo chị, truyện ngắn hay thì phải có mùi, có vị riêng, đọc xong còn “thèm thuồng, tiếc nuối”. Cần đặt nặng sự dàn dựng, ngôn từ sắc sảo, cảm xúc dồi dào, nếu chưa đạt được “cảm xúc đàn bà” thì “chưa đã”, nghĩa là cần sự sắc sảo và quyến rũ! Trao đổi lại với Lưu Thị Mười, Y Ban nêu thêm về sự dẫn dắt của cảm xúc, vốn thường gắn bó với các tác giả trẻ, sau này thì sự hồn nhiên, mới mẻ sẽ không còn nữa bắt buộc nhà văn phải tìm một con đường khác. Thời nay, tình hình đọc sách có vẻ phân tán, số người đọc ít hơn và thẩm mỹ cũng phân hóa rất rõ. Theo chị, mọi thứ vẫn phải chờ câu trả lời của thời gian. Thế nào là một truyện ngắn hay vẫn là một câu hỏi khó trả lời, có người bảo hay vì nó… hay! Có người bảo hay hay không tùy vào “trình” của người đọc… Hay nhờ ở bút pháp (Lê Hương Thủy) hoặc hay là “truyện thêu thùa rất khéo ngôn từ thể loại” (Nguyễn Thị Minh Thái)…
Chiến tranh vẫn là đề tài lớn
Về đề tài, liệu chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang có còn thu hút người đọc và người viết? Cuộc thi truyện ngắn lần này không giới hạn về đề tài nhưng vẫn có những ưu tiên nhất định về đề tài chiến tranh và người lính. Theo Y Ban thì đất nước vốn đi cùng thiên tai và chiến tranh nên không thể đi ra khỏi đề tài này. Chiến tranh và thân phận con người là những vấn đề nhà văn không thể không quan tâm. Nhà văn cũng nêu thêm một thắc mắc, liệu không viết về một đề tài lớn là chiến tranh sẽ có được tác phẩm lớn hay không? Theo Trần Nhã Thụy thì chiến tranh là đề tài lớn nên không viết được về đề tài chiến tranh có thể là thiệt thòi. Nhiều tác phẩm hay về chiến tranh đã đọng lại rất lâu trong lòng người đọc. Uông Triều quan tâm đến những vấn đề về hậu chiến. Với lứa tuổi quá trẻ như “đi qua chiến tranh”, có khi “ngại” trước đề tài khó và từng đạt nhiều thành tựu này. Tuy nhiên, đi sâu để cảm nhận và viết về những vấn đề “thuộc về chiến tranh” tất nhiên cũng sẽ làm được, với sự nhìn nhận riêng theo cách của lớp người viết trẻ sau này. Nhờ đó góp phần vào sự phát triển của thể loại truyện ngắn.
Tại buổi tọa đàm này, ban tổ chức đưa ra cho những người tham dự một thăm dò bình chọn 5 truyện ngắn đương đại hay nhất theo cảm nhận riêng mỗi người, và kết quả nhận được là gần… 100 truyện ngắn của hàng chục tác giả nổi tiếng thuộc nhiều thế hệ. Điều này cho thấy, nhận định một truyện ngắn hay tùy thuộc quá nhiều yếu tố, sự cảm nhận, “gu” thẩm mỹ, sự quan tâm, “trình đọc” của mỗi người… Có vẻ như sự “phân hóa” ngày càng lớn về câu trả lời cho câu hỏi khá khó này.
Cuộc thi truyện ngắn “Lửa mới” đã bắt đầu một cách “nhộn nhịp” với những tác phẩm mới của Trần Nhã Thụy, Nguyễn Hải Yến, Đoàn Ngọc Hà, Lê Vũ Trường Giang, Lê Quang Trạng, Trần Thị Tú Ngọc… Nhiều truyện ngắn bước đầu để lại ấn tượng cho người đọc như “Đi dưới mặt trời” của Nguyễn Hải Yến, “Những đứa trẻ tóc bạc” của Trần Nhã Thụy, “Hoa hồng trong sương” của Trần Thị Tú Ngọc … Hy vọng, sự thành công của cuộc thi truyện ngắn này sẽ góp phần trả lời cho một câu hỏi đang còn bỏ ngỏ: Thế nào là một truyện ngắn hay?
TIỂU KHÊ