(QNO) - Được xưng tụng sinh ra từ cái đẹp truyền thống Nhật Bản, chỉ với vài tác phẩm như Ngàn cánh hạc, Cố đô, Tiếng rền của núi, Cô vũ nữ xứ Izu... Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định trao giải Nobel Văn chương năm 1968 cho Kawabata, người Nhật đầu tiên và là người châu Á thứ 2 đoạt giải thưởng danh giá này sau bậc thánh sư R.Tagore.
“Văn chương Kawabata thể hiện cốt lõi tâm hồn Nhật Bản với những rung cảm tinh tế tuyệt vời, gây ấn tượng sâu sắc đến mọi người trên thế giới” và, “với tư cách nhà văn, ông đã truyền đạt một nhận thức văn hóa có tính thẩm mỹ và đạo đức cao (moral-esthetic cultural awareness) bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo, góp phần lớn lao vào cầu nối tinh thần Đông - Tây”.
Hầu hết sáng tác của Kawabata đều mang niềm bi cảm (chữ của Nhật Chiêu – chuyển từ mono no aware) - xao xuyến trước nỗi vô thường của cái đẹp và sự cô đơn. Sinh thời, ngoài thể loại tiểu thuyết, Kawabata cũng rất thích viết thể loại truyện rất ngắn mà ông gọi là Truyện ngắn trong lòng bàn tay “tenohira no shôsetsu”, nó như một dạng Haiku văn xuôi, góp phần làm nên tên tuổi văn tài Kawabata.
Kỉ niệm 50 năm ngày mất văn hào Kawabata 1972 -2022, xin giới thiệu hai “Truyện ngắn trong lòng bàn tay” của ông qua bản dịch của Nhật Chiêu và Hoàng Long.
1. SẤM MÙA THU
Hôn lễ chúng tôi cử hành trong một lữ quán có tiếng sáo trúc kiểu xưa ngân nga. Mùa thu mới bắt đầu, cũng là lúc các cô gái xuân thì từ biển trở về và lượn quanh thành phố như những con ngựa tơ xinh đẹp, lông màu hạt dẻ.
Bất thình lình chớp lóe sáng khung cửa sổ và sấm nổ rền như muốn phá tan hôn lễ. Cô dâu mười bảy tuổi của tôi trắng xanh sắc mặt. Nàng nhắm nghiền mắt lại và thân thể rũ xuống như một lá cờ ướt sũng.
- Đóng cửa sổ, đóng màn lại mau!
Sau khi hôn lễ kết thúc, cha vợ tôi mới bảo: “Con gái tôi sợ sấm có thể là do một lời nguyền xưa. Rồi ông kể cho tôi câu chuyện này, về một đứa con trai hiếu thảo của xứ Tamba thuở nào:
“Yoshida Shichizaemon lại rất sợ sấm, chỉ cần nghe một tiếng trống gõ là bà có thể ngất xỉu. Vì thế cho nên, bất kỳ khi nào nghe tiếng sấm rền là Shichizaemon đâm bổ về nhà, cho dù anh đang ở đâu hay đang làm gì. Vào mùa hạ, anh không dám đi đâu xa, chỉ đến thôn làng lân cận là cùng.
Thế cũng chưa đủ. Ngay cả sau khi mẹ qua đời, cứ nghe thấy tiếng sấm là anh chạy ngay đến nghĩa trang, vòng tay ôm chặt mộ của bà.
Một đêm kia, trong khi Shichizaemon ôm ghì mộ bia suốt cơn dông, anh bị sét đánh chết. Sáng hôm sau, trời trong xanh và tươi đẹp.
Khi một người dân trong làng cố gỡ cánh tay Shichizaemon ra khỏi bia mộ thì nó vỡ ra từng mảnh. Thân thể cháy đen của anh đã trở thành một hình tượng bằng tro, chạm vào là vỡ vụn.
Rõ ràng là kéo chàng Shichizaemon hiếu thảo ra khỏi mộ chí kia là điều lầm lẫn.
Một bà lão nhặt lên một ngón tay của anh vừa rơi xuống đất và cất vào trong tay áo. Bà nghiêng mình mà nói: “Để cho thằng con trai vô tâm, bất trị của già này uống”.
Các thôn dân khác cũng bắt chước nhặt từng mảnh hài cốt. Thứ tro linh ấy đã truyền từ đời này sang đời khác như thể gia bảo. Khi ta còn nhỏ mẹ ta đã cho ta uống. Không biết có phải vì thế mà ta và cả con bé này nữa sợ sấm hay không”.
- Vậy là cô bé này (tôi ám chỉ người vợ mới) cũng được cha cho uống tro ấy à?
- Không, ta quên. Nhưng nếu bên nhà con thích thì ta sẽ gửi một gói cho nó.
Trong căn nhà mới của chúng tôi ở ngoại ô thành phố, bốn con dế nhảy ra từ phía sau chiếc bàn làm việc mới tinh của vợ tôi. Chiếc khăn phủ trắng muốt cũng chưa thay. Người vợ mới của tôi ánh lên vẻ rạng rỡ của một bó hoa tử đinh hương vào đầu mùa hạ. Thế rồi một lần nữa, tiếng sấm cuồng bạo lại nổ rền như thể mùa hạ đang tự hủy. Khi tôi ôm giữ cô dâu bé nhỏ đang run rẩy của mình, cái mà tôi cảm thấy trước hết qua làn da nàng là một người mẹ trong nàng.
Ai dám bảo tôi sẽ không trở thành một hình hài cháy rụi khi tôi ôm ấp cái bia mộ mềm mại ấm nồng này? Chớp loé sáng. Sấm như thử biến chiếc giường cưới của chúng tôi thành một chiếc giường chết chóc, vang động rầm rĩ trên mái nhà.
- Màn, đóng màn lại mau.!
(NHẬT CHIÊU dịch)
2. ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT OSHIN
Trong vườn sau của khu lữ điếm suối nước nóng trên núi, có một cây dẻ lớn. Địa Tạng Vương Bồ Tát Oshin ở dưới bóng cây. Theo sách hướng dẫn du lịch vùng này, Oshin mất vào năm Minh Trị thứ năm, lúc 63 tuổi. Năm nàng 24 tuổi, chồng nàng mất. Và Oshin ở vậy cho đến cuối đời. Nhưng tất cả những người được gọi là trẻ tuổi trong làng đều gần gũi với nàng. Và Oshin đáp ứng bình đẳng với tất cả chàng trai sơn cước. Họ thay phiên nhau đến nàng một cách có trật tự. Các thiếu niên khi đến một độ tuổi nhất định, được các chàng trai cho gia nhập hội sở hữu Oshin. Khi một người trẻ tuổi lấy vợ, anh ta phải rút ra khỏi hội. Nhờ Oshin mà các chàng trai sơn cước không phải vượt 7 dặm đường núi để tìm các cô gái ở bến cảng, các cô gái vẫn còn trinh trắng, còn những người vợ vẫn còn giữ lòng thủy chung. Trước khi tất cả đàn ông trong thung lũng vượt qua chiếc cầu treo để về các ngôi làng của mình, họ đã đi qua Oshin để trưởng thành.
Người du khách nghĩ về truyền thuyết tuyệt đẹp này. Anh cảm thấy khao khát Oshin. Nhưng Bồ Tát Oshin không mang phong thái và diện mạo của Oshin. Pho tượng có cái đầu sư ông và không biết có mặt mũi hay không. Có lẽ ai đó đã nhặt pho tượng Oshin cũ kỹ này nơi nghĩa địa và mang về đây.
Hướng về phía cây dẻ có một lữ điếm đáng ngờ. Mỗi lần đi ngang qua đây từ phía lữ điếm suối nước nóng, các du khách nhẫn nhục thường lấy tay vuốt đầu trơn nhẵn của Oshin.
Một ngày mùa hạ, có ba bốn du khách tập trung lại lấy nước đá. Một người ngậm nước đá bào, nhổ ra và nhíu mày.
- Không dùng được sao? – Người hầu gái của lữ quán hỏi.
Người khách chỉ về hướng cây dẻ.
- Nước này lấy từ căn nhà kia phải không?
- Vâng.
- Người con gái đằng kia đã dùng rồi. Nước không sạch, phải không?
- Có chuyện như vậy ạ? Nhưng cô chủ nhà đã rửa rồi mà. Tôi đã trông thấy cô ta trước khi đi lấy nước.
- Nhưng hẳn những cô gái đã rửa tách và thìa chứ hả?
Người khách đặt tách nước xuống như là vất đi, và nhổ nước miếng.
Sau khi đi du lãm thác nước, trên đường về, người khách gọi xe ngựa. Khi lên xe, anh căng thẳng. Một người con gái đẹp kỳ lạ bước lên xe. Càng nhìn ngắm, anh càng thấy nữ tính trong nàng. Chắc hẳn dục tình tươi mát, nùng diễm của những thanh lâu đã ngấm vào thân thể nàng từ buổi lên ba, giờ tỏa ra ươn ướt làn da thánh nữ. Không một nơi nào trên thân thể cô gái lại không thu hút lòng người. Ngay cả sau gót chân nàng, da cũng mỏng manh. Khuôn mặt với đôi mắt đen mở to cô độc, ánh chiếu những tia nhìn tươi mát, không có vẻ mệt mỏi nào. Làn da mịn màng đến cả những gót thanh tân. Chỉ cần nhìn làn da phiền muộn ấy, ta muốn giẫm lên bằng đôi chân trần. Cô gái là chiếc giường ngủ mềm mại không có lương tâm. Dường như cô gái được sinh ra để làm đàn ông quên đi lương tâm trần thế.
Người khách chuyển ánh nhìn ấm áp từ đầu gối cô gái sang đỉnh núi Phú Sĩ phía xa kia, nổi bập bềnh trong thung lũng. Rồi anh nhìn lại cô gái. Nhìn núi Phú Sĩ. Lại nhìn cô gái. Và rất lâu sau, anh cảm thấy vẻ đẹp của cái gọi là sắc tình.
Khi mệt mỏi vì các bà già nhà quê, cô gái bước xuống xe ngựa. Vượt qua cầu treo. Đi xuống thung lũng và biến mất vào lữ điếm hướng cây dẻ. Anh ngạc nhiên. Nhưng anh cảm thấy trọn vẹn vẻ đẹp từ định mệnh của nàng.
- Chính cô gái này, dù đã gặp gỡ nhiều đàn ông mà không mệt mỏi và xấu xa đi. Không giống những cô gái điếm khác trong cuộc đời này, chính những cô gái điếm từ khi sinh ra, sắc da và màu mắt không tàn phai, hình dáng của ngực, eo và cổ cũng không hề thay đổi.
Người khách rơi nước mắt vì niềm vui phát hiện ra thánh nữ. Anh nghĩ anh đã nhìn ra vẻ đẹp và phong thái của Oshin.
Vào mùa thu, người khách lên núi, không kịp đợi mùa săn bắn bắt đầu. Mọi người trong lữ điếm đã tập họp ở sân sau. Người đầu bếp ném gậy lên ngọn cây dẻ. Những hạt dẻ đã đổi màu mùa thu rơi xuống. Các cô gái lượm lên, tách vỏ.
- Tuyệt lắm. Hãy thử tách vỏ đi.
Người khách lấy khẩu súng từ túi da và nhắm vào ngọn cây. Trước khi tiếng vọng kịp trở về từ thung lũng, hạt dẻ đã rơi xuống đầy. Các nàng hoan hô vang dậy. Bầy chó săn của lữ điếm, nghe tiếng súng, nhảy chồm lên.
Người khách bất chợt nhìn về phía cây dẻ. Người con gái kia bước lại. Trên làn da mịn màng tuyệt đẹp, chìm khuất màu tái xanh.
- Con người xanh xao đó chắc hẳn đã nằm bệnh hơi lâu.
Anh cảm thấy thất vọng đau đớn với cái gọi là sắc tình. Vừa căm giận điều gì, anh liên tục bóp cò. Âm thanh đột nhiên xé tan mùa thu sơn cước. Và mưa hạt dẻ rơi rơi.
Lũ chó săn nhảy đến đám hạt dẻ. Như đùa cợt.
Cúi đầu xuống, chúng nhấn mạnh chân trước và sủa vang.
Hạt dẻ lăn đi nhẹ nhàng. Và đàn chó lại sủa vang.
Người con gái xanh xao nói:
- Này. Ngay khi ở dưới chân chàng khuyển, hạt dẻ cũng đau chứ nhỉ?
Những cô gái khác cười ầm lên. Người khách cảm thấy vẻ lồng lộng của trời thu. Lại một phát súng.
Một giọt mưa thu màu nâu và hạt dẻ rơi trên đầu Oshin. Hạt dẻ bay tán loạn. Những người con gái cười như tan biến hình hài, cất tiếng hoan hô ầm ĩ.
(HOÀNG LONG dịch)