Mộng Trang Chu

VU GIA 04/07/2021 06:34

Nghe tin ông Hoạch qua đời, tôi sững người một lúc và bỗng thấy mắt mình cay cay mà chẳng hiểu vì sao. Tôi với ông chẳng thân thiết gì. Khi vào nhận việc ở cơ quan thì ông nghỉ hưu từ lâu. Tôi chỉ biết mặt ông qua mấy lần họp mặt cơ quan và mấy lần đem quà tết của cơ quan đến biếu các vị lãnh đạo cũ. 

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Nghe nói con cái ông thành đạt lắm, nhưng khi vợ mất, ông lại vào chùa sống với mấy nhà sư. Những người lớn tuổi ở cơ quan tôi cho rằng suy nghĩ của ông như thế mà đúng và muốn học tập ông. Già rồi, con đi làm, cháu đi học, suốt ngày ôm cái ti vi, hoặc lang thang trên mạng chẳng thú vị gì. Vả lại, tính tình của tuổi già “khi nắng khi mưa” dễ làm phiền con cháu, lắm lúc vô tình lại “gieo tiếng ác” cho con cháu khi nó lớn tiếng với mình, dẫu những lời mình nói chẳng sai.

Con cháu có phước phần của con cháu, không thể xen vào được. Lấy cái hiểu biết cũ xì của người già “lên lớp” với tuổi trẻ chưa hẳn đã đúng. Khoảng cách hai thế hệ bây giờ rộng lắm. Vào nhà dưỡng lão thì sợ người ta trách con mình bất hiếu, rằng thấy cha mẹ già đẩy vào nhà dưỡng lão, không chăm sóc, ngó ngàng gì. Tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con” của người Việt mình chưa thay đổi được.

Vào chùa “oách” hơn. Ai hỏi, thì con cái mạnh miệng trả lời rằng cha tôi về già muốn vào chùa vui với lời kinh tiếng kệ. Từ xưa, dân gian thường nói: “Trẻ tu nhà, già tu chùa”, nên tuổi già vào chùa sống, ai nghe, ai biết cũng vui, chẳng ai trách con cháu mình. Con cháu lúc nào rảnh thì vào chùa lễ Phật, thăm cha, thăm ông. Những ngày giỗ chạp tới đón cha về vài hôm gặp gỡ bà con, con cháu. Và những lúc ấy, thường tràn ngập niềm vui. Nếu không tìm thấy niềm vui, thì đón chiếc taxi, trở lại chùa, chẳng phiền ai. Con cháu đến chùa cúng dường Tam bảo ít nhiều hiện kim, hoặc mươi cân gạo, vài ký đường,… cũng là góp phần tạo phúc cho chúng, ít ra cũng hướng chúng biết làm chút việc thiện, biết mở lòng ra với mọi người.

Nghe những người lớn tuổi ở cơ quan nói việc vào chùa của ông, tôi cũng thấy hay hay và nghĩ mấy chục năm nữa, có khi cũng nên học tập ông. Tuần rồi, tôi vâng lệnh thủ trưởng cơ quan, đánh xe lên chùa Long Giáng, đưa ông về quê dự đám tang. Xe đi một đoạn đường, tôi gợi chuyện những người như ông vào chùa, gọi là bán thế xuất gia, sao ông không mặc áo nâu sồng, không xuống tóc? Ông cười, nói quen với thầy trụ trì mấy chục năm và cũng làm một số phật sự, nên khi đặt vấn đề vào chùa sống quãng đời còn lại, thầy trụ trì hoan hỉ. Chiếc áo không làm nên thầy tu, vả lại, ông cũng thấy mình chưa đủ duyên để trở thành thầy tu, nên chỉ mong ngày ngày được “Vẳng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng” như cụ Chu Mạnh Trinh là tốt lắm rồi.

Khi ông bước xuống xe, mọi người dự tang lễ đều ra đón ông. Ông ôm chầm từng người, luôn miệng nói cám ơn, rồi được người nhà đưa vào viếng tang. Tôi đỗ xe, theo chân ông. Nhìn di ảnh, tôi không biết người phụ nữ ấy là gì của ông, mà ông lại xúc động như thế. Thấy có chuông mõ trên bàn thờ Phật, ông sử dụng chuông mõ tụng cho người quá cố thời kinh. Tôi lặng lẽ bước ra, và biết thêm về ông, biết thêm mối tình của ông với người phụ nữ đang nằm trong áo quan ấy, qua những lời kể của một số người có mặt đang tiếp tôi.

Thời ấy, ông là người có học nhất trong làng và là “cán bộ cao cấp nhất” từ xưa tới nay của làng có được. Mấy mươi năm qua, con cháu trong làng luôn lấy ông làm tấm gương để soi sáng tâm hồn mình. Người trong làng có việc gì cần đều được ông tận tình giúp đỡ trong khả năng cho phép. Con cháu trong làng, nay có được học hàm, học vị hầu như đều có sự tư vấn của ông, đỡ phải mày mò “tìm đường”, hoặc theo ý thích ngông nghênh của tuổi mới lớn. Ngay cả hai đứa con của người phụ nữ đang nằm trong kia cũng được ông tư vấn học nghề rồi ông giúp xin việc làm ở thị xã, nay có nhà có cửa, cuộc sống khá ổn định. Nói chung, cả làng đều biết ơn ông.

Sau ngày hòa bình lập lại, qua sự sắp xếp của gia đình, ông cưới cô gái trong làng. Theo người trong làng, ngày đó cô Thắm tuy làm nông, chạy chợ nhưng “da thịt trắng như bông bưởi”, duyên dáng nhất vùng. Và cô gái tên Thắm ấy là người mà ông đang tay chuông, tay mõ cầu siêu trong kia.

Người trong làng đều tiếc cho cuộc tình không trọn vẹn của hai người. Tuổi trẻ, ông hăng say công tác, vài ba tháng mới đáo về nhà vài hôm rồi lại đi. Vợ làm nông, chữ nghĩa không có, ra thủ đô biết làm gì để sống, nên ai cũng thương cho ông một cảnh hai quê, chứ chẳng ai trách ông.

Bỗng một hôm, người trong làng phát hiện bụng cô Thắm có khác mà mấy tháng qua ông Hoạch chưa một lần về thăm nhà. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường, cuối cùng cô Thắm phải thú thật với bố mẹ chồng là đã có con với người khác.

Tin ấy chẳng khác nào tiếng sấm giữa trời quang. Người trong làng không ai chấp nhận chuyện ấy, kể cả gia đình cô gái. Và qua chuyện này, không ai không kính phục ông, khen ông là người có chữ nghĩa nên biết khoan dung độ lượng, trong bụng có thể chống thuyền. Chẳng là khi sự việc đổ bể, chính quyền thôn cho người ra Hà Nội mời ông về giải quyết việc nhà. Tối đó, hội trường thôn đầy ắp người. Sau những thủ tục cần thiết, cô Thắm và anh Kha - người đưa đò ngang ở xóm dưới thừa nhận cái bào thai trong bụng cô Thắm là của mình, nên có mặt, đứng trước bà con trong làng. Cô Thắm khóc một lúc rồi thừa nhận cái sai của mình, nhưng cô nói rằng, cô chỉ đòi hỏi quyền làm vợ làm mẹ, chứ không đòi hỏi quyền lợi gì to lớn mà chính quyền cách mạng mang lại cho phụ nữ như các dì, các chị phụ nữ cấp trên về làng tuyên truyền. Cô cần người chồng bên cạnh, ngày ngày gánh giúp gánh hàng xáo của cô ra chợ, đêm đêm cần hơi ấm vỗ về giấc ngủ, chứ không cần người có chữ nghĩa thấm ra da, thỉnh thoảng mới về nhà, nằm chưa ấm lưng đã vội vã ra đi. Cô chấp nhận mọi hình phạt của chính quyền, của hai bên gia đình, của ông Hoạch, nhưng đứa trẻ trong bụng cô không có tội, nên chờ khi đứa trẻ ra đời, cô giao cho bố nó nuôi rồi xử bắn cô cũng được.

Nói xong, cô móc ra gói giấy đặt lên bàn chủ tọa, xin lỗi hai bên gia đình, xin lỗi ông Hoạch, và cho cô được gửi lại tiền, vàng sính lễ.

Dưới hội trường có người òa khóc, có người nhiếc móc cô. Ông Hoạch đứng lên, giơ tay xin phát biểu. Đại diện chính quyền thôn ổn định trật tự, mời ông Hoạch phát biểu. Ông cám ơn và xin lỗi mọi người, vì chuyện của ông đã làm bà con mất thì giờ. Ông xin lỗi hai bên gia đình và cô Thắm, vì ông không làm tròn trách nhiệm người chồng. Ông đi lên, cần lấy gói tiền sính lễ đặt vào tay cô Thắm và quay xuống thưa với bố mẹ hãy để số tiền này cho cô Thắm làm vốn sinh sống. Dẫu biết đồng tiền nối liền khúc ruột, nhưng ông nay là cán bộ nhà nước, hằng tháng có lương, có tem phiếu; nếu muốn lập gia đình thì có tổ chức lo chu đáo. Bố mẹ một lần cưới vợ cho ông, thế là đủ rồi, và xin mọi người hãy cảm thông đừng ghét bỏ cô Thắm, xin bố mẹ xem cô Thắm như con trong nhà, giúp đỡ được gì cho cô Thắm thì giúp đỡ. Ông lần nữa xin lỗi cô Thắm, cầm tay anh Kha và cô Thắm đặt lên nhau, dặn dò anh Kha hãy thương yêu cô Thắm như đã từng thương yêu. Ông thừa nhận không thể làm được người chồng như anh Kha dù ông bỏ công tác về sống với vợ như bao đàn ông trong làng.

Sự việc đã qua rất lâu, nhưng cách xử sự chuẩn không cần chỉnh của ông làm cho bà con trong làng thường kể như mẩu chuyện dân gian hấp dẫn.

Trên đường về, ông dặn tôi thích ăn món gì thì ghé vào quán, còn không thì đến nơi nào có quán nước thoáng đãng, ghé vào nghỉ một chốc hãy đi tiếp.

Trong quán nước, tôi khoe có đọc văn ông và thích truyện ngắn “Gói xôi mặn” của ông. Ông cười, hỏi tôi biết sau thời kinh, ông đốt gì trước di ảnh bà Thắm không? Tôi đoán và trả lời đạo Phật có phái Mật tông hay dùng pháp thuật, niệm kinh chú,… Ông cắt đứt lời tôi, cho biết những tờ giấy mà ông đốt trước di ảnh của bà Thắm chẳng phải bùa chú gì mà là bản thảo viết tay truyện ngắn “Gói xôi mặn” được ông giữ gìn mấy chục năm qua.

- Thế, hai cụ vẫn còn yêu nhau? - Tôi ngạc nhiên.

Ông cụ cười nhẹ, trả lời không biết bằng giọng buồn buồn. Nhưng trong truyện ấy, ông kể mỗi lần vào cơ quan, bảo vệ trao cho ông gói quà của một người phụ nữ gửi, mở ra thấy gói xôi mặn, ông biết cô ấy đang có mặt ở Hà Nội. Và sau nhiều năm, bước chân ông đã đặt đến mọi miền đất nước, từ Tây Bắc tới Tây Nam Bộ, ăn rất nhiều xôi mặn ở các vùng miền, song không ở đâu có món xôi mặn ngon như món xôi mặn bà Thắm nấu cho ông ăn từ ngày đầu gặp gỡ. Biết ông thích, nên lúc nào về nhà, ông cũng được bà nấu cho ông món xôi mặn ấy. Truyện chỉ như thế, nhưng qua đám tang này, tôi mới biết xôi mặn khắp nơi không ngon đối với ông, vì thiếu cái tình.

Lên xe, đi một đoạn, ông nói tuổi tôi còn trẻ, con đường phía trước còn dài, hãy sống đúng bản tâm của mình để sau này khỏi phải áy náy, rồi ông ngâm mấy câu Kiều: “Khúc đâu đầm ấm dương hòa/ Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh/ Khúc đâu êm ái xuân tình/ Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên”. Không hiểu sao, tôi lại nhớ và đọc: “Giấc Nam Kha khéo bất bình/ Bừng con mắt dậy thấy mình tay không” (Cung oán ngâm khúc), vô tình mà giống như muốn hòa cùng nỗi lòng của ông. Và cũng không biết vì ý nghĩa của câu thơ, hay giọng đọc của tôi đã phá mạch suy nghĩ của ông làm ông giật mình, ngồi thẳng lưng, nói:

- Cụ Ôn Như Hầu thánh thật! Tuổi trẻ các cậu bây giờ nhạy hơn thời tuổi trẻ của bọn mình nhiều lắm.

Nói xong, ông hé nụ cười, ngả người ra ghế, rồi lim dim đôi mắt.

Qua kính chiếu hậu, tôi không biết ông ngủ hay thả hồn theo mộng Trang Chu. Nhưng bây giờ, chắc chắn là ông ngủ thật rồi. Tôi cầu mong “Khúc đâu êm ái xuân tình” luôn vây quanh ông, vỗ về giấc ngủ của ông.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mộng Trang Chu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO