Ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình hiện còn hai văn bản ghi lại nhiều dấu tích quan trọng về sinh hoạt văn hóa của cư dân vùng đất cát ven hữu ngạn sông Trường Giang thuộc tỉnh Quảng Nam xưa.
Mộ bà “Lạc quyên nghĩa phụ” Trương Thị Phẩm (người trong ảnh là hậu duệ). ảnh: P.B |
Truyện “Thần nữ linh ứng”
Văn bản chữ Nho này hiện còn được giữ ở Lăng bà Chợ Được xã Bình Triều. Tác giả là nho sĩ Nguyễn Bội Bửu, hiệu Đông Xuyên, người xã Hưng Thạnh Đông, tổng Hưng Thạnh hạ của huyện Lễ Dương (sau đổi là Thăng Bình) xưa. Nho sĩ này hoàn thành bản truyện vào ngày 26 tháng 12 âm lịch năm Khải Định thứ 4 (1919). Nội dung văn bản chép lại một câu chuyện dân gian được lưu hành phổ biến ở vùng đông Thăng Bình vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đó là chuyện kể pha lẫn giữa một phần sự thực và phần khác là những chi tiết huyền hoặc có liên quan đến tục “hầu đồng” của tín ngưỡng thờ Mẫu từng được phổ biến từ cung đình Huế đến dân gian ở nhiều vùng Trung Trung Bộ vào thời điểm tương ứng.
Có thể điểm qua mấy nét chính của truyện “Thần nữ linh ứng” như sau: Ở thôn Phường Chào/Trào, châu Phiếm Ái, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam xưa có cô Nguyễn Thị Của là con một gia đình quan lại; từ lúc được sinh (25 tháng 2 âm lịch năm 1799 - đời Lê Cảnh Hưng) đến khi phương trưởng (đầu thời Gia Long) đã có những biểu hiện khác thường: dung mạo, ngôn ngữ, tính cách, trang phục, sở thích… không giống người phàm trần. Cô gái này qua đời vào ngày 19 tháng 11 âm lịch năm Gia Long thứ 16 (1817). Ngay sau khi được chôn ở quê nhà, cô gái đã hiển linh thành thần và sau đó đã thể hiện nhiều quyền phép để cứu giúp kẻ nạn tai; trừng trị kẻ dâm ô, khinh mạn… Sự linh ứng đó đã được dân gian ngưỡng mộ và truyền tụng từ quê của cô gái linh thiêng đến khắp vùng sông nước miền Trung - nơi nhiều người đi biển được thần nữ ra tay tế độ. Đến đời vua Tự Đức thứ 5 (1852) vị thần này đã “vân du” đến thôn Phước Ấm thuộc tổng An Thạnh hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình hóa thân thành một cô gái giỏi buôn bán, khuyến dụ cư dân các vùng lân cận tập họp đến lập một ngôi chợ gọi là “chợ Bà”, còn gọi là “chợ Được”; số thuế thực nạp của ngôi chợ này chỉ đứng sau hai chợ Hội An và chợ Tam Kỳ. Cũng tại thôn Phước Ấm này, bà thần (còn gọi là Bà chợ Được) đã nhập vào một xác người hầu đồng có tên là Nguyễn Bá Trân để chẩn mạch, bốc thuốc cứu bệnh cho dân lành. Chính vì nhiều công tích đó, triều Nguyễn đã nhiều lần sắc phong, ban thưởng, cho lập miếu thờ bà thần này ở quê nhà (Phiếm Ái - Đại Lộc) và ở nơi bà thần ứng lộ linh hiển (Phước Ấm - Thăng Bình). Kèm với bản truyện, nho sĩ Nguyễn Bội Bửu - còn có tên khác là Lộ - đã ghi lại khá chi tiết quá trình xin phong sắc từ địa phương đến triều đình và cách thức công nhận thần vị, thần hiệu cũng như cách thức mà triều Nguyễn đã giao sắc phong về hai địa phương nói trên.
Qua các nội dung chính vừa nêu, gác qua một bên các yếu tố huyền hoặc mang nội dung tín ngưỡng tâm linh, có thể thấy rõ những nét hiện thực kinh tế, hành chính, văn hóa phong phú của vùng đông Thăng Bình và lân cận - một trong những địa bàn tụ hội dân cư sầm uất ven con sông Trường Giang vốn là con đường thủy rất quan trọng phục vụ mọi sinh hoạt giao thương của tỉnh Quảng Nam thời ấy.
Bia “Lạc quyên nghĩa phụ”
Ở thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều hiện nay có khu nghĩa trang gia tộc họ Trương tọa lạc ở xứ đất có tên xưa là Gò Ngựa. Tại đấy có một ngôi mộ bề thế với tấm bia (ghép bằng bốn tấm đá lớn) đặt ở đầu mộ. Trên mặt tấm bia đá này có khắc một văn bản gồm 33 dòng bao gồm gần một nghìn chữ nho kể về gia thế, hành trạng, công tích của một phụ nữ được gọi kính cẩn là bà Mạnh. Qua nội dung thể hiện trong bài văn bia có thể thấy được nhiều chi tiết về sinh hoạt kinh tế và nền nếp văn hóa của cư dân vùng xã Tiên Mỹ, tổng Hưng Thạnh hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình xưa.
Tóm tắt nội dung tấm bia đá như sau: Bà Mạnh có cha là người xã Tiên Mỹ, mẹ là người xã Hưng Thịnh Đông. Gia đình bà là một “vọng tộc” (tộc lớn và danh giá) trong làng. Bà họ Trương, có tên tự là Đoan Trật; là chị cả của bốn người em vừa trai vừa gái. Sớm mất mẹ, bà Mạnh hết lòng thờ kính phụ thân với tất cả bổn phận của người con có hiếu. Năm mười bốn tuổi, bà được gả về một gia đình ở xã Hưng Thịnh. Ở nhà chồng, bà cư xử đúng đạo nghĩa người dâu hiền thục: cẩn thận chốn phòng khuê, sống giữ gìn theo phép tắc của nhà chồng. Mười năm làm vợ mà mãi chẳng có con nối dõi. Vì thế bà bị nhà chồng trả về nhà cha mẹ đẻ. Cha của bà Mạnh lúc này đã có thêm con với vợ kế và rất thương yêu những người này. Tuy vậy, bà Mạnh vẫn hết lòng phụng sự gia đình chung. Từ lúc đó, bà ra sức làm lụng, lấy cần kiệm làm đầu, nhờ đó trở thành giàu có. Một tay bà gầy dựng gia đình cho các em, ai cũng đều được bà cho của cải. Hàng xóm, người thân thấy cảnh bà sống một mình, ai cũng khuyên bà nên tái giá để có con nối dõi về sau. Nghe điều ấy, bà Mạnh chau mày và than rằng: “Trời phú cho mỗi người đời một hoàn cảnh, đó gọi là mệnh! Chỉ trung thành duy nhất với một người chồng, đó là nghĩa! Nay lấy chồng khác là làm trái mệnh của trời, là làm trái nghĩa với chồng!”. Biết ý bà đã quyết, mọi người không dám cưỡng. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838) rồi năm Thiệu Trị thứ 5 (1844) bà nhiều lần cúng tài sản cho việc thờ tự của làng xã. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), địa phương lâm vào cảnh đói kém, bà Mạnh đem hơn một nghìn quan để dùng vào việc cứu đói. Do nghĩa cử này, vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), bà Mạnh được triều đình ban cho tấm biển ngạch “Lạc quyên nghĩa phụ” (người phụ nữ tiết nghĩa có công đóng góp lớn cho việc thiện).
Danh hiệu “Lạc quyên nghĩa phụ” đã được các cháu do bà Mạnh giúp đỡ, nuôi nấng khắc lên bia dưới chân mộ và đầu mộ của bà. Về sau, vào đầu thế kỷ 20, các nhà nho ở phủ Thăng Bình - Quảng Nam khi soạn tấm bia đá “Thăng Bình phủ tiết nghĩa phụ bi chí” (Bia ghi sự tích các phụ nữ tiết nghĩa ở phủ Thăng Bình) đã đưa một số chi tiết được ghi trong bài minh ở đầu mộ bà Mạnh nói về người nghĩa phụ Trương Thị Phẩm. Bà Phẩm chính là bà Mạnh. Gia phả họ Trương hiện còn lưu ở thôn Hưng Mỹ xã Bình Triều đã chứng thực điều này.
PHÚ BÌNH