Mắc kẹt giữa dòng

HUỲNH SA CHANG 21/06/2021 13:57

Tin nhắn tới lúc 3 giờ sáng. Anh đang ngồi tựa lưng vô gốc me bên ngoài tòa nhà số 7 La Bàn. Thinh lặng bao trùm, kiểu như tất cả nín thở chờ cơn cuồng phong lăm le nhào tới. Bạn dân quân mang ra một ly cà phê hòa tan nóng, bâng quơ sao anh không về nhà nghỉ ngơi, giờ này chưa có kết quả gì đâu. 

 

Cười qua ánh mắt và cảm ơn bằng cái gật đầu, anh uể oải đứng lên, tính uống hết cà phê cho tỉnh ngủ. Nhưng ý nghĩ chỉ vừa lướt qua lập tức bị chặn lại. Khoảng cách giữa hai người quá gần. Hiểu ý, bạn dân quân bối rối đáp lại cũng bằng nụ cười qua ánh mắt rồi rời đi. Anh khẽ rủa thầm: “Thời kỳ quái quỷ”.

Rời nhà từ 5 giờ sáng hôm qua, anh xốc ba lô nặng trịch máy quay cầm tay, máy ảnh, laptop, bộ pin sạc dự phòng phóng xoành xoạch tới bảy quận chỉ trong một ngày. Những tòa chung cư sáng láng, những dãy biệt thự của giới siêu giàu hay con hẻm ngoắt ngoéo lối đi, nhà hộp diêm lụp xụp, rách nát, hết thảy rốt cuộc đều như nhau, chằng chịt hàng rào sắt di động, băng rôn đỏ rực giăng kín chỉ dấu khu vực cấm. “Cách ly”, “Phong tỏa”, “ F”, “Âm tính”, “Dương tính”, từng ấy từ ngữ ngúc ngắc cửa miệng của đàn ông và đàn bà, người già lẫn trẻ nít. Gần hai năm từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trên đất nước anh, chưa lúc nào lại căng thẳng như mùa hè này. Tự tin đang dần mất đi vào đầu tháng Sáu, anh nghĩ hẳn sẽ sớm thôi, chính cái thằng người lì lợm mình cũng bị đánh gục. Tòa soạn đã tính tới phương án thuê một căn hộ làm nơi ngủ nghỉ, kèm trang bị mặt nạ phòng độc toàn thời gian tác nghiệp và quần áo bảo hộ cho nhóm phóng viên hiện trường, dữ liệu thực tế đang rơi rụng dần do tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh hoặc nhà nằm trong diện bị phong tỏa. Ai mà biết con vi rút quái quỷ SARS-CoV-2 đang ẩn thân chỗ nào, nó lây qua không khí thì có mà chạy đằng trời, nghĩa là mình không thể may mắn hoài, tổng biên tập kết luận.

Hàng tấn hóa chất đã được quân đội sử dụng phun khử khuẩn bên khu Cầu Vồng hôm qua. Sau màn sương khói mờ mịt, anh bắt gặp cậu bạn đồng nghiệp bơ phờ ngồi bệt dưới vệ đường, trò chuyện với một chú chó Phú Quốc vện cọp. Mấy mẫu độc thoại cậu tuôn ra khiến anh buồn rụng rời, “Ba tau vô bệnh viện dã chiến ngoài quê, nghe báo phổi ông đông đặc”, “Má tau sốt 40 độ“, “Mày biết đó, cái cảm giác đọc tin tức về nhà mình trên báo bạn nó cứ chua chát thế nào”. “Tau nghĩ mình phát bệnh tới nơi mất”, “Đường về nhà với ba má giờ sao quá xa”. Ánh mắt cậu khi thốt ra câu cuối cùng dội lên anh cảm giác bối rối. Nó trống rỗng. Sao cậu không khóc đi. Và, anh nữa, sao anh không khóc. Anh đã từng, và sẽ luôn ghen tị với những ai còn ba má, để được trở về. “Ba má sẽ quay lại sớm thôi”, anh day đi day lại lời hứa đó trong suốt hai mươi hai năm kể từ mùa đông năm 1999, hồi đó, anh mười một tuổi đã băn khoăn tự hỏi tại sao cái chết không tìm tới mình. Trên đồi cao, núp trong bao tời má khoét lỗ dưới đáy để chui qua đầu, thằng bé mười một tuổi nghệch mặt, miệng he hé, toàn thân lọt thỏm giữa những đôi tay to và rắn cố giữ không cho nó chạy ào xuống. Dưới dòng sông lũ không xa tầm mắt nó, chiếc ghe gỗ ba má đang ngồi chỉ tích tắc đã bị xoáy nước nuốt chửng.

Sống trong chung cư cách số 7 La Bàn chừng mười phút chạy xe, anh chỉ có một mình. Lo mắc Covid-19 thì ít mà lo gây hậu quả dây chuyền bởi cường độ di chuyển, tiếp xúc dày đặc của mình thì nhiều. “Chỉ một mình lo quái gì”, câu chữ tự an ủi hình thành trong đầu, nó đồng nghĩa rõ ràng anh đang sợ. Như thằng bé mười một tuổi đã sống và lớn lên dưới sức nặng ám thị mình là nguyên nhân gây ra mất mát, anh bây giờ cũng vậy, sợ sẽ là nguyên nhân dẫn tới bi kịch cho người khác. “Này cậu, tất cả bệnh nhân Covid-19, dù vì lý do gì, đều là nạn nhân, hiểu không?”, Thuận bóp chặt vai trấn an khi anh chia sẻ tâm trạng rối bời. Thuận là bác sĩ, cậu đang trực chiến 24/24 giờ tại phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử realtime PCR. Đã nửa năm nay cậu chưa ló mặt về nhà.

“Chắc mai thầy qua”, anh tháo hai lớp khẩu trang hít hà mùi cà phê thơm trong lúc kiểm tra tin nhắn. An không thường dùng câu phủ định, nó chỉ khẳng định trong hoang mang. An là thằng bé chín tuổi, người quắt queo, rảo bộ bán báo dọc theo các tiệm ăn, quán cà phê. Nó học lớp tình thương ngoài trụ sở khu phố, nơi anh tới vào mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật. Tiếp thu chậm, được cái An nhẫn nại, lại hay cười, thành ra bầu không khí không đến nỗi tệ lắm mỗi lần anh cố chỉ nó đánh vần hay tập viết. Hồi tháng trước, ba An được xác định là người nhiễm Covid-19 đầu tiên ở khu Biệt. Từ mã số bệnh nhân cùng lịch trình di chuyển công khai, không quá khó để người ta lùng ra tên tuổi, địa chỉ lẫn công việc anh đang làm. Hơn cả nỗi đau vì những cơn mê sảng, sốt lả dai dẳng và tắc nghẽn lồng ngực buộc bác sĩ đặt ECMO chỉ sau một tuần điều trị, người đàn ông bốn mươi tuổi trở thành nạn nhân của một cơn lên đồng miệt thị. Người ta chỉ biết ba An là tài xế xe ôm công nghệ, đã có triệu chứng sốt mấy ngày còn dung dăng dung dẻ rải vi rút khắp nơi. Họ đâu biết phía sau anh là ba đứa trẻ, người vợ phải chạy thận nhân tạo, cô con gái út mắc chứng tự kỷ. Tất cả lời mỉa mai, mạt sát anh, An nhận lãnh bởi nó khỏe nhất nhà, nó nghe ngóng được, và, nó quá nhạy cảm. Ngày nhà chức trách giăng dây phong tỏa khu Biệt, đưa mấy má con lên xe cứu thương hú còi inh ỏi đi cách ly tập trung, nó gọi cho anh: “Chắc con truyền vi rút qua ba. Cô Ban nói mấy đứa lang thang lắm vô là dính vi rút. Con đi miết, hả thầy?”. Anh biểu thằng nhỏ đừng nghĩ lung tung, ở trong đó nhớ nghe lời các cô chú hướng dẫn rồi sẽ mau được về nhà. “Còn ba con?”, “Ừ, thì ba cũng sẽ sớm về nhà, đừng lo”, anh không tin tưởng lời của chính anh cho lắm.

Chưa kịp nhắn lại An, màn hình điện thoại anh hiện tên Thuận. “Ba con số, chỗ La Bàn ấy, khỉ thật”. Cậu bạn vốn hiền queo thình lình chửi thề. Trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nhảy lên ba con số chỉ tại một tòa nhà, tình cảnh vượt mức tệ hại. Ngay lập tức anh hình dung đoàn xe cứu thương đang nối đuôi hướng ánh đèn về khu này, sẽ không còn phong tỏa tạm thời. Giấc ngủ, nếu có của cư dân số 7 La Bàn mấy giờ đồng hồ qua là quãng ngừng yên ả cuối trong lòng một đợt sóng ngầm.

Vài bạn bè anh đã bắt đầu ám ảnh quá mức khuyến cáo rửa tay bằng nước sát khuẩn, họ đổ ra và chà xát liên tục như thể làm thế sẽ không nhiễm bệnh. Một số quả quyết đang đau họng, nóng sốt dữ dội cần được xét nghiệm, cần được vào phòng cách ly áp lực âm ngay lập tức, bởi ở đó chắc an toàn. Nhiều người khác thấp thỏm mỗi khi nghe còi xe cứu thương, hồi hộp chờ tin kết quả xét nghiệm đến độ chẳng thể làm được gì kể cả nuốt trọn một chén cơm. Sợ hãi trùm lên toàn bộ suy nghĩ. Dẫu vậy, đó dường như chỉ là bất ổn tinh thần của một nhóm người không chịu gánh nặng quá mức của cơm áo, ngược hẳn ba An: “Chúng tôi chưa biết có chết vì bệnh không, chớ chết vì đói thì thấy gần xịt rồi chú”.

Lôi máy ảnh khỏi ba lô, anh bấm máy. Công việc quen tay lúc này khiến anh mỏi mệt từ bên trong chẳng liên quan gì tới thể chất. Anh đã chứng kiến bao lần nháo nhào tháo chạy trong đêm khi thông tin phong tỏa vừa công bố. Những cuộc tận vét cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Ùn ứ khắp các cửa ngõ ra vào thành phố, mùi người chua khẩm, tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt, quát tháo và chen lấn... Thụp xuống ngoài cổng khu cách ly, anh ôm ngực, nghe tim nhói lên từng chập. Anh em An đã trải qua ba đợt xét nghiệm cho kết quả âm tính, má nó thì ngược lại, chị chuyển đến bệnh viện năm ngày trước. Anh đã gửi mấy cuốn tập kẻ ô li, biểu An viết gì cũng được sẽ đỡ bứt rứt tay chân. Nó viết thật. Những lá thư gửi ba, kể chuyện ngày tháng sướng muốn chết, không lo nắng, không sợ mưa, có cơm ăn đủ ba bữa ngon lành. Nó rụt rè: “Thầy làm báo thì tới bệnh viện gặp ba con được chớ? Con viết thư, thầy đưa ba đọc nghe, biết tụi con mạnh chắc ba mừng rồi mau hết bệnh. Con xin chú bộ đội xịt thuốc vô vở rồi, chắc không có vi rút đâu”.

Anh biết chính anh, và nhiều người khác nữa đang mắc kẹt trong cái quá khứ của tương lai này. Cũng như anh vốn đã mắc kẹt lại quá khứ năm mười một tuổi, không chừng từ nay sẽ có thêm một đứa trẻ khác, nhỏ hơn anh ngày xưa. Một cuộc mắc kẹt kép. Nội vẫn hay vuốt tóc khẽ khàng, nói chuyện không phải lỗi của cháu, ba má muốn cứu nhiều người đang bị nước vây ở làng nên mới trở lại, đó là một việc tốt. Thằng bé từ chối tin điều đó, với nó, sống sót một mình là tội lỗi.

Vì lời hứa lúc 5 giờ sáng: “Ừ, sáng thầy qua”, anh tức tốc rời số 7 La Bàn ngay sau bản tin treo lên mạng nội bộ, ngược gió về phía An. Mở điện thoại tính gọi báo đang ngoài cổng, đã thấy thư con, thâm tâm nghĩ sẽ nhờ bác sĩ điều trị đặt dưới gối giường bệnh ba An nằm thì nhận thông báo mới nhất từ ngành y tế.

Trái tim ba An đã ngừng đập.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mắc kẹt giữa dòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO