Nó bần thần dừng xe đạp. Nắng trưa đổ lửa xuống đường, còn dòng sông dưới kia nước chảy lững lờ. Gió nhè nhẹ thổi lên, lãng đãng mùi bùn ngai ngái, mùi hương bằng lăng dìu dịu.
Nó muốn ném chiếc xe đạp trên bờ, nhào xuống dòng nước mát tắm thỏa thuê một trận. Lâu lắm rồi không được tắm sông. Không phải tại má hay la. “Con gái 13 tuổi rồi mà còn ham tắm sông”, mà tại xấp vé số trên tay không cho nó nghỉ. Chân cứ đạp xe đi hoài, lội hết quán cà phê này tới quán nhậu kia, mỏi miệng mời khách mua vé số.

Sáu giờ sáng nó đã ra khỏi nhà, ghé xe mì của bà Hai đầu ngõ, mua một ổ mì xịt chút nước tương, vừa đạp xe vừa gặm. Ăn xong ổ mì là chạm quán hủ tiếu chú Mười, vô mời khách mua mở hàng tiện thể uống ké ly trà đá trong quán. Chú Tư Hô chạy xe lôi, sáng nào cũng mở hàng cho nó một vé, có khi rủng rỉnh tiền, chú mua liền ba, bốn vé. Bán vé số, sợ nhất là bị giật vé và bán ế phải “ôm vé”.
Trên đường về, gặp khách lạ ngoắc lại kêu mua vé, nó vọt thẳng. Ngu gì mà đứng lại. Lỡ bị kẻ xấu giật năm chục tấm vé, coi như cả nhà nhịn đói nguyên tháng. Hơn một năm đi bán vé số, nó bị “ôm vé” hai lần.
Lần đầu khi bán gần hết vé, chỉ còn chín tấm, nó thèm tắm sông quá, nhảy đại xuống tính nhúng đầu cho mát rồi lên, ai dè thích mê vùng vẫy cho đã, lên bờ thì sát giờ đài mở kết quả.
Hình như cũng còn mấy phút, nhưng nó chạy quýnh quíu chân tay mà chẳng ai mua cho. Lần thứ hai thì ế thiệt, trong tay còn năm tấm vé, trời xui đất rủi sao đó mà chạy cả tiếng đồng hồ không bán được.
Bây giờ nó lại muốn xuống sông tắm, dù trong tay còn hơn hai chục vé. Cả tháng nay nó có “quý nhơn phò trợ”, không ngán phải “ôm vé” nữa. Thằng “công tử Mập” hay thọt bi-da ở quán Bi Bo nhận bao hết vé ế cho nó. Thằng này tốt thiệt chớ. Chắc con nhà giàu nên mới có nhiều tiền vậy.
“Công tử Mập” là biệt danh nó đặt cho thằng đó. Mười ba tuổi mà nó to xác như thanh niên 17, chịu chơi gần cỡ công tử Bạc Liêu. Chiều bữa đó trời đổ mưa lớn. Nó nhào vô quán bi-da trú mưa.
Mưa ràn rạt, tối trời tối đất, găm chân nó ngồi chết trân một chỗ. Nó mon men đến bên bàn bi-da, chìa xấp vé ra mời, chỉ nhận những cái lắc đầu. Bỗng một tiếng sấm gầm dữ dội, kèm theo tia chớp lóa mắt. Nó ôm mặt, hét lên vì sợ. Nó rấm rứt khóc. Bữa nay xui tận mạng rồi.
“Ê! Sao khóc vậy?”. Một thằng vừa to, vừa mập mặc quần xanh, áo cộc tay trắng đứng chống nạnh hỏi sõng. Nó không thèm trả lời, quay mặt đi hướng khác. Nhìn chiếc túi da nhỏ nó đeo bên mình, thằng kia hỏi. “Chị bán vé số chớ gì? Sao tôi hỏi không thèm trả lời?”. Trời! Nó gọi mình bằng chị? “Có mua giùm không mà hỏi?”.
Nó ngượng ngùng vì chiếc áo chật chội dấp dính nước mưa, chiếc quần ngắn chó táp không tới, khi ánh mắt thằng mập cứ nhìn chằm chằm. “Còn bao nhiêu đưa hết đây!”. Nó quýnh lên, tưởng mình nghe nhầm. “Còn hai chục vé lận!”.
Thằng Mập móc trong túi quần ra hai tờ một trăm ngàn xanh lét, đưa cho nó, rồi ẩu tả nhét xấp vé số vô túi. “Dạ…! Cám ơn… anh Hai!” Thằng Mập trợn mắt: “Gì mà anh Hai? Tôi thứ ba, mới 13 tuổi thôi má”. Ủa! Vậy là bằng tuổi mình. Ăn gì mà lớn nhanh vậy ta? Thôi kệ! Ngày nào cũng cứu bồ như vầy, kêu tao bằng má cũng được.
Sau đó một tuần, nó lại bán ế. Hình như bữa nay dân chơi số hết tiền sao á, rất ít người mua. Mấy đồng nghiệp của nó cũng đang chạy như chó đạp lửa, gặp ai cũng nhào tới chìa xấp vé vô mặt người ta, nhận cái lắc đầu là nhào ra liền, chạy gấp qua chỗ khác. Nó đạp xe chạy tất tưởi, hy vọng tắt dần.
Má ơi! Còn hơn mười tấm nữa con biết làm sao đây? Chợt nó dạng hai chân chà xuống đất, ráng ghìm chiếc xe lại. Thằng Mập! Công tử mập của tôi. Không biết giờ này nó còn thọt bi-da nữa không? Hên, xui. Nó quay xe, rẽ vô con hẻm quán Bi Bo. Mập vẫn còn đó, nhưng bữa nay ngồi nghỉ mệt, mồ hôi đẫm lưng áo. Nó vừa trờ xe đạp tới, thấy thằng kia đưa tay ngoắt: “Ê! Nàng Lọ Lem!”. Ủa! Thằng Mập gọi ai? Nhìn quanh, nó chẳng thấy nàng Lọ Lem nào. “Gọi tôi hả?”. “Chớ gọi ai! Mấy bữa nay mua bán sao, có ế không?”.
Buổi sáng mà hỏi vậy là nghe chửi và bị đốt vía rồi đó. Nhưng giờ đang ế thiệt. “Đang ế nhệ nè. Mười lăm vé!”. “Đưa hết đây cho tui! Gì mà cười dữ vậy?”. “Cậu giống công tử Mập quá”. Thằng Mập cười: “Bà không đi học hả?”. “Học tới lớp sáu rồi nghỉ. Không có tiền!”. “Vậy ba má đâu?”.
Nó ngập ngừng. Người gì hỏi vô duyên. Định không trả lời, nhưng nể thằng mập mua giùm vé ế, nó kể một hơi: “Trước còn ba thì có tiền. Sau ba mất vì bị tai nạn lao động. Nhà còn bà nội già với thằng Út đang học lớp một, má biểu nghỉ học phụ kiếm tiền, không chết đói hết”.
Thằng Mập ngỡ ngàng trước câu chuyện của nó. Càng ngạc nhiên hơn khi biết má nó mỗi ngày đi bào vỏ mì chỉ được năm chục ngàn đồng. “Tui đi bán vé, phụ thêm với má chừng bốn chục nữa”. Thằng Mập tròn mắt.
Cả hai người làm một ngày chưa được một trăm nghìn đồng, ăn gì đây. Còn chưa bằng số tiền mỗi ngày má cho mình ăn sáng và xài vặt. “Từ nay, nếu cuối ngày bán không hết, còn bao nhiêu vé cứ đưa tui mua cho nghen!”. Thằng Mập hùng hồn tuyên bố. Nó lí nhí cám ơn.
Hàng ngày nó đi bán vé số với tâm trạng vô cùng thoải mái, không còn lo bị “ôm vé” nữa. Tự nhiên có thằng công tử con nhà giàu bao vé ế, mừng hết biết.
Không phải ngày nào nó cũng ế vé. Có bữa gặp hên vô nhằm đám giỗ, đám ma nó bán hết vèo từ trưa, còn đi sang lại vé của người khác. Nhưng cũng có ngày nó không bán được hết, dù nghĩ tới thằng Mập sẵn sàng chờ mình ở quán bi-da, nó vẫn ráng đạp xe mời mọc cho tới giáp chiều.
Nó không muốn lợi dụng lòng tốt của thằng Mập. Mỗi khi thấy nó rụt rè bước vô quán bi-da, thằng Mập tay cầm cơ, quay đầu lại cười: “Chào nàng Lọ Lem! Bữa nay ế hông?”.
Thường thì nó giơ mấy ngón tay lên ra hiệu. Ba ngón, năm ngón, có bữa chín ngón… Thằng Mập biết bữa đó còn bao nhiêu vé, vội vàng đếm tiền đưa cho nó, rồi nhét đại những tấm vé vô túi quần. Một lần thằng Mập mời uống nước mía, nó cự nự: “Tại sao kêu tôi là nàng Lọ Lem? Kỳ quá!”. “Trong truyện cổ tích, nàng Lọ Lem dễ thương lắm mà. Bà kêu tôi là công tử Mập, tôi phải kêu là nàng Lọ Lem cho xứng đôi chớ!”. Thằng Mập cười tít mắt.
Hôm ấy ba tấm vé thằng Mập mua, một tấm trúng giải cuối số 84, được một trăm ngàn đồng. Chiều hôm sau nó ghé quán bi-da, thằng Mập hỏi liền: “Còn ế mấy tấm?”. “Hết rồi! Nhưng hôm qua trúng một trăm ngàn đó. Đưa vé tôi đổi cho”.
Thằng Mập vỗ tay reo hò, rồi vò đầu: “Mấy tấm vé tui vụt đâu mất tiêu rồi!”. Nó ngẩn người, tiếc hùi hụi. Thằng Mập chiều ni nổi hứng mời nó ăn chè thập cẩm. Thằng Mập than cả nhà không ai ngó tới mình hết. Chị hai học đại học dưới thành phố. Ba đi làm công sở, má lo mấy mẫu cao su. Một mình muốn làm gì thì làm, học sao thì học.
*
* *
Chiều nay lại một cơn mưa dai dẳng lúc ba giờ. Xong cơn mưa, nó đếm trong túi còn mười tờ vé số. Mười tấm vé có hai số cuối 13, ai cũng chê xấu không mua. Nó đạp xe đi tìm thằng Mập. Lâu rồi công tử không tới quan Bi Bo nữa, mà tới câu lạc bộ tập bơi.
Thấy chiếc xe đạp điện màu bạc của thằng Mập đổ nghiêng trong bãi, nó dựng lên rồi nhìn vô bể bơi. Thằng Mập kia rồi, đang ngụp đầu, chân tay nhịp nhàng kiểu bơi ếch. “Ê! Công tử!”. Gọi tới lần thứ ba, thằng Mập mới ngừng bơi, nhìn lên. Thấy nó xòe cả hai bàn tay lên ra hiệu thì hiểu. “Lọ Lem! Tôi biết bơi rồi. Mười vé hả? Cứ giữ giùm luôn đi, mai lấy tiền được không?”.
Buổi tối, nó ngó qua kết quả xổ số, thấy số 13 ở cuối giải tư. Tò mò đem mấy tờ vé số thằng Mập gửi ra so, nó bàng hoàng khi thấy 5 con số 21813 trong mấy tờ vé y chang kết quả. Tim nó đập thình thịch, muốn hét lên mừng rỡ mà sợ má biết. Trời ơi! Ba chục triệu. Thằng Mập chưa hề biết vụ này.
Nó ôm xấp vé số lên giường, chong mắt cả đêm không ngủ. Có nên “yểm” số tiền này đi không? Ba chục triệu đưa má, rồi nhà nó sẽ hết khổ. Nhưng chắc chắn má nó sẽ căn vặn số tiền này ở đâu ra? Nếu biết nó lấy của người khác, còn bị củi khúc bửa lên đầu không chừng.
Nó tự nhủ sẽ có cách, rồi thiếp đi lúc gần sáng. Thằng Mập nửa tin, nửa ngờ: “Bà đừng chọc quê tui nhen. Mạng tui có bao giờ trúng số!”. Tới khi nó đưa thằng Mập tới đại lý vé số, công tử mới la hét mừng rỡ. Nó cũng mừng, bèo gì thằng Mập cũng cho nó năm trăm ngàn đồng. “Bữa nay nghỉ bán một buổi, đi với tui có chút việc nhen!”.
Nghỉ thì nghỉ, nó cũng đang vui vì lần đầu tiên trong đời bán vé số, có khách trúng giải bộn tiền. Hai đứa ngồi trên chiếc xe đạp điện của thằng Mập, cười nói rộn con đường dẫn vô công viên. Thằng Mập ngồi khoanh tròn trên cỏ, giở tập tiền ra đếm. “Nè nàng Lọ Lem.
Bà cầm hai triệu đi mua chiếc xe đạp mới. Xe cũ đem bán ve chai đi. Xe cộ gì thắng không có, cứ lao sầm sầm. Ớn!”. Thằng Mập lại đếm một xấp tiền nữa, bỏ vô túi: “Tám triệu đây, tôi mang về lấy khước, nhưng sẽ giấu không cho ba má biết. Để đó, khi nào bà bán vé ế, lại mua nữa”.
Nó lắc đầu thất vọng. Chẳng lẽ còn hai chục triệu dồng, thằng Mập tính đi du lịch. Biết mà. Công tử nhà giàu biết ăn chơi lắm. “Còn hai chục triệu, tôi tặng bà đó. Về đưa cho má làm vốn buôn bán hay nuôi heo, nuôi gà gì cũng được. Còn bà, đi học lại đi. Mới nghỉ có một năm, coi như ở lại lớp thôi mà! Tui cũng sẽ chăm chỉ học hành, bà hứa với tui không”. Nó bất ngờ đến ù tai, nghe tiếng gió vi vút...