Những năm qua, giới nghiên cứu và báo chí nói nhiều về sự mai một của làng mộc Văn Hà ở xã Tam Thành (Phú Ninh). Tuy nhiên, thời gian gần đây làng nghề danh tiếng này đã có truyền nhân...
Cơ duyên của chàng hớt tóc
Về làng mộc Văn Hà, chúng tôi ghé thăm xưởng mộc của anh Trần Ngọc Tuấn. Anh là một trong hai truyền nhân trẻ của làng mộc Văn Hà và cũng là người có tay nghề nhất trong việc biến những khúc gỗ vô tri thành những sản phẩm mộc chạm khắc có hồn cốt, mang giá trị thẩm mỹ cao. Anh Tuấn cho biết, khi trưởng thành, anh chọn cho mình nghề hớt tóc để mưu sinh. Công việc ấy vẫn đủ nuôi sống anh hằng ngày, nhưng trong lòng anh cứ canh cánh mãi một nỗi niềm. Bởi làng Văn Hà chỉ còn lại cái tên với duy nhất nghệ nhân lành nghề là cụ Đinh Thạch (hay còn gọi là Thẩm) tuổi ngoài 80. Sau nhiều đêm nằm suy nghĩ, anh quyết định học nghề mộc của làng, chủ yếu là nghề chạm khắc gỗ. Mày mò tự học, rồi anh tìm đến cụ Thạch xin học nghề. Dần dà anh đã làm quen với tay bào tay đục bên cạnh nghề hớt tóc. Cách đây 6 năm, khi thấy tay nghề của mình đã vững, anh “chia tay” với nghề hớt tóc để chuyên tâm nghề mộc. Lúc bấy giờ, người làm mộc trong làng cũng đã có trên dưới 10 người, nhưng đa số chỉ làm được những công đoạn đơn giản. Anh Tuấn tuy học nghề sau nhưng lại giỏi hơn, làm được những chi tiết có độ tinh xảo cao. Cụ Thạch hết sức mừng vui nói: “Làng mộc Văn Hà đã có truyền nhân”.
Kết cấu đơn giản của một chiếc bàn tự xoay mà anh Trần Ngọc Tuấn đã làm. |
Kể về công việc của mình, anh Tuấn bộc bạch: “Nói thiệt, lúc đầu chuyển từ cầm kéo hớt tóc sang cầm đục, cầm chàng... cũng khó khăn bỡ ngỡ lắm. Nhưng mình quyết tâm phải làm được cái chi đó góp phần giữ gìn làng mộc. Và không hiểu sao, chỉ sau mấy tháng học nghề, đôi tay mình trở nên khéo léo và làm khá nhanh, khá chuẩn nhiều vật dụng, sản phẩm đòi tính thẩm mỹ cao. Nhiều người làng học gần cả đời vẫn không thể bước qua ngưỡng của một thợ mộc đơn thuần. Có lẽ mình có duyên may để thừa hưởng những nét tinh túy mà tiên tổ của làng bao đời giữ gìn và truyền nối...”. Sáu năm với một đời người thợ chạm khắc mộc không phải là dài, nhưng anh Tuấn đã “gặt hái” được nhiều niềm vui. Giờ đây, anh đã có cuộc sống khấm khá hơn nhờ nghề truyền thống của làng, lại được nhiều người ở các địa phương không chỉ trong tỉnh mà cả nước biết đến, về đây đặt hàng. Đôi tay của anh ngày càng nhuần nhuyễn, điêu luyện, những sản phẩm do anh làm ra đẹp hơn, tinh tế hơn và sống động, có hồn hơn. Vừa làm việc vừa trò chuyện với chúng tôi, anh không giấu niềm vui trên gương mặt rạng ngời của một người đã và đang góp phần làm sống lại làng nghề danh tiếng Văn Hà.
Hoa văn trang trí khá tinh xảo trên chân chiếc bàn tự xoay. |
Tín hiệu vui từ làng mộc
Những người am hiểu về đồ mộc hoặc đồ cổ ở Quảng Nam không ai không biết đến chiếc bàn gỗ tự xoay và những điều thú vị từ nó. Làng mộc Văn Hà là một trong những nơi chế tạo và đưa vào ứng dụng thành công sản phẩm độc đáo này. Riêng anh Tuấn trong 6 năm qua đã sản xuất được 3 cái bàn xoay, kiếm khoản thu nhập kha khá. Và với anh, niềm vui lớn nhất là đã nắm được “bí quyết” để tạo nên “chiếc bàn xoay bí ẩn”. Bởi ở làng mộc Văn Hà bây giờ, không phải ai làm nghề mộc cũng có thể làm được cái bàn tự xoay. Dẫn chúng tôi vào nhà, nơi đặt chiếc bàn tự xoay, anh Tuấn hướng dẫn cách để “điều khiển” mặt bàn tự xoay theo ý mình. Khách không cần phải dùng lực hai tay để đẩy mặt bàn, chỉ cần tập trung tư tưởng, để nhẹ hai tay úp lên mặt bàn rồi muốn nó xoay theo chiều nào, nó sẽ xoay theo chiều ấy, càng lúc càng nhanh. Khi muốn bàn xoay theo chiều ngược lại, chỉ cần ngửa hai bàn tay ra, đặt lên mặt bàn thật nhanh. Sự lý thú ấy làm chúng tôi hết sức bất ngờ vì có lẽ từ nhỏ đến giờ mới có dịp thấy như vậy. Gỡ mặt bàn ra khỏi chân bàn, chỉ thấy duy nhất một đầu trụ để khớp nối với phần lõm của mặt gỗ, ngoài ra không có gì cả. Anh Tuấn bảo đây kỹ thuật rất đặt biệt, ngoài cụ Thạch, anh là người duy nhất trong làng làm được. “Chỉ một chút bí truyền thôi” - anh cười.
Nhờ làm được những chiếc bàn tự xoay mà anh Tuấn đã “quảng bá” thương hiệu làng mộc Văn Hà ra khắp nước. Anh được mời đi dự rất nhiều hội chợ về nghề mộc cũng như các buổi hội thảo về làng nghề mang tầm khu vực cũng như tầm quốc gia. Tiếng lành đồn xa, những người chơi đồ cổ, những người yêu thích nghề mộc đã tìm đến làng Văn Hà để được tận mắt chứng kiến anh làm ra chiếc bàn xoay cũng như các sản phẩm gỗ mỹ nghệ khác. Có người trả giá cho chiếc bàn của anh đến 55 triệu đồng để sở hữu điều kỳ diệu mà ai ai cũng thấy thích thú khi được trực tiếp “điều khiển” chiếc bàn xoay bằng ý nghĩ. Từ chiếc bàn tự xoay, anh Tuấn đã kéo du khách về làng. Khi có người vào ra, anh lại làm các mặt hàng lưu niệm từ gỗ để bán cho du khách. Bên cạnh những sản phẩm gia dụng như bàn ghế... anh tìm tòi và làm những mẫu mã hàng lưu niệm nhỏ xinh, tinh xảo, có giá từ 80.000 - 150.000đ, vừa với túi tiền của du khách tìm đến đây. Đó là những chiếc giỏ đựng hoa quả, những cái gạt tàn thuốc, khay đựng hạt dưa v.v.
Theo anh Tuấn, kết hợp sản xuất sản phẩm gỗ mỹ nghệ đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã sẽ giúp cho làng mộc Văn Hà vừa phát triển nghề mộc vừa kết hợp phát triển du lịch làng nghề. “Để làm được điều đó, cần có sự đầu tư kinh phí mở lớp đào tạo nghề cũng như sự vào cuộc của chính quyền địa phương và ngành du lịch” - anh Tuấn tâm sự. Còn cụ Thạch lại bảo: “Làng mộc Văn Hà đã có truyền nhân nhưng chưa có nhiều người làm nghề và gắn bó với nghề”. Bởi hiện tại, làng mộc Văn Hà chỉ có 10 người làm nghề mộc, trong đó có 3 người là cụ Đinh Thạch, anh Phạm Miên và anh Trần Ngọc Tuấn thạo nghề, chế tác được những sản phẩm tinh xảo.
NGUYỄN THÀNH GIANG