Truyền vai tuồng cổ

LÊ QUÂN 14/07/2016 07:48

Một “lớp truyền vai hát bội” cho thiếu nhi Hội An vừa mở, bên cạnh những lớp học hát dân ca đã có từ vài năm nay, đủ để những suy tư về sự tồn vong của các loại hình nghệ thuật biểu diễn cổ truyền ở đất Quảng bớt đi những âu lo…

Nhen đốm lửa quý

Sau khi “Tuồng xuống phố” - một chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ ở đường phố, do những nghệ nhân yêu tuồng phố Hội trình diễn vào mỗi đêm thứ Bảy, thì Hội An lại sửa soạn cho một dự án khác, mang tính kế thừa nhiều hơn. “Lớp truyền vai tuồng cổ” vừa ra đời, như một cách để bắt đầu nhen nhóm một đốm lửa quý, cho một bộ môn khá kén người thưởng thức lẫn người theo. Và chọn là “truyền vai” thay vì đào tạo, hay truyền dạy, bởi lẽ chỉ mong các em thiếu nhi từng bước nhỏ ở mỗi phân vai, sẽ thấy trân trọng, yêu quý hơn với nghệ thuật sân khấu dân gian này. ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hội An chia sẻ, chỉ cần có thể nhen lên một ngọn lửa, từng ngày một sẽ nuôi lớn một mê say, để nghệ thuật truyền thống không phải chỉ dành riêng cho một lớp người nào. Từ đây, lòng tin về những kế thừa, bắt đầu khởi đi.

Từ những lớp học hát dân ca đã phát hiện ra những tài năng nhí của dân ca kịch bài chòi. Ảnh: LÊ QUÂN
Từ những lớp học hát dân ca đã phát hiện ra những tài năng nhí của dân ca kịch bài chòi. Ảnh: LÊ QUÂN

Hai nghệ sĩ tuồng, hai người mê tuồng Lê Phú Hải và Hồ Thị Ánh Hoa, sẽ đảm trách phần việc khơi lên ở các em thiếu nhi - đầu tiên là sự thích thú khi được “nghe nhìn” tuồng cổ. Từ đó, từng phân vai một, sẽ được hai nghệ sĩ chỉ cho các em qua từng buổi. Có lẽ phải nhắc lại một chút về chương trình “Tuồng xuống phố” của Hội An, bắt đầu từ hơn một năm trước, của một gia đình mê hát bội, tuồng đồ như cặp vợ chồng anh Lê Phú Hải và chị Hồ Thị Ánh Hoa. Ở cái xứ từng mê hát bội như cơm ăn nước uống, bây giờ lại chỉ còn có một gia đình đủ sức và đủ yêu để có thể cùng đưa nhau lên sân khấu - dẫu chỉ là sân khấu ở đường phố. Vậy mà hai vợ chồng ở vùng ngoại vi phố cổ, vẫn cố gắng để khi tuồng - dù đến với phố đông, dù sân khấu hay phục trang ở mức giản tiện nhất, vẫn giữ nghiêm cẩn từng bước đi hia, từng câu hát cũ của tuồng đồ. Nên bây giờ, khi phố cổ tiến thêm một bước nữa trong quá trình bảo tồn nghệ thuật dân gian cổ truyền, bắt đầu từ việc kích thích mê say ở các em thiếu nhi, cặp vợ chồng mê tuồng này lại càng có thêm điều kiện để truyền đi những ưa mê của mình.

“Lớp truyền vai tuồng cổ” từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ giáo sư Hoàng Châu Ký. theo di nguyện của chính vị giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Châu Ký - người đã dành cả đời và cho đến khi qua đời vẫn trăn trở làm sao giữ ngọn lửa nghệ thuật sân khấu dân gian trong đời sống và kỳ vọng lớp trẻ kế thừa.

Lớp học đặc biệt

Có lẽ không đâu như phố cổ Hội An, khi gần như những giá trị văn hóa truyền thống được đề cao và đều nằm trong các chương trình, dự án bảo tồn. Chính sự trân trọng vốn văn hóa quý này khiến Hội An trở nên đặc sắc trong bản đồ du lịch Việt và cả thế giới. Hiểu được rằng thứ ăn sâu vào tâm thức người dân, cũng như thứ khiến người ta ám ảnh phải quay trở lại vùng đất, không phải là những tiện nghi hiện đại cũng như cảnh sắc nhân tạo, mà chính là vốn văn hóa nằm lòng của vùng đất. Từ đây, mỗi ngày Hội An càng trở nên chuyên nghiệp hơn trong cách thức phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa.

“Chúng tôi rất trân trọng tấm lòng ấy của giáo sư và gia đình. Từ quỹ này, lớp học truyền vai tuồng cổ được mở ra và hoạt động liên tục trong các tối thứ Bảy hằng tuần. Để như GS. Hoàng Châu Ký đã nói khi sinh thời, rằng trải bao biến thiên lịch sử, nghệ thuật sân khấu sẽ có lúc thăng lúc trầm, nhưng biết cách làm thì trầm rồi sẽ thăng”.
(ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hội An)

Những lớp học sáng đèn ở các góc phố, là minh chứng cho câu chuyện làm du lịch chuyên nghiệp của phố cổ, bên cái thâm sâu của việc truyền lưu những giá trị văn hóa dân gian cho thế hệ kế cận. Những lớp học đặc biệt - không bảng đen, phấn trắng, chỉ có lòng mê say từ cả thầy lẫn trò. Họ ngồi quây quần trên hai tấm chiếu cói và giáo viên đứng lớp là những nghệ sĩ đến từ Trung tâm Văn hóa TP. Hội An. Theo nhịp phách của giáo viên và tiếng đàn nhập lời, những cô cậu học trò say sưa trên trang vở với những lời ca, điệu hát quê nhà. Từng ấy đủ để du khách đứng xung quanh bên ngoài, miệng nhẩm theo từng giai điệu và có lẽ cũng sẽ để mình nhung nhớ những góc phố sinh động như vậy. Những lớp học hát dân ca, bắt đầu từ năm 2009 vào những buổi đêm phố cổ đã trở thành một nét riêng không lẫn của một đô thị di sản như Hội An. Và bây giờ, còn có thêm một lớp học về hát bội, bên những lớp dân ca bài chòi đã trở nên quen mắt nhìn, tai nghe, thì hẳn Hội An sẽ còn thú vị hơn nữa trong bước chân của mỗi du khách.

Trong câu chuyện về những khó khăn khi phải làm sao giữ được những nét đẹp của nghệ thuật biểu diễn cổ truyền, ở các bộ môn rất khó để tìm người kế cận, việc khơi mở thêm những không gian nho nhỏ, vừa đủ để cuốn hút du khách, nhưng cũng vừa vặn với tiếp nhận của lứa tuổi thiếu nhi, rất vừa tầm Hội An. Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền ở Hội An, vẫn hằng đêm sáng đèn cho những người mê một không gian nhà hát trang trọng. Nhưng sức cuốn hút của những góc phố - đã được điểm tô dù giản dị, với những sân khấu từ bài chòi, nhạc trữ tình, hạ uy cầm… và bây giờ là hát bội, Hội An cho người ta thấy những bền bỉ rồi sẽ được đáp đền…

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Truyền vai tuồng cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO