“Tôi lên chín tuổi, chị hai mươi. Năm ấy, nắng dập duềnh cuối bãi. Mưa sụt sùi bên sông. Trắng trời cơn nước lũ. Tôi và chị, có thành hoàng làm chứng, tưởng không thể rời nhau. Làng xóm nghèo, thành hoàng không có nổi ngôi đền riêng, chơ vơ ngôi mộ đất...”.
“... Tôi đăm đắm nhìn làn da trắng mịn. Trắng là đẹp, tuổi lên chín bảo vậy và tôi se sẽ gật đầu. Chị ôm chầm tôi, rơi nước mắt: - Lớn lên em dám lấy chị không?...”.
“... Nó sinh xong, trời làm dữ, lũ ngang mái nhà. Mộ thành hoàng nước xoi một góc. Lúc đào lên chuyển ngài đi mới thấy trống hơ. Hèn chi... Không có thành hoàng kẻ ác không ai trị... Không thành hoàng người lương thiện chẳng ai đùm bọc... Sau cơn lũ, nó ẵm con đi biệt...”.
“Tôi đi dọc bờ sông. Căn chòi lá chị ở không còn tí dấu vết. Nhìn sang bên tê sông cũng thế. Làng không thành hoàng, tôi rùng mình...”.
“Gió. Gió thổi rát một triền sông”.
Nhà văn Lê Trâm (thứ 3, từ trái sang) cùng các văn nghệ sĩ Quảng Nam đi thực tế Tây Bắc.Ảnh: P.V.M |
Đó là những trích đoạn mở và kết trong truyện ngắn “Lai lịch một thành hoàng” của Lê Trâm. Văn phong đầy ắp cảm xúc hoài niệm, gợi nên không gian của một làng quê heo hút miền Trung: đẹp và buồn. Không gian đó hiện ra mờ ảo dưới “ánh trăng” của câu chữ nhưng có thể rất thực như chính nơi tác giả đang sống và viết, thực trong cả sự huyễn hoặc của niềm tin và nỗi kinh sợ của con người đối với những sức mạnh siêu nhiên, thần bí. Trong truyện này, Lê Trâm vẫn tuân thủ thi pháp kể chuyện truyền thống, nghĩa là có nhân vật trung tâm, có cốt truyện diễn ra trong một thời gian tuyến tính. Người đọc tinh ý sẽ nhận ra tính luận đề của tác phẩm thông qua số phận của nhân vật chính: Huệ Diêu, một “nàng Kiều” giữa cuộc sống đương đại, một mình oằn vai gánh lấy nhân quả cùng lời nguyền của thế gian đóng đinh lên dòng họ: “Lấy gái họ Hoàng nát tan nhà cửa”. Mô-típ này có vẻ hao hao như số phận dòng họ Buèndia trong “Trăm năm cô đơn” của G.G.Marquez. Cùng với đó, để lý giải phận đời nghiệt ngã của nàng Huệ Diêu, tác giả đã sử dụng thủ pháp “giả hoang đường” khá thành thục khi lồng ghép câu chuyện vào sự tồn tại vô hình của “Thành hoàng”, một vị “nhân thần” trong tín ngưỡng dân gian ở khắp các làng quê miền Trung.Thành hoàng vốn... tính khí thất thường, nhưng không có thành hoàng kẻ ác không ai trị, người lương thiện chẳng ai đùm bọc. Và“thành hoàng” đã trở thành “vỏ bọc an toàn”cho sự bừng ngộ về nhận thức và thái độ đối với hiện thực: “Tôi muốn tróc mộ ngài lên, dựng ngài dậy hỏi cho ra nhẽ”.
Mặt khác, từ sau cuộc “xâm lăng” ồ ạt của văn chương Mỹ la-tinh, văn xuôi Việt Nam dường như không còn ngại ngần với yếu tố “sex”. Lê Trâm mặc dù bản tính khá kín đáo nhưng cũng hồ hởi đón nhận và tỏ ra “khéo tay” khi cho thêm “gia vị sex” vào một số tình tiết ở mức “vừa khẩu vị”. Cậu bé “tôi” mới chín tuổi nhưng đã sớm có biểu hiện luyến ái giới tính. “Tôi” cứ ưa giụi đầu vào khuôn ngực chị Huệ Diêu và nhận ra “ngực chị vẫn thơm và ấm”. Cái “ẩn ức libido” đó sau này được tác giả... giải tỏa bằng những “thước phim” đậm sex trong một truyện ngắn khác có tựa đề là “Vĩ thanh một truyện ngắn”. Đây được xem như là phần hai của truyện “Lai lịch một thành hoàng” bởi trong một số bản in, hai truyện đã được gộp lại làm một. Tuy nhiên theo tôi, sự nối dài này có vẻ gượng gạo và làm nhàu nát chất thơ ban đầu của truyện.
Xuất hiện từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, một số truyện ngắn của Lê Trâm thời đó đã đánh dấu một gương mặt mới trong serie những cây bút văn xuôi trẻ nổi bật ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Bạn văn nhận diện ở anh chất trữ tình và sự tinh tế trong ngôn ngữ. Bên cạnh đó, trong một chừng mực, anh cũng tiếp nhận và thể nghiệm những xu hướng và thủ pháp mới của văn xuôi đương đại. Có kiểu tự sự - kịch tính trong “Ở ẩn”, có kiểu tự sự - trữ tình trong “Những người đo nước”, có cấu trúc phân mảnh và lắp ghép trong “Huyền thoại”... Tuy nhiên, chỉ đến “Lai lịch một thành hoàng”, ngòi bút Lê Trâm mới tạo được một sự khác biệt trên văn đàn truyện ngắn. Có thể coi đó là một điểm nhấn rõ nét nhất trong hành trình sáng tác của anh.
Bẵng đi vài năm, dường như để... nhìn ngắm thế gian tường tận hơn ở cự ly “cận cảnh”, Lê Trâm gần như chuyển hướng sáng tác cả về đề tài lẫn bút pháp. Ngoài một vài tác phẩm còn mang dấu ấn cũ với nhiều tình tiết và kịch tính như “Lên núi chăn dê”, “Kẻ hợm hĩnh”, phần lớn đối tượng sáng tác của anh trong giai đoạn này là con người ở thì hiện tại với những ám ảnh dằn vặt về quá khứ. Có nhân vật lặn lội đi tìm sự cứu rỗi cho tâm hồn như một kẻ mộng du (Dị bản chuyện người đi tìm sông Hằng), có người cần mẫn đi tìm lại những hoài niệm, những vết tích còn lại của những bi kịch cho dù họ chỉ là một... vai phụ (Thầy cũ, Tìm lại thời gian, Một giấc hồ điệp). Trong các truyện ngắn của Lê Trâm được in từ cuối những năm 90 trở đi, chất suy tưởng đã thay thế dần cho chất tự sự. Phải chăng vì thế mà trong nhiều truyện, để thuận tiện cho việc mô tả nội tâm, nhân vật “Tôi” thường tham gia trực tiếp vào văn bản. Có những trang văn khá dài chỉ gồm những đoạn mô tả đối tượng hoặc những câu độc thoại và để lại rất nhiều dấu hỏi (?). Chẳng hạn truyện “Lốc ngầm” có tới 87 dấu hỏi như thế. Có thể đây là một... bút pháp nhằm biểu đạt sự băn khoăn, bế tắc, sự không - hiểu - được của chính tác giả trước thực tại, hay là một cách đặt vấn đề để kích hoạt sự khám phá của người đọc. Có thể nói, ngôn ngữ và kết cấu truyện ngắn của Lê Trâm ở giai đoạn này đang có xu hướng tiếp cận với văn phong tiểu thuyết, thậm chí có một số truyện mang hương vị của tiểu thuyết tâm lý xã hội thời... Tự lực văn đoàn.
Những năm gần đây, không rõ một sự hưng phấn nào đã đến với Lê Trâm khiến anh bỗng dưng viết nhiều hơn và mới hơn. Riêng về mảng truyện ngắn, sau 3 tập Lai lịch một thành hoàng (1992), Tìm lại thời gian (1999), Một giấc hồ điệp (2007), anh chuẩn bị cho ra mắt tập “Phía gió biển không còn ai” (2016). Tập này tôi đã được xem khi còn là bản thảo. Điều làm tôi ngạc nhiên và rất thú vị là anh vẫn tỏ ra năng động và cấp tiến trong cuộc tìm tòi những phương pháp sáng tác mới. Mặc dù không phải tất cả, nhưng một vài truyện trong tập này đã có những dấu hiệu rất rõ nét của văn chương hậu hiện đại, thứ mà nhiều người cứ nghĩ chỉ thuộc về giới trẻ.“Truyện đốt theo sông” là một tác phẩm nổi bật nhất được viết theo xu hướng này, đọc truyện này người ta nhận ra ở tác giả một cảm thức mới về hiện thực. Hiện thực vốn hỗn độn. Các sự kiện xảy ra xung quanh ta không phải lúc nào cũng có quan hệ lẫn nhau và được sắp xếp một cách tuyến tính như trong các truyện kể truyền thống. “Truyện đốt theo sông” là sự lắp ghép gần như rời rạc từ bốn mẩu chuyện từng xảy ra từ quá khứ đến hiện tại bên một khúc sông quê. Người kể chỉ được định danh bằng nhân vật “hắn” ở mẩu chuyện cuối cùng. Có lúc “hắn” xưng “tôi” trong một nhóm gồm thêm ba người nữa nhưng đều được gán cho những cái tên không viết hoa là “gã điên thơ”, “thằng sát gái” và “gã men làm”. Dường như con người hiện tại chỉ là những cá thể mờ nhạt và bất lực trước hiện thực. Trong từng mẩu chuyện lại là những sự kiện, những số phận, những văn bản tư liệu, những liên tưởng chồng lấn, đồng hiện với nhau. Tất cả những điều trên hình như chỉ có một tương quan duy nhất là từng tồn tại, từng xảy ra bên một dòng sông mà nguồn gốc vốn không được chính danh. Ở đó có những ký ức không mấy êm đềm của tuổi thơ, có nỗi ám ảnh về con bò cái nước mắt ròng ròng, bốn chân bíu lấy đất không dám bước vào lò sát sinh. Ở đó có tiếng thét gào tuyệt vọng của cha con lão lái đò trong cơn đại hồng thủy, có giọng thơ rổn rảng “giải oan” cho cái chết của một khúc sông xưa:
“... thương nhớ chóng bồ bồ chỗ đợi/ đời người vuốt mặt đời sông…”
(Thơ Nguyễn Đức Dũng)
Và còn nhiều chất liệu khác nữa cùng chen chân trong một truyện ngắn đã làm nên tính phi kết cấu, phi trung tâm trong tác phẩm. Ngoài ra, về mặt ngôn ngữ, có thể nhận ra Lê Trâm đang cố thoát khỏi lối hành văn hiền lành, mềm mại cố hữu. Trong truyện này, có cảm giác tốc độ hành văn của anh “chảy” nhanh hơn, ít bị ngưng trệ bởi những phân tích, suy nghiệm vụn vặt thường thấy trong những truyện trước đây. Một điều đáng ngạc nhiên là tuy mới “hội nhập” vào “sân chơi” hậu hiện đại, nhưng tất cả những thủ pháp của anh đã khá liền mạch, ít bị lộ diện vết chắp vá vụng về như ở một số tác giả khác. Và sau hết, “Truyện đốt theo sông” đã có sức lôi cuốn và gợi mở đa chiều đối với người đọc, điều mà văn xuôi hiện đại dường như đã cạn nguồn năng lượng.
PHAN VĂN MINH