Pháp sư

PHÙNG PHƯƠNG QUÝ 16/05/2021 04:42

Bãi đá nằm ngổn ngang như bầy voi tranh nhau lội xuống biển. Ông Đội và thằng Sóng ngồi trên mỏm đá cao nhất, mắt dõi ra xa. Sóng biển giận dữ chồm lên muốn cuốn phăng bãi đá. Hình như hòn đá chao đảo muốn chìm, nhưng đó chỉ là ảo giác. “Thuốc nì ông!”. 

 

Thằng Sóng đã cuốn một điếu thuốc rê từ lúc nào. Gió biển tấp vô mặt rát rạt, ông Đội chỉ tay xuống phía dưới mỏm đá, ra hiệu cho thằng Sóng. Nó nhảy phắt xuống, núp sau khe đá, bật hộp quẹt. Điếu thuốc lập lòe ngay trước mũi ông già, làn khói trắng đục vừa nhả ra liền bị giật phăng, ném về phía bãi cát lổn nhổn thuyền thúng và những tấm lưới phơi la liệt.

Bốn con mắt cùng nheo nheo nhìn ra biển. Hoàng hôn nhuộm hồng chân mây. Sóng biển vẫn chồm lên đá. “Có tàu về rồi ông tề!”. “Mô?”. “Con nhìn thấy hai mắt hắn chớp chớp”. Ông già dụi mắt, hướng về phía tay thằng nhỏ. Ờ! Có một con tàu đang về bến. Sóng dữ quá, chỉ thấy mũi tàu nhấp nhô, lúc hụp xuống, khi trồi lên. Hai con mắt phía trước, khoang đỏ, khoang trắng dữ tợn. “Lạy trời có ba con trên tàu đó!”. “Ờ!”. Ông Đội buồn bã liếc nhìn vẻ mặt lo lắng của thằng nhỏ mười lăm tuổi. Khuôn mặt giống đúc ba nó, một ngư dân bốn mươi bảy tuổi. Sóng đứng hẳn lên mỏm đá, hai tay khoanh trên vầng ngực nở. Cái giò kia đã trổ dài, có bắp. Hai năm nữa là thằng Sóng cũng sẽ đi biển.

Đôi mắt giao long trên mũi tàu hiện lên rõ dần, đã nhìn thấy màu sơn đỏ vàng bên ngoài tròng mắt trắng, con ngươi đen săm soi nhìn xuống đáy biển, tìm tòi. Con tàu nhỏ ướt sũng lao vô bến. Tàu số QN 704 của nhà Hiền - Thu. Một đám đàn bà chầu chực ở đâu bỗng hiện ra, lao xao tiếng gọi. Thằng Sóng cũng bỏ ông già trơ trọi trên mỏm đá, chạy về phía chiếc tàu.

“Không thấy ba con mô hết!”. Thằng Sóng quay lại, thở dài đánh sượt.

Tháng trước, tàu cá nhà Hậu đang đêm gặp bão. Ba thằng Sóng cùng chín người khác ở trên tàu đó. Dù con tàu có đôi mắt giao long trắng dã chiếu tia nhìn dữ dội vào lòng biển, bọn thủy quái cũng không sợ. Chúng lùa từng đợt sóng cao bằng mái nhà, úp xuống tàu. Anh Biển trong lúc cố giữ đống lưới trên sàn tàu, bị sóng cuốn phăng. Đến sáng, cả tàu mới phát hiện ra mất người. Họ hy vọng với tài bơi lội, anh Biển sẽ dạt vào Hòn Che, chờ cứu hộ. Tài công được lệnh thẳng tới Hòn Che, nhưng chạy hết hai vòng quanh hòn đảo nhỏ mà không thấy bóng người.

Ông Đội và thằng Sóng đi về làng, liêu xiêu bước chân. “Má con khóc cả tháng ni, hết nước mắt rồi. Ông đừng đi thành phố nữa, hãy làm cho ba con cái mộ gió”. “Mi không chờ nữa hả?”. “Ai giỏi cách chi mà bơi trên biển cả tháng”.

Ở làng Chài, người dân tôn kính gọi ông Đội là pháp sư, cái nghề gia truyền từ hơn sáu chục năm nay. Cha ông, một người giỏi chữ Nho, thông thạo về nhân tướng. Khi dùng đất sét đắp hình nhân người chết biển, có thể khắc họa rõ sắc mặt, phong cách, tướng mạo, để người thân của họ mới nhìn vô là nhận ra chồng, con của mình. Ông Đội được cha hướng dẫn tỉ mỉ về nghề, từ việc đắp hình nhân đến các thủ tục cúng lễ. Mấy chục cái mộ gió được làm từ đó đến nay, ông đã thành thạo đến mức nhắm mắt cũng tưởng tượng ra từng chi tiết.

Tất cả người chết biển ở làng chài được ông Đội làm mộ gió đều có tên trong cuốn sổ cũ giấy ố vàng. Họ tên, tuổi, ngày mất tích, ngày làm mộ, được ông ghi chép cẩn thận. Thường dân làng lấy ngày người thân đi biển cuối cùng làm ngày giỗ. Bốn mươi hai năm, tổng số có sáu mươi chín người chết biển, sáu mươi bảy đàn ông, trai tráng trong làng và hai người khách theo tàu đi nghiên cứu hải sản. Gia đình hai người khách ấy cũng tìm tới làng Chài, nhờ ông đắp hình cốt rồi liệm trong quan tài, mang về quê mai táng ở một tỉnh ven biển miền Bắc. Ngoài ấy không có tục làm mộ gió.

Đúng sáu năm bảy tháng, làng không có người chết biển. Hình như dân làng không quan tâm tới chuyện này, nhưng pháp sư thầm mừng trong lòng. Ông muốn những trai tráng ra khơi đều trở về bờ. Cũng có nhiều biến cố đến với làng Chài, bấp bênh sống chết, khi một chiếc thuyền bị tàu nước ngoài đâm vỡ, thuyền viên bị chúng bắt đi, tài sản bị cướp phá tan hoang. Tuy vậy, chỉ khốn đốn một thời gian rồi cũng ổn định, người được chuộc về, tàu được đóng mới, lưới được sắm thêm, nhưng không có ai chết. Có hai lần ngư dân trong làng gặp bão lớn, mười hai mạng người bị rơi xuống biển, lênh đênh đói khát mấy ngày trời, nhưng rồi ông trời thương, có tàu đi qua cứu vớt. Ông Đội nghĩ nghề pháp sư của mình có thể bỏ được rồi. Ông sắp thoát khỏi ám ảnh bàn tay phải ve vuốt những tấm thân trai lực lưỡng bằng đất sét, tai không còn nghe tiếng kêu khóc của phụ nữ, con nít. Mới hai năm nay, khi bà vợ qua đời, ông sống đơn độc trong căn nhà cuối làng, giáp bờ biển. Cô gái út năn nỉ cha ra thành phố ở với mình, ông chần chừ chưa đi. Đầu tháng nghe tin cháu ngoại bị té xe, gãy xương chân, ông quyết định lên ở với con gái một thời gian. Vé xe đã đặt rồi, ngày mốt ông lên đường, nhưng má con thằng Sóng cầu xin ông chờ tin tức của anh Biển.

Thằng Sóng chạy chiếc xe máy cà tàng tới rước ông. “Má con làm gà xong rồi ông ơi”. “Ờ! Chờ chút ông lấy bộ đồ dài”. Đi ngang quán mụ Bền, ông bảo thằng Sóng dừng lại, mua thêm mớ vàng mã, trầu, rượu. Nhà nó nghèo quá, không thì nấu thêm nồi chè và cái đầu heo cũng tốt.

Tấm chiếu ny lon bạc màu, quăn queo bốn góc được trải trên cát. Pháp sư mặc áo dài. Chiếc áo màu cam cũ có vài lỗ bọ gián cắn li ti. Nghi lễ cúng lên cốt được bắt đầu. Mặt pháp sư hướng về phía núi, hai tay cầm ba cây nhang giơ lên cao. Hai ngọn đèn cầy lắt lay theo gió biển. “Trời đất, thần biển cả hãy cho phép tôi được “lên cốt” cho ngư dân Lê Văn Biển. Hãy linh thiêng chỉ lối đưa đường cho hồn về nhập cốt” - ông Đội lầm rầm khấn vái. Thằng Sóng đứng chờ với cây cuốc và chiếc vỏ thùng sơn, hai mắt đỏ hoe. Pháp sư khoát tay ra hiệu cho nó đi theo ông, tiến thẳng về phía chân núi. Hố đất sét rộng bằng miệng chiếc thuyền thúng, sâu ngang đầu gối, đã lâu không bị đào bới, thành hố được nước mưa bào mòn, nhẵn thin. “Lấy hai phần ba thùng đất sét!” - Pháp sư ra lệnh. Thằng Sóng treo thùng đất lên cán cuốc, đặt lên vai, cõng về.

“Trong khi ông cúng Bà mụ, mi đi mượn một thằng bạn về đây, hỉ!”. Chiếc xe máy cà tàng gằn lên từng chặp phành phạch, khói phun mù mịt, cay con mắt. Bày xôi, chè, nước trắng lên tàu lá chuối trước đống đất sét, pháp sư cầu xin mười hai Bà mụ về chứng giám việc làm cốt cho người chết. Pháp sư lại khấn các bà mụ hãy nhập đủ ba hồn, bảy vía vào thân xác mới của Lê Văn Biển, để hồn phách biết đường về mộ, phù hộ cho vợ con bình an, no ấm.

Nặn cốt là việc buồn tẻ nhất của nghề pháp sư, vì không ai được tới gần. Pháp sư chỉ còn chú tâm vào đống đất sét giã nhuyễn và những trạng thái tâm lý khác nhau khi nghĩ về người chết. Như giờ đây ông ngồi lụi cụi một mình dưới tấm bạt che, cố hình dung thật kỹ gương mặt của ba thằng Sóng. Ông đã bắt được cái thần của người chết. Nắng chiếu xiên khoai, rọi trên màu áo đỏ. Mồ hôi hầm hập chảy, ông ngất ngư như người lên đồng. Anh Biển tính nóng nảy, đôi chân mày đen rậm, có tật hay nheo mắt và nụ cười nhếch mép khinh mạn. Con người này “miệng xà, tâm phật”, tuy dễ nóng giận nhưng thảo tính, vợ con muốn gì là chiều, bạn nghề thiếu gì là giúp, vậy nên cặp chân mày nhìn dữ dội nhưng khuôn mặt chữ điền lại hiền khô. Anh Biển hiện lên trong tâm trí ông, sừng sững bên chiếc thuyền thúng đang được khiêng vô bờ, bắp thịt nổi cuồn cuộn dưới đòn khiêng. Rồi đôi mắt xếch, cái miệng cười nhếch khinh khỉnh khi Biển nói chuyện với thằng đầu nậu cá ép giá ngư phủ, bàn tay to bè đã nắm chặt lại thành nắm đấm rồi lại mở ra. Tướng mạo người chết hiện dần dưới bàn tay khéo léo của pháp sư. Đầu, mặt đã có sắc khí, tiếp theo là vầng ngực rộng, nở nang, đôi cánh tay vạm vỡ, bàn chân thô to bè có những ngón choải ra bám chặt mạn tàu mỗi khi sóng to, gió lớn. Chiều buông tím hồng chân trời biển, những chiếc thuyền thúng dập dờn bơi vào bờ, người ngư dân đứng trên thuyền, đôi tay chèo như múa, đôi mắt dõi lên những ngọn dừa cao, hóng mây đoán thời tiết ngày mai.

Thành phố tấp nập, ồn ã nhiều hơn tưởng tượng của ông Đội. Cháu ngoại nằm ở nhà, có người giúp việc chăm sóc. Con gái, con rể đi làm qua trưa, gần tối mới thấy mặt. Ông đối diện với cái ti vi mãi phát chán, nói chuyện với cháu ngoại được dăm câu lại dừng vì con bé cứ chúi mắt vô cái “ai bát, ai chén” gì đó to bằng tập vở. Ông có ra ngoài uống cà phê hai lần, rồi không dám ra khỏi cửa. Tiếng máy, tiếng người, khói bụi, xe cộ lao vun vút đến chóng mặt, làm ông cảm thấy như sắp bước vô trận cuồng phong. Ông muốn gọi điện về hỏi chuyện quê nhà mà không có số của ai. “Mình khờ quá! Bữa ra đây có cho thằng Sóng số điện thoại nhà con gái mà quên hỏi số của nó”.

Có tiếng chuông điện thoại bàn. Ông lắng tai nghe phía đầu dây như có tiếng sóng biển ầm ào. “Ông ơi! Chừng mô ông về? Dân làng nhớ ông lắm”. Thằng Sóng láu táu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Pháp sư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO