Long lanh ký ức

BÍCH NGÂN 03/10/2021 07:37

1. Thùy thay quần áo, chải tóc. Nhìn vào gương, chị thấy một gương mặt thiếu ngủ. Thùy thoa một chút son môi. Điện thoại reo. Thùy thấy số điện thoại con gái. Nó nói: “Chiều nay mẹ khỏi nấu cơm, con mới lãnh lương, con đãi!”. Thùy nhìn đồng hồ. Đã một giờ. Chắc nó phải làm. Chỗ Thùy làm được nghỉ trưa thêm nửa giờ. Vẫn giữ chiếc di động trên tay, chị muốn gọi lại, nói với con một câu gì đó, nhưng trù trừ một lúc rồi thôi.

 

Ngoài đường, nắng vàng hực. Quãng đường con gái đi làm khá xa, cũng gần bằng quãng đường hằng ngày nó đi học. Bốn năm mẫu giáo, mười hai năm tiểu học, trung học và bốn năm đại học là một chặng đường dài. Và trong cuộc hành trình tương lai, biết đâu con gái Thùy lại tìm được cho mình một lối đi khác hơn mẹ. Điện thoại lại reo. Lần này không phải con gái gọi mà là cha của con gái chị. Anh hỏi số điện thoại của một người quen mà chị biết. Chị lật trong một quyển sổ tay đã vàng ố, tìm một lúc và đọc rõ từng số cho anh ghi. Anh chưa vội cúp máy, hỏi thêm: “Em và con vẫn bình thường?”. Thùy trả lời: “Vẫn vậy!”, rồi ngập ngừng, định cho anh biết sự kiện con gái lãnh tháng lương đầu, nhưng lại thôi. Thùy thở ra. Chị không ngờ lòng dạ mình có lúc hẹp hòi như vậy. Trời không gió. Nắng càng gắt. Tự dưng, Thùy thấy thèm một bãi cỏ xanh, một bóng cây… và cũng tự dưng, chị không muốn ra đường. Tuy vậy, chị vẫn nhìn mình trong gương, lấy thỏi chì kẻ một đường viền quanh mắt, rồi dùng cây cọ phớt nhẹ màu nâu lên vòm mắt. Đôi mắt tối hơn, sâu hơn. Và nơi đáy mắt chị, dường như long lanh những giọt ký ức.

Thùy quyết định ở nhà. Chị gọi cho người phụ trách nhân sự của công ty xin được nghỉ buổi chiều. Anh ta bảo nếu không có lý do chính đáng thì Thùy phải bị trừ lương. Lý do chính đáng quá đi chớ: hai mươi hai năm sinh con nuôi con và được thấy con vào đời bằng đôi chân của chính nó. Nhưng chẳng lẽ vì mấy chục nghìn đồng chị lại đi tiết lộ cho anh ta biết cái điều riêng tư của mẹ con chị.

2. Điều riêng tư ai mà chẳng có. Với mẹ con Thùy, có những niềm riêng trở thành những góc riêng, thật riêng. Như căn phòng nhỏ của con gái, có đến hai năm chị không bước chân vào. Không quy ước, không ổ khóa nào cả nhưng mỗi khi có ý định vào phòng con, ngay cả lúc nó có trong phòng, Thùy ngần ngại. Chị sợ mình lại không thắng được tính tò mò, ích kỷ thường có ở những bậc cha mẹ là muốn kiểm soát tất cả những gì thuộc về núm ruột của mình. Mà trong tâm hồn nhạy cảm, nhiều ước muốn của con gái chị, lại đang cất giữ quá nhiều điều: nhiều dự tính, kể cả những kế hoạch tương lai. Nhưng tất cả đang là những bản nháp nhiều gạch xóa, nhiều thay đổi, chưa có phương hướng rạch ròi, chưa có cái gì chắc chắn rõ ràng. Chỉ một điều rất rõ là con gái Thùy đang khuất phục trước một tình cảm mà chị thấy phập phồng. Chị sợ mình lặp lại hành động thiếu kiềm chế, dù Thùy vẫn biện minh đó là phản ứng bản năng của tình mẫu tử. Chị nhớ, môi con gái tím tái, run run: “Mẹ lầm rồi, anh ấy là người tốt nhất mà con được biết!”. “Tốt? Sao lại làm con mất ăn mất ngủ? Tốt mà làm con khổ?”. “Người làm con khổ là mẹ!”. Thùy nín bặt. Chị lùi lại, lùi lại thật xa. Xa đến mức chị gặp lại chính chị, một cô gái ương bướng, dễ bốc đồng, muốn làm cái gì là làm cho bằng được, bất chấp lời khuyên, bất chấp hậu quả nhãn tiền. Cuộc đời mỗi con người, số phận mỗi cuộc đời thường là chuỗi kết quả mà người đó gieo trồng, là do đôi tay tạo dựng hay phá vỡ. Vấp ngã của người đi trước thường để lại vũng lầy mù mịt cho người đi sau. Thùy cũng không thoát ra khỏi cái hệ lụy truyền kiếp đó. Sự ngộ nhận luôn rình rập hay chính chị hiện thân cho sự ngộ nhận! Ngay việc hệ trọng là chọn bạn đời, Thùy cũng hành động theo thói đồng bóng thời thượng là lấy người đàn ông có cái phong thái phớt đời và bộ ria giống hệt bộ ria của Rhett trong phim “Cuốn theo chiều gió” làm chồng mà không nhận ra mình không phải là Scarlet và ngay cả người đàn bà tài sắc mạnh mẽ như Scarlet cũng đã không giữ được người mình yêu.

3. Điện thoại lại reo. Con gái nói nhanh: “Năm giờ rưỡi chỗ quán ăn Soa Soa, con rủ anh ấy nữa, đừng tới trễ nghen mẹ!”. “Mẹ sẽ đến đúng giờ!”. Con gái không vội cúp máy. Thùy nghe tiếng cười của con. Nó nói thêm: “Con sợ mẹ lại đến trễ!”.

Con gái nhắc khiến Thùy nhớ những lần trễ đáng nhớ của mình. Lần đầu là lúc con bé học lớp ba. Trên đường đi đón con thì xe trục trặc, không nổ được máy. Thùy tấp vào chỗ sửa bên lề đường. Thấy Thùy lóng ngóng đứng ngồi, người sửa xe trấn an chị là chỉ 5 phút là xong. Nhưng 5 phút này lại đến 5 phút khác. Hỏng hóc này kéo theo hỏng hóc kia. Nhịp tim Thùy nhảy loạn xạ trong lồng ngực. Người người ngược xuôi tấp nập, chị căng mắt nhìn không thấy một người quen. Thùy thật sự hốt hoảng, không biết làm thế nào để đón con cho kịp. Gởi xe cho người sửa thì không dám. Lỡ mất lấy gì đưa đón con, lấy gì đi lại. Thùy chỉ còn biết đan chặt đôi tay vào nhau lầm rầm van vái Phật trời, trông mong vào lòng yêu thương con trẻ của cô bảo mẫu và người bảo vệ… Khi xe sửa xong, Thùy cho xe chạy với tốc độ mà chị chưa từng điều khiển bao giờ. Đến nơi, chị bùn rủn chân tay, tối tăm mày mặt khi thấy cánh cổng nặng nề đã khép… Thùy chỉ hoàn hồn khi được người bảo vệ cho biết cô bảo mẫu đã chở con gái chị về nhà. Lần thứ hai, Thùy lại trễ một cách… vô duyên. Đó là lần con gái vào bệnh viện mổ ruột thừa. Lúc đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để đưa con đến phòng mổ, thì Thùy phải đi vệ sinh. Có lẽ chính vì không kịp nắm tay mẹ mà con bé hồi sức rất chậm. Chiếc kim đồng hồ treo trên tường gõ tích… tắc… tích… tắc, nghe như từng vết dao chậm rãi cứa vào da thịt. Lần thứ ba, cách đây vài tháng, là lần con gái nhận bằng đại học. Sáng đó chị hết sức bồn chồn. Con gái bảo chị khoảng hơn 8 giờ hãy đến. Thùy tạt qua chỗ làm, gặp một khách hàng khó tính giữ chân chị lại, hết cầm món hàng này lên ngắm nghía lại tìm món khác săm soi, cho đến khi người khách chọn được hàng, Thùy vã mồ hôi. Chị lật đật chạy đến quầy bán hoa, chọn những bông hồng đẹp nhất, chờ gói bó hoa có cài chiếc nơ bướm thật ưng ý rồi chạy xe một mạch đến nhà hát Hòa Bình, nơi trường con gái chọn làm lễ trao bằng. Đến nơi, cánh cửa hội trường đã khép. Thùy chạy hết mấy tầng lầu, cuối cùng cũng tìm được cầu thang dẫn xuống hội trường. Thùy ôm hoa đứng nép vào trong một góc khuất ở gần hàng ghế cuối, đưa mắt tìm quanh vẫn không cách nào biết được con gái ở đâu trong một rừng áo mão xanh đồng phục của các cô cử cậu cử. Thùy gởi cho con một tin nhắn: “Con ngồi ở đâu?”. “Con ngồi hàng ghế thứ ba, dãy F. Mẹ nhìn cánh tay con đưa lên!”. Lúc nhìn thấy cánh tay trắng trẻo mảnh khảnh con đưa lên vẫy, cảm xúc dâng nghèn nghẹn, chị lập cập ấn lên phím chữ: “Mẹ yêu con! Mẹ hạnh phúc vì con!”. Thùy nhận được dòng chữ từ con: “Con cũng thương mẹ lắm!”. Chị đọc đi đọc lại dòng chữ của con, bỗng chốc thấy mình nhẹ tênh, phút chốc trút bỏ mọi vướng bận...

4. Nắng vẫn chói chang. Nắng tràn qua cửa chính, tràn vào cửa sổ. Nắng rọi vào đám lá cây trường sinh, cây nguyệt quế được trồng trong mấy chậu sành mà hai mẹ con thay nhau tưới nước mỗi ngày. Nắng trườn lên khắp thân thể cây mai bonsai đã khô quắt. Nhiều lần Thùy định đem cây mai bỏ vào xe rác nhưng không nỡ, rồi lần lữa. Lúc mua nó ở chợ hoa, chị nhớ người bán, con bé cũng trạc tuổi con gái chị, dặn: “Cô đều đặn tưới nước và vun phân, tết năm sau mai lại trổ bông”. Thùy làm theo lời chỉ dẫn, tưới nước mỗi sáng, đêm nào ngủ muộn chị còn tưới thêm một lần nước, thỉnh thoảng Thùy hoặc con gái mua một túi đất mùn bón vào gốc. Vài chiếc lá mới mọc, tơ nõn, rồi thẫm xanh, ngả vàng và héo úa. Những chiếc lá khác lại lập lại chu trình mong manh ấy. Cho đến cuối thu, khi cơn gió lành lạnh chợt đến, chợt đi cũng là lúc cành mai trụi lá. Tuy vậy, mỗi lần tưới nước cho trường sinh, cho nguyệt quế, Thùy không quên chăm chút cho cành mai. Chị không kỳ vọng vào sự hồi sinh mà chỉ muốn kéo dài thêm sự sống dù biết nó đã sống trọn vẹn một đời cây, dù ngắn ngủi nhưng cũng đã kịp xòe nở những bông hoa vàng mơ, đã gắng gỏi mọc ra những chồi lá.

Thùy rời chỗ cành mai chết, đến bên chiếc tủ quần áo tìm một bộ để mặc trong bữa ăn con gái khao. Có mấy bộ áo váy chị mua nhưng chưa hề mặc lần nào. Nó trở thành lỗi thời, thành vô dụng dù vẫn được mắc thẳng thớm trong tủ áo quần. Chị nhìn những bộ váy chưa được mặc lần nào, tần ngần. Nhiều cuộc đời vẫn thở vẫn ăn vẫn uống vẫn nói cười nhưng sự sống thì chìm khuất. Còn gì đáng sợ hơn là sự lãng quên, là không lưu giữ được hình ảnh nào đó vào ký ức. Chị đưa mắt nhìn cành mai, chợt ao ước cái khoảnh khắc nảy lộc ra hoa… Cuối cùng, chị lại chọn bộ quần tây áo sơ mi mình quen mặc. Thói quen luôn có sức mạnh khó cưỡng. Nhìn đồng hồ, hãy còn sớm. Thùy bật bếp ga, đặt ấm nước. Lúc lấy phin cà phê đặt vào ly, chị nhớ con gái hay càu nhàu: “Uống cà phê hoài mẹ không sợ bệnh tim sao?”, bất giác chị mỉm cười. Trước khi đến chỗ hẹn với con, chị cẩn thận sạc đầy pin lắp vào máy ảnh, mang theo.

5. Nắng vẫn đuổi theo sau. Thùy thấy lưng mình hâm hấp nóng. Chị tăng ga, cho xe chạy nhanh hơn. Đến ngã tư, một đoàn xe cưới đi ngược chiều với một đoàn xe đưa tang và khi đèn đỏ bật lên thì đoạn cuối của hai đoàn xe kẹt lại. Chừng vài giây sau, đoạn đường ùn ùn dồn lại. Thùy cho xe nhích lên thêm nửa cái bánh xe rồi dừng. Bên phải, bên trái, trước mặt, sau lưng không còn một khoảng trống để xê dịch. Cũng giống như 13 năm trước, lúc hư xe giữa đường, chị chỉ còn biết lầm thầm khấn vái Phật trời và cũng khác 13 năm trước, trong túi quần chị cồm cộm cái điện thoại di động. Điện thoại đang đổ chuông… Nắng tắt. Đèn đường nhấp nháy sáng. Khi xe cảnh sát giao thông hụ còi mở đường, cũng là lúc con gái chị bật khóc: “Sao mẹ chưa đến? Mẹ không thương tụi con…”. Mồ hôi đầm đìa, nước mắt lưng tròng, Thùy lập bập: “Mẹ lại trễ, mẹ… mẹ xin lỗi con!”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Long lanh ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO