Một ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi về thôn Thanh Tú, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, được nghe người dân nơi đây kể về gia đình cụ Nguyễn Văn Tới, nhà có 5 người con (1 nữ, 4 nam) thì hy sinh hết 3 con trai, ngay cả con trai út cũng là thương binh.
Thương binh Nguyễn Văn Tỏi.Ảnh: HỮU DŨNG |
Từ thời chống Pháp, cụ Nguyễn Văn Tới cùng người bạn đời là cụ Nguyễn Thị Giáp (đã được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng) hết lòng ủng hộ kháng chiến, cưu mang, đùm bọc che chở cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Noi gương cha, người con cả Nguyễn Văn Tương (SN 1933) tham gia bộ đội huyện Điện Bàn; năm 1954 tập kết ra miền Bắc và được biên chế vào đơn vị đội tàu không số. Năm 1968, Nguyễn Văn Tương làm chính trị viên, thuyền phó 1 cùng 20 cán bộ chiến sĩ, do Nguyễn Phan Vinh làm Thuyền trưởng, vận chuyển vũ khí từ Hải Phòng vào Nam. Tàu đến vùng biển Hòn Hèo, tỉnh Khánh Hòa thì bị địch phục kích. Nguyễn Văn Tương cùng đồng đội chiến đấu kiên cường đến hơi thở cuối cùng.
Sau năm 1954, cụ Tới thuộc diện có tên trong “sổ đen” của địch nên chúng thẳng tay hành hạ bằng nhiều thủ đoạn, nhưng cụ vẫn một lòng, một dạ trung thành với cách mạng. Thấy cha bị địch hành hạ, lòng căm thù giặc càng sục sôi, hai người con trai thứ của cụ là Nguyễn Văn Cay (SN 1937) và Nguyễn Văn Gừng (SN 1939) cùng người bác họ là Nguyễn Văn Quế tham gia cách mạng. Trước khi tòng quân, cả ba đều đổi tên: Quế đổi tên thành Quyết, Cay đổi thành Chiến, Gừng đổi thành Đấu. Ba bác cháu Quyết - Chiến - Đấu tham gia bộ đội trực tiếp cầm súng chiến đấu.
Trong quá trình chiến đấu, với sự dũng cảm, kiên cường, Nguyễn Văn Gừng được cấp trên giao giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Đặc công 91 Quân khu 5. Năm 1966, trong trận công đồn Cồn Hữu thuộc huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, Nguyễn Văn Gừng đã anh dũng hy sinh. Còn Nguyễn Văn Cay được giao làm Phó Chỉ huy trưởng Huyện đội Điện Bàn. Năm 1968, trong trận công đồn Bình Long, thuộc xã Điện Phước, Điện Ban, Nguyễn Văn Gừng cũng đã anh dũng hy sinh.
Năm 1964, nối gót các anh trai, người con trai út của cụ Tới là Nguyễn Văn Tỏi (SN 1949) tình nguyện tham gia bộ đội, nhưng do tuổi còn nhỏ nên các chú, các anh động viên về nhà. Đến năm 1966, Nguyễn Văn Tỏi tham gia Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi, được biên chế bộ đội huyện Điện Bàn. Năm 1967 cấp trên chuyển anh vào đơn vị đặc công Biệt động thành Lê Độ TP.Đà nẵng. Năm 1969, trong trận đánh vào Đài phát thanh Đà Nẵng, Nguyễn Văn Tỏi bị thương và chuyển ra miền Bắc an dưỡng.
“Dù sống trong cảnh áp bức đọa đày, cha tôi luôn động viên mọi người quyết tâm thực hiện “một tấc không đi, một ly không rời”, bám trụ giữ làng, đào hầm, nuôi giấu cán bộ và Đội du kích quyết tử Nguyễn văn Trỗi”. (Thương binh Nguyễn Văn Tỏi) |
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ nhưng ngăn nắp ở đầu làng Thanh Tú, ông Nguyễn Văn Tỏi bồi hồi xúc động nhớ lại những năm tháng bi tráng của gia đình. Ông kể: “Khi tôi vừa tròn 4 tháng tuổi, mẹ lâm trọng bệnh qua đời. Cha tôi dù trong cảnh gà trống nuôi con vẫn hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Lên 9 lên 10 tuổi, tôi vừa chăn trâu vừa làm cảnh giới, thấy địch ở đâu là báo cho các chú, các anh để chủ động đối phó. Hồi ấy, trong nhà, ngoài vườn của cha tôi có 4 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Nhà tôi là điểm dừng chân cũng là nơi cơ sở cách mạng họp bàn triển khai kế hoạch đấu tranh. Một ngày của năm 1965, trong lúc chi bộ đảng địa phương đang triển khai cuộc họp tại nhà tôi, địch phát hiện xả súng vào nhà, nhưng may mắn các chú, các anh đều thoát được, riêng cha tôi bị trúng đạn, gãy tay. Năm 1966, giặc chiếm đóng tại Trảng Nhật, ngày đêm chúng vào làng tổ chức thanh trừng những gia đình tham gia cách mạng. Dù sống trong cảnh áp bức đọa đày, cha tôi luôn động viên mọi người quyết tâm thực hiện “một tấc không đi, một ly không rời”, bám trụ giữ làng, đào hầm, nuôi giấu cán bộ và Đội du kích quyết tử Nguyễn văn Trỗi”.
Chiến tranh kết thúc, ông Tỏi trở về quê nhà, rồi lập gia đình, sớm hôm cận kề chăm sóc cha già và hương khói cho các anh. Ông Tỏi chia sẻ, nỗi xót xa nhất trong chiến tranh đối với gia đình ông là chỉ trong 2 năm (1966 và 1968) gia đình đã phải đón nhận 3 hung tin từ chiến trường. Đó là năm 1966, anh Gừng hy sinh; năm 1968, cả anh Tương và anh Cay cũng ngã xuống. “Lúc các anh trai hy sinh, tôi đang chiến đấu ngoài mặt trận, ở quê nhà chỉ còn mình cha sống lặng lẽ với những tháng ngày vò võ, xót xa trong nỗi thương con. Năm 1992, sau cơn bạo bệnh, cha tôi qua đời... ”. Kể đến đây, ông Tỏi nghẹn ngào xúc động, nói không thành lời.
Mặc dù là thương binh nhưng ông Tỏi không trông chờ ỷ lại vào chế độ chính sách của Nhà nước. Ngày ngày ông cùng người bạn đời cần cù lao động vun đắp tổ ấm, nuôi dạy con cái nên người và thường xuyên nhắc nhở con cháu giữ gìn, phát huy ngọn lửa truyền thống cách mạng của gia đình.
HỮU DŨNG