Tự bạch của người bệnh ung thư

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 11/12/2019 14:02

LTS: Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, sinh năm 1947, là người con tài hoa của quê hương Quảng Nam. Ông nổi tiếng với nhiều trước tác âm nhạc, nghiên cứu - biên khảo và văn chương, báo chí; trong đó có bài tình ca thế kỷ “Thu, hát cho người”. Tưởng bước vào tuổi xưa nay hiếm ông được an nhàn nhưng không may những cơn bạo bệnh liên tục ùa đến hành hạ ông suốt mấy năm qua, rồi cuối cùng ông lâm trọng bệnh ung thư. Giữa những ngày buồn của cuộc đời này, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển khao khát được sống, được cống hiến biết bao nhiêu, nên liên tục xuất bản nhiều cuốn sách và tập nhạc. Vậy mà giờ đây người nhạc sĩ già phải đi hóa trị, ông gặp nhiều bà con nghèo cùng cảnh ngộ bệnh tật vật vã ở bệnh viện, ông lại viết bài để tự bạch nỗi lòng và tiếp tục gióng lên hồi chuông về những căn bệnh ung thư quái ác đang hành hạ đông đảo thân phận người Việt. Báo Quảng Nam xin đăng tải bài viết của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, hầu mong quý bạn đọc gần xa chia sẻ với nỗi đau của một người và cũng của nhiều người, đồng thời hãy chung tay phòng chống bệnh ung thư.

Tôi hoàn toàn không nghĩ đến chuyện ngoài bảy mươi tuổi mình sẽ bị ung thư và chính thức trước bạ tên tuổi mình vào danh sách những người bệnh ung thư Việt Nam vào tháng 11.2019. Tuy nhiên, học theo cách nói của Đức Phật “Ta không vào địa ngục thì ai vào”, tôi cũng có thể nói “Tôi không bị ung thư thì ai bị”. Đáng lẽ ra, tôi phải được biết trước điều đó trên vài năm nhưng các vị thầy thuốc cứ mãi đi tìm căn bệnh trong những biểu hiện cụ thể ở gò thanh đới mà quên mất chuyện đọc kỹ phim X quang phổi đứng của tôi. Nếu họ chịu khó đọc X quang phổi đứng thì căn bệnh đã hiện ra lồ lộ sớm hơn được vài năm và thời cơ chữa trị tốt hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, tôi không trách ai; hoàn toàn không trách ai. Tôi rất biết ơn các thầy thuốc, các y tá, điều dưỡng, y công đã chữa trị, săn sóc và tìm ra đúng căn bệnh cho tôi. Họ đã chịu nhiều hy sinh, gian khổ khi chăm sóc cho tôi. Ai cũng dịu dàng, ai cũng lịch sự, ai cũng chia sẻ với tôi những điều lo nghĩ. Ai ở trên cuộc sống này mà không trải qua những căn bệnh khó chịu. Bệnh tật như một định mệnh gắn liền với số phận làm người. Đến người thầy thuốc cũng phải vào bệnh viện cho các đồng nghiệp của họ chữa trị bệnh ung thư nữa là tôi.

Ngày 24.11.2019, tôi được chuyển viện qua Trung tâm Ung bướu Nơ Trang Long, nơi chính thức điều trị. Tôi đi trên một chiếc xe Toyota vẽ biểu tượng cứu thương, có lẽ đã cũ mấy chục năm rồi, hoàn toàn không có băng ca. Xe ghé qua Bệnh viện Đại học Y Dược để cô y tá lấy thêm một thứ giấy tờ chuyên môn gì đó hợp lệ tình trạng hành chánh. Người ta thật đông, ra vào tấp nập ở phòng nhận bệnh. Anh lái xe nói: “Thậm chí có giường bệnh nhân nằm ba tầng đó chú”. Câu nói đó khiến tôi phải nhìn lại chiếc xe cứu thương cũ đưa mình đi. Dẫu sao, đây cũng vẫn là một chuyến xe, không phải chen lấn với ai mà vẫn qua được Trung tâm Ung bướu.

Người xưa xếp ung thư vào trong bốn bệnh nan y, không chữa chạy được. Ấy bởi vì y học cổ điển phương Đông ngày xưa không có phẫu thuật, không có tia xạ, không có những loại thuốc được tinh chế đưa vào cơ thể người bệnh. Người đời nay tin vào sự tiến bộ của bệnh lý học, của thuốc men và phương tiện chữa trị tiên tiến, khẳng định “ung thư biết sớm chữa lành”. Tuy nhiên đi vào thực tế chữa trị ung thư thì lại là khác; ngay trong giới thầy thuốc cũng có những quan điểm trái chiều nhau. Nhiều vị bác sĩ là bạn bè cũ ghé thăm tôi khuyên không chữa trị gì hết, không dùng thuốc men, cứ hít thở thuận theo tự nhiên, ăn uống thuận tự nhiên là có thể duy trì đời sống và vượt qua căn bệnh. Thuốc men hóa trị mạnh thật nhưng nó diệt được tế bào độc hại thì cũng có thể diệt tế bào hữu ích nơi con người. Ngược lại, nhiều bác sĩ và bạn bè khác lại khuyên tôi điều trị thật nghiêm túc, không xạ trị thì hóa trị để giữ mạng sống. Họ cho biết công thức điều trị ung thư trên toàn thế giới ngày nay đều như vậy cả, điều trị ở ta cũng như điều trị ở các nước tiên tiến, nghĩa là bài bản có sẵn rồi. Họ đưa ra một số biểu tượng điều trị nghiêm túc, đã vượt thoát qua cơn nguy cấp và khỏe mạnh trở lại.

Tuy nhiên, một điều nữa mà người bệnh ung thư cần biết là giá thuốc chênh lệch nhau rất xa. Thuốc mới nhất của Mỹ hay của khối châu Âu có thể lên vài chục triệu một hũ trong khi giá thuốc trôi nổi trên thị trường do một số nước châu Á sản xuất thì chỉ khoảng ba hoặc bốn triệu một hũ. Tôi chọn loại giá thuốc trung bình. Dẫu sao, tôi cũng cố giữ gìn mạng sống cho mình được đến đâu hay đến đó. Thiên tính của con người là ham sống sợ chết, ngàn xưa đã nói như vậy và sẽ vậy. Bệnh nhân ung thư như con người chìm đò trên sóng dữ, chỉ mong bám vào một cái gì đó để khỏi chết chìm, nghĩa là gặp miếng củi mục cũng cố mà bám. Hàng trăm ngàn người ung thư Việt Nam đang sống trong nỗ lực đeo bám đó. Tôi nghĩ sống thì tốt quá thôi nhưng chất lượng những ngày tháng còn sống không ra gì, thật sự nghe cũng rất nản.

Cứ đúng ba tuần, tôi được hóa trị một lần, chừng bốn hũ thuốc đặc trị và hai mũi thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch cùng với nước dịch truyền. Khái niệm “vô thuốc” hay hóa trị là như vậy. Khái niệm “xạ trị” - đưa tia xạ vào người, thì giản dị hơn nhưng cơ địa của tôi không thích nghi được xạ trị. Số tiền thuốc men và dịch vụ phải thanh toán cho bệnh viện mỗi lần hóa trị là trên dưới mười bảy triệu đồng. Tôi may mắn ký được hai hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng khai thác bản quyền sách với hai nhà xuất bản, lại lãnh được tiền tác quyền âm nhạc quý 3 năm 2019 nên cũng đủ để thanh toán mấy lần hóa trị. Nhưng sau đó thì là gì? Tôi định cố gắng theo hóa trị chừng sáu lần; sau đó thì thôi, không hóa trị nữa. Đường đi xa thăm thẳm, dài hun hút; làm sao cái đầu già nua có thể đẻ ra đồng tiền trẻ trung? Đối với tôi bây giờ, sống là sống cho vui. Sau mỗi lần hóa trị, con người rất vật vã, mệt mỏi; thường phải nằm mấy ngày cho lại sức. Tôi ăn canh rau cho thân thể mát lại một chút. Nửa chén cơm, một miếng cá hay thịt, nửa chén canh rau, một ít rau luộc - đó là những gì mà tôi được ăn. Cái này là lỗi của cơ thể mình; cái miệng chán ăn một cách lạ lùng.

Ung thư là bệnh của người nghèo. Trong khuôn viên của Trung tâm Ung bướu, người ta đi lại tấp nập; khuôn mặt tràn đầy vẻ mong đợi như tôi, áo quần lèng xèng như tôi và có lẽ tâm trạng cũng đang bối rối như tôi. Chẳng có gì vô lý hơn khi anh dành hết mọi nguồn lực của gia đình để chữa trị một căn bệnh mà anh biết mình có cố gắng đến đâu cũng chết. Thế nhưng, anh không thể không trị nó cho nên anh tìm mọi cách kiếm ra đồng tiền để chữa trị nó. Có những bà con ở tỉnh xa lên chữa trị không có tiền ngủ khách sạn hay thuê nhà, đành chiếm dụng những hành lang, những khoảng trống dọc các phòng vệ sinh hay những gầm cầu thang, lót một tấm giấy carton dày nằm ngủ. Họ đã chịu qua những đêm lạnh của mùa mưa Nam Bộ, những đêm xa nhà thiếu vắng người thân. Họ ăn cơm hộp, ăn bánh mì với cái giá vài chục ngàn đồng trở lên. Họ cố bám lấy sự sống, hy vọng chữa được bệnh ung thư để trở về gia đình với những người thân yêu và sống những ngày còn lại. Tôi chỉ hơn họ ở chỗ tôi có nhà cửa ngay trong thành phố này. Còn họ, họ hơn tôi ở chỗ dậy trước 6 giờ sáng, nộp giấy xin khám bệnh hay xin đóng tiền để khoảng 7 giờ 30 được gọi tên. Được gọi tên đóng tiền thật là hạnh phúc. Tôi cũng có cái hạnh phúc nho nhỏ đó nhưng chậm hơn họ.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tự bạch của người bệnh ung thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO