Điều ước đêm Giáng sinh

LA THỊ ÁNH HƯỜNG |

Vỹ run run chạm vào mảnh giấy từ tay Thùy, dòng chữ của con trai khiến mắt anh nhòe đi: “Con có một điều ước duy nhất trong đêm Giáng sinh này. Năm nay con lớn rồi, con biết mọi điều ước của con trước nay không phải do ông già Noel tặng mà chính là ba mẹ đã mua tặng cho con. Vậy nên điều ước Noel năm nay của con, chắc chắn ba mẹ sẽ thực hiện được…”.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Bên ngoài phòng hôn mê hồi sức, ở dãy ghế dành cho người nhà chờ bác sĩ gọi tên để thực hiện những công việc cần thiết bên ngoài, Vỹ thấy bàn chân chẳng thể đỡ nổi cơ thể mình nữa. Anh vịn vào thành ghế đưa mắt nhìn ra ngoài trời, gió đông quất mạnh tán lá dọc hành lang, thỉnh thoảng có tiếng rít khe khẽ từ va chạm nơi tán cây. Anh thấy khung cảnh trước mặt nhòa dần đi…

Đây không phải lần thứ nhất Vỹ rơi vào trạng thái đó. Lần đầu tiên khi đưa Thùy đi khám thai, bác sĩ gọi cả hai vợ chồng vào báo tin đứa bé có vấn đề ở tim và giải thích cặn kẽ bằng hình ảnh cùng ngôn từ chuyên môn mà khi ấy, Vỹ chỉ còn đọng lại âm thanh lùng bùng không rõ ràng. Vị bác sĩ cũng tận tâm trấn an, không sao cả, cha mẹ chỉ cần chú ý chút thôi, đứa trẻ lớn lên vẫn khỏe mạnh bình thường. Hôm ấy, hai vợ chồng về nhà, ăn gì cũng thấy nhạt nhẽo. Cả không gian sắc màu chung quanh tưởng chừng như vừa được gã họa sĩ thay vào thứ gam màu trầm buồn.

Rồi bức tranh ấy bừng sáng khi cu Bin ra đời. Trẻ nhỏ như thiên thần làm mềm lòng bất cứ tâm hồn chai sạn nào. Có con, cuộc đời Vỹ như mở sang trang sách mới. Trang sách của hừng hực tình yêu thương, sự chở che và niềm mong mỏi duy nhất: con trai luôn khỏe mạnh!

Công ty Vỹ đang làm có sự thay đổi lớn, giảm bớt chi nhánh trên toàn quốc, trong đó có trụ sở Vỹ đã gắn bó bao lâu nay. Ai muốn làm tiếp, công ty vẫn sắp xếp vị trí phù hợp nhưng phải điều chuyển đi tỉnh. Vỹ đồng ý. So với việc bắt đầu môi trường mới thì đi tỉnh vẫn tốt hơn. Vỹ vẫn đảm bảo thu nhập để lo cho gia đình. Thùy cũng đồng ý. Cô ấy luôn là người ủng hộ Vỹ trong công việc. Thùy nói cả hai vợ chồng còn trẻ, tranh thủ làm việc kiếm tiền để tích góp sau này. Thùy làm nhân viên hàng không. Cô ấy gửi cu Bin từ khi chưa đầy một tuổi. May sao gặp được cô giáo thương yêu Bin như con. Có những ngày Bin ngủ luôn lại nhà cô giáo vì mẹ đi làm về trễ. Chỉ ngày chủ nhật Bin mới gặp cả ba và mẹ.

Mỗi dịp lễ Giáng sinh, Vỹ dành kỳ nghỉ phép để về chơi với con. Vỹ thích mùa Giáng sinh, có lẽ từ truyền thống gia đình. Từ thời Vỹ nhỏ xíu, hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, nhưng mẹ Vỹ luôn nấu món ngon trong đêm Giáng sinh để gia đình quây quần trong tiết trời se lạnh. Đó là lúc tiếng chuông giáo đường đổ dồn mời gọi những con chiên ngoan đạo đến giáo đường. Sau bữa ăn thịnh soạn đó, cả nhà Vỹ mặc áo đẹp cùng đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Sau này trưởng thành rời khỏi nhà, những năm còn có mẹ, Vỹ vẫn giữ thói quen đó, về nhà trong đêm Giáng sinh.

Khi có con, Vỹ muốn mang lại mùa Giáng sinh trọn vẹn nhất cho con, từ những ký ức đầu đời. Trước kỳ lễ, Vỹ và Thùy thường kể cho Bin nghe những mẩu chuyện về ông già Noel. Ông sẽ phát quà cho những đứa trẻ ngoan, biết nghe lời ba mẹ, thầy cô. Bin rất thích nghe chuyện về ông già Noel vượt qua bão tuyết cùng đàn tuần lộc, leo lên ống khói để gửi món quà bí mật, là điều ước của những đứa trẻ. Bin thấy ông già Noel thật tuyệt vời. Mỗi năm, Bin đều háo hức xin ông già Noel một món quà. Khi thì chiếc xe tăng có rất nhiều bánh, năm khác Bin lại thích một bộ đồ giống siêu nhân…

Một sớm cuối tuần. Vỹ trở về nhà vào chiều muộn. Ở trạm xe, Vỹ thấy bóng người bước xuống xe hơi trước nhà hàng bên kia đường, rất giống Thùy. Giống lắm, cả bộ đồng phục hàng không quen thuộc. Chỉ có điều, cô ấy để cho người đàn ông bên cạnh choàng tay qua eo, cùng đi. Hôm ấy trời cũng lành lạnh, hình như gió đông về.

Vỹ ghé đón con về, tắm rửa, cho con ăn, dỗ cho con ngủ thì Thùy mới về đến. Cô nói vọng ra từ nhà tắm là hôm nay làm trễ nên hơi mệt. Vỹ hiểu sự khước từ của cô ấy nhưng anh có quan trọng gì. Vợ chồng ở với nhau cả đời, huống hồ gì Thùy đi làm về mệt. Công việc nào cũng đầy áp lực, Vỹ quá hiểu. Thị trường ngày càng cạnh tranh hơn, đòi hỏi con người phải nỗ lực hơn. Nói là tranh giành vì miếng ăn thì nghe có vẻ hèn quá, nhưng cũng không sai. Cơ hội như một miếng bánh ngon có rất nhiều người tranh phần. Để giữ vững được vị trí tốt của mình, phải đương đầu với rất nhiều thứ. Vậy nên khi về nhà, Vỹ muốn buông bỏ hết, ít ra ngoài những lúc áp lực, vẫn có khoảng thời gian bình yên để cân bằng. Vỹ cũng hiểu cho Thùy, anh gạt bỏ hình ảnh nhìn thấy lúc tối. Vì biết đâu chuyện chẳng có gì mà chính anh lại nhiễu mực lên bức tranh gia đình vốn đang hạnh phúc của mình.

Nhưng Thùy là mẫu phụ nữ hiện đại, từ lúc mới quen, Vỹ đã hiểu tính Thùy. Cô ấy luôn thẳng thắn và chân thành trong cảm xúc của mình. Cô ấy cũng không bao giờ giấu giếm hay dối gạt người bên cạnh mình - điều mà Vỹ đã yếu đuối ước, phải chi Thùy cứ im lặng đi thì có tốt hơn không, nhưng Thùy thú nhận với Vỹ trong một buổi tối cuối tuần. Thùy hẹn anh ra quán cà phê, như những lần gia đình đi ăn uống, cà phê cuối tuần. Giọng Thùy vừa đủ nghe: “Em xin lỗi, nhưng em không thể lừa dối anh thêm. Em đã có người khác. Tụi em quen nhau hơn hai năm nay rồi”. Vỹ choáng váng. Anh biết tại sao Thùy không nói chuyện này ở nhà, mà ở quán đông người. Anh nhìn quanh rồi lấy lại bình tĩnh bằng cách hít thở sâu. Vỹ hỏi Thùy: “Em muốn đến với người đó à?”. Thùy mân mê ống hút trên ly nước, mắt không nhìn thẳng Vỹ: “Em nghĩ rằng cuộc sống này rất ngắn và mỗi người đều nên đi theo lựa chọn mà bản thân thấy tốt nhất”. Vỹ nén tiếng thở dài: “Vậy còn con?”. Vẻ như Thùy đã tính chuyện này rất lâu rồi nên cô ấy không có bất cứ nao núng nào trước những câu hỏi của Vỹ: “Anh đi làm như vậy chắc là khó chăm Bin, cả em cũng vậy nên em tính gửi Bin về ngoại chờ Bin lớn hẳn rồi con sẽ có chọn lựa của mình thì tốt hơn”.

Vỹ thấy mình như một kẻ bại trận, đến cả một lời trách móc anh cũng không dám lên tiếng. Thật lâu sau anh mới bật lên câu hỏi khác: “Còn Noel năm nay thì sao? Hôm bữa cu Bin nói biết viết rồi nên sẽ viết thư xin quà ông già Noel đó”. Thùy hơi ớ ra, cô nhẩm tính xem còn bao lâu nữa mới đến Noel. Lâu rồi cô cũng quên mất cả ngày tháng.

Thùy quyết định gửi con về ngoại. Cô ấy suy nghĩ nhẹ nhàng rằng tuổi thơ của những đứa trẻ được sống dưới miền quê sông nước sẽ có tâm hồn giàu cảm xúc hơn, phát triển tự nhiên hơn, nên đây không hẳn là mất mát hay thiệt thòi gì với con cả. Ở thành phố cũng cả tuần Bin mới gặp đầy đủ ba mẹ đấy thôi. Thùy còn nói nếu Vỹ thấy thoải mái, cả hai vẫn có thể cùng về thăm con vào cuối tuần.

Nhưng ý định ấy chưa thực hiện được lần nào thì trong buổi sáng nắng hanh hao, có điện thoại từ quê ngoại Bin gọi lên, báo Vỹ đến bệnh viện gặp Bin vì Bin nói nhớ ba mẹ. Vỹ cuống cuồng bỏ việc chạy về với con. Khi đến nơi, Vỹ thấy Thùy vừa ở phòng bác sĩ ra, vẻ mặt thất thần. Vỹ nhớ bác sĩ từng dặn về bệnh của Bin từ lúc mới sinh, lẽ nào…

Thùy nói ngắn gọn với Vỹ rằng Bin đang trải qua một số xét nghiệm và theo dõi đặc biệt, hiện người nhà không thể vào thăm. Cô ấy chìa cho anh xem lá thư với nét chữ nguệch ngoạc của trẻ em: “Con có một điều ước duy nhất trong đêm Giáng sinh này. Năm nay con lớn rồi, con biết mọi điều ước của con trước nay không phải do ông già Noel tặng mà chính là ba mẹ đã mua tặng cho con. Vậy nên điều ước Noel năm nay của con, chắc chắn ba mẹ sẽ thực hiện được. Điều ước của con là con muốn sống trong căn nhà có cả ba và mẹ. Con hứa con sẽ ngoan và không đòi thêm bất cứ món quà nào nữa”.

Vỹ quay vào, thấy Thùy ngồi thất thần nơi ghế đá. Cô ấy thậm chí chẳng còn màng tới tín hiệu liên tục vang lên từ điện thoại trong chiếc túi xách đeo bên người.

Buổi tối, từ hành lang bệnh viện, Vỹ nhìn thấy có luồng ánh sáng đầy màu sắc phả lên từ hang đá dưới chân tháp chuông nhà thờ. Những ngày này, Bin hay đòi ba mẹ chở đi xem hang đá. Hòa vào những bước chân thảnh thơi của dòng người dưới tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Hình như Vỹ chưa từng nguyện cầu gì với Chúa vào ngày này. Vì khi ấy, Vỹ thấy mọi thứ đủ đầy.

Vỹ thành khẩn đọc kinh nguyện. Mong cho điều ước của Bin thành hiện thực. Mọi thứ sẽ trở lại như xưa, khi Bin tỉnh lại. Vỹ dứt lời kinh nguyện cầu thì tiếng chuông giáo đường ngân lên. Mẹ Vỹ từng nói rằng, hãy nguyện cầu vào đêm Giáng sinh, những ý nghĩ thiện lành sẽ sớm thành hiện thực. Từ nhỏ Vỹ đã tin điều đó.

Có tiếng loa phát ra gọi người nhà, Vỹ thấy Thùy đứng lên rất nhanh, tiến thẳng về phía phòng bác sĩ. Vỹ quay trở lại khu vực dành cho thân nhân, hồi hộp chờ thông tin từ Thùy. Thùy trở ra ngay sau đó với vẻ mặt giãn ra hơn. Bác sĩ cho biết tình hình Bin ổn rồi. Con trai sẽ sớm hồi phục và được đưa ra phòng bệnh nhân vào ngày mai. Khi ấy, ba mẹ cần ở với con nhiều hơn.

Thùy ngồi xuống cạnh Vỹ, cô nhìn anh, vẻ nghiêm túc như cái lần hẹn anh ra quán cà phê để thú nhận mọi chuyện, nhưng lần này giọng Thùy hơi có chút ấp úng: “Về lá thư của Bin… à, ý em là… em nghĩ là tuổi thơ của mỗi người thật ngắn, Bin nhà mình cần có một tuổi thơ thật trọn vẹn, thật đẹp bên ba và mẹ, anh nghĩ sao?”.

Trong khoảnh khắc ấy, Vỹ chạm phải ánh mắt của Thùy. Hình như giữa họ không cần quá nhiều lời nói để hiểu nhau. Và ánh mắt đó chính là lời hồi đáp cho nguyện cầu của Vỹ trong đêm Noel này.

Có tiếng chuông giáo đường thong thả ngân vang.