Từ 8x đến 2k

PHAN VĂN MINH 06/05/2018 10:00

Cách đây khoảng hơn mười năm, chúng ta bắt đầu nghe cụm từ “thế hệ 8x, 9x”, định danh cho lứa tuổi sinh ra trong các thập niên 80, 90 của thế kỷ 20. Thế hệ này đã trưởng thành với những đặc điểm về phong cách, tri thức, kỹ năng… có vẻ khác biệt so với các thế hệ trước đó. Trong hành trang của họ dường như đã phai mờ vết tích của thời kỳ bao cấp mà các thế hệ 6x, 7x vẫn còn bị “di căn” trong ký ức. Họ tự tin vào cách chọn lựa các cơ hội mà thế giới phẳng đang mở ra cho mọi quốc gia và mọi công dân. Trong tất cả lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, cả khoa học kỹ thuật lẫn văn học nghệ thuật, lứa tuổi này có cách tiếp cận mới mẻ hơn các bậc cha anh. Cho nên có thể nói 8x, 9x  là một thế hệ chuyển tiếp, không chỉ về mặt năng lực mà cả về nhân sinh quan giữa các thế hệ trước và sau đó, giống như một câu gian tấu giữa hai đoạn nhạc có âm hình giai điệu tương phản lẫn nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước tiên là về cách lựa chọn môi trường làm việc. Có một dấu hiệu khá rõ ở lớp người trẻ 8x, 9x là càng về sau, họ càng ít bị lệ thuộc vào mục tiêu được tuyển dụng vào hệ thống công lập. Đếm quanh xóm quê tôi ở, có cả thảy 32 bạn thuộc lứa tuổi này đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng chỉ có 4 người ăn lương nhà nước và đều là giáo viên. Hơn nữa, nhiều bạn có năng lực còn “nhảy việc” như sóc. Họ đến với nhà tuyển dụng trên tư thế “hét”: hét mức lương, hét điều kiện làm việc… Thật không giống với thế hệ vừa lớn lên sau chiến tranh: hoặc nghiễm nhiên được tuyển dụng, hoặc phải gửi gắm, xin xỏ, chạy chọt…

Trong các hoạt động có hàm lượng chất xám ở bậc cao, phần lớn các trí thức thế hệ 8x, 9x cũng chia tay dần với tư duy thực dụng. Nhiều nhà khoa học trẻ đã dành tâm huyết cho các mảng đề tài mà lâu nay ít người mặn mà như cải tạo môi sinh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… Có thể kể vài tên tuổi điển hình như TS.Lê Phước Cường (SN 1985, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) với 42 công trình nghiên cứu và sáng chế cấp quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực môi trường, được chính phủ Nga trao giải thưởng Lobachevski; TS.Nguyễn Thế Hân (SN 1983, Đại học Nha Trang) với các công trình nghiên cứu về nuôi trồng và chế biến thủy sản, đoạt một trong mười giải thưởng “Quả cầu vàng 2014”. Bên cạnh đó, ngày nay “trở lại đồng xanh” để làm nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch, đang trở thành một làn sóng mới trong giới trí thức trẻ.

Nhìn ở quy mô tổng thể, thế hệ này cũng đã và đang “làm mẫu”  cho một phong cách mới về giao tiếp. Phần lớn trong số họ dường như đã dành quá nhiều thời gian cho không gian ảo và giảm dần sự quan tâm đến các mối quan hệ truyền thống. Hình ảnh thường gặp đến mức thành đặc trưng của các chàng trai, cô gái trong độ tuổi này là tai đeo phone, mắt chăm chú vào chiếc điện thoại rồi… cười một mình.

Về văn học nghệ thuật, phong cách sáng tạo và thị hiếu cảm thụ của thế hệ này lại càng khác biệt. Trên văn đàn, những tên tuổi như Nguyễn Quỳnh Trang, Gào, Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao… với các tác phẩm đình đám như Vũ điệu thân gầy, Tự sát, Buồn làm sao buông, Ai rồi cũng khác, Yêu đi rồi khóc… đã nối tiếp nhau nổi lên thành “hiện tượng” trên thị trường sách. Chưa bàn tới giá trị nghệ thuật, cứ nhìn vào những con số phát hành lần đầu bốn năm vạn bản đủ biết họ đã thu hút được sự đồng điệu của giới trẻ cùng lứa tuổi đến mức nào. Còn trong âm nhạc, nhiều hotgirl, hotboy nhanh chóng trở thành các Idol với hàng triệu fan hâm mộ. Những nghệ danh như Mỹ Tâm, Sơn Tùng, Tạ Quang Thắng, Phạm Anh Khoa, Khắc Việt, Chi Pu, Noo Phước Thịnh, Vũ Cát Tường… đã và đang làm mưa làm gió trên khắp các phương tiện truyền thông. Họ nổi tiếng không chỉ trong biểu diễn hay sáng tác mà cả hai, thậm chí có người còn kiêm luôn cả công đoạn hòa âm phối khí cho tác phẩm của mình. Và cũng đừng nghĩ rằng ở các ca - nhạc sĩ này chỉ có những bài hát “anh anh em em”. Một số ca khúc của họ cũng đã thể hiện sự quan tâm tới những vấn đề chung của đất nước và con người như: Việt Nam ơi! (Minh Beta), Lá cờ (Tạ Quang Thắng), Nghèo (Lê Cát Trọng Lý), Khi chúng ta già (Phạm Hồng Phước)… Tuy nhiên, các sáng tác và cả phong cách biểu diễn của lớp nghệ sĩ này dường như chưa định hình một dòng nhạc được lạm danh là Vpop như báo chí thường gọi mà chịu ảnh hưởng từ các nền âm nhạc Âu Mỹ, nhạc Hoa, Kpop đương thời… Xem video những bài như Em của ngày hôm qua hay Chắc ai đó sẽ về… cứ thấy na ná bóng dáng các “oppa” của xứ Hàn.

Đến cuối thập niên 20 của thế kỷ này, khi các 8x, 9x hầu hết đều đã bước vào môi trường lao động thì người ta lại nói đến thế hệ 2k. Ký hiệu này được nghe lần đầu khi nhân loại chuẩn bị đón năm 2000 với sự cố Y2k về máy tính. Hiện nay trên hầu hết trang mạng, thay vì nói “Cô gái sinh năm 2002” thì thường được gọi tắt là “Em gái 2k2”, giống cách ghi giá tiền hàng hóa trên các pa-nô quảng cáo.

Thế hệ 2k lúc này còn ngồi trên ghế nhà trường nên chưa thể nhận diện gì nhiều về nhân cách của họ. Tuy nhiên, với ưu thế là được sinh ra ngay trong thời đại kỹ thuật số nên từ bé họ đã được làm quen với công nghệ hiện đại trong học tập, vui chơi và tiêu thụ. Chắc chắn mai này họ sẽ dễ dàng hội nhập trong thế giới phẳng để trở thành những “công dân toàn cầu”. Nhưng cũng từ đó, nếu các lực lượng giáo dục thiếu sự chăm sóc, hướng dẫn đúng mực thì một số mặt trái của thời đại về tâm sinh lý như béo phì, phát dục sớm, xu hướng bạo lực… sẽ trở thành nguy cơ như đã từng bộc lộ.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ 8x đến 2k
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO