Thông qua những chuyến thực địa tại 3 phân vùng chức năng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, học sinh và giáo viên càng hiểu và yêu hơn di sản quê hương.
“Bộ tài liệu truyền thông Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” đã được giảng dạy ở 10 trường THCS, tiểu học & THCS tại Hội An từ năm 2019. Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển phối hợp với Phòng GD-ĐT TP.Hội An tổ chức các chương trình thực địa cho hàng trăm giáo viên và học sinh.
Ông Phạm Văn Hiệp - Thư ký Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cho biết, mỗi chương trình thực địa bắt đầu tại khu phố cổ - vùng chuyển tiếp, giáo viên và học sinh tìm hiểu về lịch sử hình thành đô thị cổ, những dấu ấn văn hóa tiêu biểu thông qua kiến trúc, tín ngưỡng thờ tự đặc trưng; tham quan và trải nghiệm các làng nghề truyền thống tại Hội An.
Tại Cẩm Thanh - vùng đệm khu sinh quyển, giáo viên và học sinh đến thăm, trò chuyện cùng nông dân tại vườn rau Thanh Đông, tìm hiểu về nông nghiệp sạch cũng như các kiến thức về cây trồng, phân bón hữu cơ, kinh nghiệm dân gian trong việc trị sâu bệnh; tìm hiểu mối tương quan giữa nông nghiệp trong quản lý rác thải, bảo vệ môi trường hệ sinh thái rừng dừa nước tại Cẩm Thanh; tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn vùng cửa sông Thu Bồn, làng nghề tre dừa nước...
Tại vùng lõi của khu sinh quyển là Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp), thầy cô và học sinh trải nghiệm lặn ngắm san hô, nghe giới thiệu về công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị khu sinh quyển thông qua các mô hình vườn ươm san hô, hợp tác xã cua đá; trò chuyện với các nghệ nhân làm võng ngô đồng, học gói bánh ít lá gai... Mỗi chương trình thực địa, thầy cô và học sinh đều được yêu cầu không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
“Những thông tin trong bộ giáo trình trở nên sống động hơn khi được trải nghiệm thực tế, chúng tôi mong muốn ngày càng có có nhiều hơn những tiết ngoại khóa như thế này trong thời gian sắp đến” - thầy giáo Nguyễn Văn Chiến (Trường THCS Nguyễn Du) cho biết.
Ông Phạm Cường - chuyên viên Phòng GD-ĐT TP.Hội An cho hay, chương trình thực địa đã giúp các thầy cô và học sinh củng cố, hiểu rõ hơn các kiến thức về khu sinh quyển đã được trình bày trong bộ tài liệu truyền thông, đây còn là kênh thông tin giúp ban biên soạn tiếp nhận những ý kiến góp ý để bổ sung, hoàn thiện nội dung và hình thức cho các năm học.
“Để đẩy mạnh giảng dạy, truyền thông, nên duy trì thường xuyên chương trình thực địa vào tháng 3, tháng 4 hằng năm thay vì tháng 7, tháng 8 khi đã nghỉ hè. Cần tổ chức thực địa nhiều hơn cho giáo viên trực tiếp giảng dạy để nâng cao chất lượng bài giảng” - ông Phạm Cường nói.
Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An đang tiếp tục phối hợp với Phòng GD-ĐT thành phố lồng ghép, tích hợp các tài liệu truyền thông; khôi phục chương trình thực địa sau 2 năm khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.