Vùng phủ Tam Kỳ xưa, gần hai bên cụm tháp Chiên Đàn có ấp Gia Thọ thuộc làng/xã Tú Tràng ở phía bắc và xã Hòa Mỹ Tây ở phía nam. Hai địa phương này hiện còn lưu mấy tư liệu về làng xã đáng chú ý.
Gia Thọ: Bài văn kể chuyện đổi tên ấp
Hiện tại, ở thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh có ngôi cổ miếu “Tướng quân từ” còn lưu một tấm bảng gỗ chữ Nho nói về xuất xứ của tên ấp Gia Thọ, xã Tú Tràng xưa. Bài văn này là căn cứ quan trọng để tìm hiểu về tình hình cư dân ở vùng đông và đông bắc của tổng Chiên Đàn xưa (nay là hai xã Tam An và Tam Đàn của huyện Phú Ninh).
Trước hết, nó cho biết tên cũ của địa phương Gia Thọ là ấp Cây Dừa và xác định vị trí địa lý của ấp, mà nay, qua một số dấu tích còn lại, một số cư dân cao niên ở địa phương có thể xác định một số địa danh như hồ vuông (Phương hồ), rừng Đồng Tràm (Đồng Tràm lâm), tượng nghê đá và tháp Chàm Chiên Đàn (Thạch Nghê - Cổ Tháp), bến đò sát lũy tre (Mạnh tân), cầu Cánh Tiên (Độ tiên kiều) và xa hơn là dãy núi Cà Tý (Cà Tý chư sơn)... Đó đều là các nơi mà người dân Gia Thọ xưa cho là những thắng cảnh (tuần vi danh thắng chi khu).
Tiếp đến, bài văn cho biết hai vị đầu tiên đến lập ấp là ông cụ họ Ung và một vị họ Nguyễn có quê gốc ở Quảng Trị. Qua đó còn cho biết có một phụ nữ họ Ung được triều đình phong tước hiệu Nghi Nhân. Vị phu nhân này chính là bà Ung Thị Lãng, mẹ cụ Nguyễn Dục (đỗ Phó bảng năm Mậu Tuất 1838, người ấp Gia Thọ - danh nhân mà cả nước đều biết tiếng). Bà cũng là bà nội ruột của vợ cụ Trần Văn Dư (đỗ tiến sĩ năm Ất Hợi 1875, nhân vật lãnh đạo cuộc Cần vương chống Pháp nổi tiếng ở Quảng Nam vào năm 1885). Cùng với ông Nguyễn Phan Vinh (đỗ tú tài năm Bính Ngọ 1846), các vị nêu trên đều là những người dân Gia Thọ đã làm cho địa phương mình nổi tiếng.
Bài văn còn cho biết ấp Gia Thọ xưa có nhiều người hưởng tuổi thọ cao. Cũng do có nhiều người trường thọ nên cư dân đã quyết định đổi tên cũ là Cây Dừa (âm Hán Việt là Da Thụ 椰樹) sang âm chữ nho có nét nghĩa mới là Gia Thọ (嘉壽 - tăng tuổi thọ). Và cũng do có nhiều người học hành đỗ đạt (sau này còn có thêm ông Nguyễn Thích, con cụ Nguyễn Dục, đỗ tiến sĩ năm Giáp Thân 1884) nên chữ Gia (đồng âm với chữ Da – nghĩa là cây dừa) còn hàm ý chỉ nơi đây là vùng đất văn vật. Bài văn còn thể hiện niềm tự hào về phong tục, tập quán, đức hạnh... của dân trong ấp. Qua đó, giúp người đời sau hiểu được ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong việc dựng ấp lập làng, đối nhân xử thế của người xưa.
Căn cứ vào nội dung trong bài cũng như niên hiệu ghi ở cuối bài (tháng 4 âm lịch năm 1877 - niên hiệu Tự Đức 30) có thể biết bài văn này viết lúc cụ Nguyễn Dục tại thế và (đoán) người viết có thể là cụ Nguyễn Thích (lúc ấy chưa đỗ tiến sĩ) - bởi, theo truyền thống, người học giỏi văn hay trong ấp thường được ủy nhiệm để viết các bài minh, bài văn cho địa phương. Người viết xin trích dịch một đoạn để minh họa: “…Nhân vì nghĩ cư dân của ấp đã từ lâu được thấm nhuần sự văn minh… mà tên riêng của ấp hãy còn mộc mạc, bèn cải thành tên Gia Thọ ấp. Ấy là nhân (tên gọi) cũ mà chuyển thành (tên) mới; đổi từ chỗ mộc mạc thành ra văn vẻ…
Tại sao vậy? (Bởi vì) chữ Da (nghĩa là cây dừa) cùng âm với chữ Gia (có nghĩa là tốt đẹp, phúc lành); còn chữ Thọ/thụ (nghĩa là cây) cũng cùng âm với chữ Thọ (nghĩa là sống lâu). (Mang) danh xưng ấy không chỉ vì dân trong ấp có gái chăm giữ gìn tiết hạnh, có trai ra sức canh tác ruộng vườn; không chỉ vì có những tập quán cư xử tốt đẹp đáng khen mà còn vì nhiều người hưởng được tuổi tác cao… Nay cụ Tham tri họ Nguyễn (Nguyễn Dục - NV) cũng đã thọ đến hơn bảy mươi tuổi rồi! (Do đó) ấp có thể mang danh là “nơi tốt đẹp, hưởng nhiều phúc lành” và có “nhiều người sống lâu” (như âm của tên Gia - Da/ Thụ - Thọ lúc ban đầu). (Đổi sang) tên ấy ai (dám) bảo là không phù hợp! Từ nay (từ khi tên ấp mang nghĩa mới) về sau: (mong sao) dân nông được mùa màng thuận lợi; kẻ học hành mài miệt sách vở thi phú; được gánh vác lâu dài ơn trạch vạn thế thái bình…”.
Hòa Mỹ Tây: Bài phú liệt kê 118 tên xã
Tác giả bài phú này là ông Trương Trọng Hoàng người làng Hòa Mỹ Tây, tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ (nay là vùng thôn Thuận An, xã Tam An, huyện Phú Ninh). Tác giả này còn được gọi là “Học Hoàng” bởi từng được xếp vào diện “học sinh” - tức là học trò chữ Nho đã qua kỳ sát hạch của tỉnh, được chọn và được cấp học bổng để ra học ở trường Quốc tử giám ở kinh đô Huế cùng với các “tôn sinh” (thuộc dòng dõi tôn thất triều Nguyễn) và ấm sinh (con quan được chọn qua một kỳ sát hạch học lực), sống vào đầu thế kỷ 20. Hoàn cảnh ra đời của bài phú được nhiều vị cao niên làng Hòa Mỹ Tây xưa kể đi kể lại như sau:
Sau cuộc chống sưu thuế năm 1908 và cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội tháng 5.1916 tại khu vực Tam Kỳ, để yên lòng dân, Pháp và chính quyền Nam triều cử về Tam Kỳ một tri phủ có đức độ là ông Lê Trung Khoản. Khi trị nhậm ở Tam Kỳ, ông Khoản rất được lòng dân. Vì thế, khi ông tri phủ này về hưu, Học Hoàng làm một bài phú đưa tiễn để ngầm khen tặng. Bài phú đó có tên “Tam Kỳ phủ bách thập bát xã phú” (Bài phú về 118 xã thuộc phủ Tam Kỳ) rập theo cách viết trong “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An thế kỷ 17, dùng các địa danh làng xã tại địa phương để hình thành các cặp câu biền ngẫu. Tuy gắn các địa danh gần liền kề nhau nhưng câu văn vẫn có nghĩa hoàn chỉnh.
Xin đơn cử một đoạn để thấy tài sắp xếp khéo léo của tác giả: “Công ký Tài Đa; Công hựu Phú Mỹ/ Phẩm cách Long Bình; học vấn Sung Mỹ/ Lam Điền, Tích Phước, chủng Quế Phương nhi bản, chiếm Xuân Vinh/ Thạnh Mỹ, Trường An, danh Phước Lộc nhi phong, gia Vinh Quý...”. Tạm diễn nghĩa bóng như sau: “Ông đã nhiều tài, lại giàu nết đẹp. Ông rất công bình, lại giàu chữ nghĩa. Ông thúc đẩy sự học nên địa phương trị nhậm có nhiều người đỗ đạt; ông mang lại sự hưng thịnh, tốt đẹp, yên ổn lâu dài cho làng xã. Vì thế ông được dân chúng mến mộ, quý trọng”. Hoặc câu: “An Mỹ đông tây: hữu vật hàm y Đức Bố/ Hòa Thanh thượng hạ: phong ba cọng dẫn Vân Hà” (nghĩa bóng: tiếng tốt của ông lan tỏa khắp địa phương chúng tôi). Người đọc gặp trong đoạn văn có nghĩa này rất nhiều tên các làng xã xưa (được viết hoa trong đoạn trích dẫn trên) ở phạm vi các vùng Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành bây giờ.
So với 223 tên xã thôn phường ấp thuộc sáu tổng của huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam được liệt kê trong sách Đồng Khánh địa dư chí (hoàn thành vào cuối thế kỷ 19), có thể biết bài phú về 118 xã của ông Trương Trọng Hoàng được viết sau khi huyện Hà Đông được giao về phủ mới lập Tam Kỳ (1906); khi đó vùng tổng Tiên Giang thuộc huyện Hà Đông cũ đã được nâng lên thành một đơn vị hành chính độc lập là huyện Tiên Phước. Năm tổng còn lại được phân thành 7 tổng trực thuộc phủ Tam Kỳ là: Vinh Quý, Chiên Đàn, Phú Quý, Đức Hòa, Đức Tân, Phước Lợi, An Hòa. Qua bài phú, có thể biết số lượng tên làng xã Tam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20 đã ít hơn rất nhiều so với thời Đồng Khánh trước đó - chắc chắn là do nhập lại sau khi vùng này được nâng lên thành phủ mới.