Các tư liệu chữ nho hiện còn ở vùng ven sông Tam Kỳ đã cho biết nhiều chi tiết rõ ràng về lai lịch của “chợ Vạn - Tam Kỳ” từ lúc mới thành lập vào thời Tây Sơn đến niên hiệu Duy Tân thời Nguyễn.
Cổng vào đình làng Tứ Bàn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Từ “man Suối Đá” đến “thôn Tứ Bàn”
Nhiều văn bản chữ nho có chữ ký của lý hào xã Tam Kỳ, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam xưa hiện còn lưu ở một gia tộc ở khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ đã cho biết “Suối Đá” là tên xưa nhất của nơi hiện nay là khu vực chợ Tam Kỳ và phụ cận (thuộc hai phường Hòa Hương và Phước Hòa). Trước tên chữ nôm này có ghi địa hiệu là “man”. Hiện còn thấy rõ tên “man Suối Đá” trên tấm bia mộ ông Nguyễn Phước Doãn ở nghĩa trang Gò Trầu, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành. Ông Doãn là một trong 7 vị tiền hiền có công quy dân, mua đất, lập địa bộ… ở vùng đất nói trên.
Tra cứu trong các sách địa chí xưa, đặc biệt là sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776) có thể biết “man” là đơn vị hành chính chỉ một đơn vị dân cư có chợ ven thủy lộ. Chợ này là nơi tập trung số đông dân sống trên các ghe thuyền (gọi là vạn) sau mua hoặc thuê đất trên bờ lập các quầy hàng buôn bán. Các cư dân sông nước này thường là dân ngụ cư, tập hợp từ nhiều nơi khác nhau mà người dân chính cư (dân gốc) thường gọi là dân “tứ chiếng”. Cách gọi này bắt đầu từ chữ nho “tứ chánh” có hàm nghĩa là tụ họp lại từ bốn hướng, bốn phương; nói chung là từ nhiều nơi khác đến. Vì thế, trong các văn bản xưa, thường gặp cách gọi “tứ chánh” + địa danh để chỉ vùng tập trung nhiều dân cư buôn bán có nguyên quán từ nhiều nơi. Ở vùng Tam Kỳ xưa, thấy có tên “Tứ chánh An Hà” (nay là vùng ven Sông Đầm thuộc phường An Phú và vùng Khu công nghiệp Tam Thăng - cả hai đều thuộc TP.Tam Kỳ) và tên “Tứ chánh Bàn Thạch” (nay là khu vực chợ Tam Kỳ và phụ cận).
Mộ ông Nguyễn Phước Doãn - tiền hiền thôn Tứ Bàn. Người đứng bên mộ là hậu duệ. Ảnh: PHÚ BÌNH |
Địa phương có tên nôm Suối Đá nói trên đã từng được học giả Lê Quý Đôn ghi nhận khi kể về đường hành quân từ dinh Quảng Nam đến phủ Quảng Ngãi như sau: “…từ chợ Chiên Đàn qua quán Suối Đá (suối có cầu ván), sông Tam Kỳ, quán Phú Khang đến sông Bầu Bầu hết một ngày”. (Phủ biên tạp lục, bản dịch của Viện Sử học, Hà Nội, 1964, tr.121). Về sau tên nôm này đã chuyển thành tên chữ nho là “Tuyền Thạch” (泉石). Đến sau năm 1841 (Thiệu Trị thứ 3), do kỵ húy, đã đổi thành Bàn Thạch (盤石).
Theo tư liệu hiện còn, “chợ man Suối Đá” được lập vào năm Thái Đức thứ 8 (1785) của vương triều Tây Sơn. Tên “chợ Man” ở vùng Tam Kỳ được dùng thông dụng mãi đến khi bộ “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn được khắc in vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19. Trong bản sách này, ở mục “Chợ và Quán” của tỉnh Quảng Nam, tên “chợ Man” được ghi nhận như sau: “Chợ Tam Kỳ ở huyện Hà Đông, tục gọi là chợ Man” (Bản dịch, NXB Khoa học, Hà Nội 1970, tập 2, trang 332).
Chuyện tranh chấp
Suốt thế kỷ 18, địa bàn có chợ Bàn Thạch Tam Kỳ (bao gồm vạn Bàn Thạch - trên sông) đều thuộc về sổ bộ hành chính của xã Tam Kỳ, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông và cư dân (bao gồm dân chính gốc và dân ngụ cư - còn gọi là “chính hộ” và “khách hộ”) đều phải đóng thuế đất, thuế chợ… cho xã Tam Kỳ.
Đến sau khi phủ Tam Kỳ được thành lập (1906), nhân có việc tách nhập địa bàn dân cư của hai huyện Hà Đông và Tiên Phước, dân man Bàn Thạch - Tam Kỳ đã làm đơn xin Tri phủ Tam Kỳ (chính quyền Nam triều) và các người đứng đầu ở Đồn Đại lý Tam Kỳ cùng Tòa Công sứ Hội An (chính quyền Pháp) được tách ra thành một “thôn” riêng (biệt lập thôn hiệu). Lý do xin tách, được khai là “để thuận tiện cho việc đóng thuế”; bởi, chợ Vạn Tam Kỳ khi ấy đã có hoạt động thương mãi khá phát triển nên xã Tam Kỳ (vốn đa số là cư dân nông nghiệp) buộc khu vực này phải gánh mức thuế cao hơn các khu vực dân nông còn lại của xã. Từ việc xin tách thành thôn hiệu riêng này đã thành vụ tranh chấp quyền sở hữu ngôi chợ Vạn Tam Kỳ kéo dài suốt thời vua Thành Thái, Duy Tân (1906 - 1916) đến năm thứ tư thời vua Khải Định (1919) mới ổn.
Tấm bia ở mộ ông Nguyễn Phước Doãn có ghi chữ “Suối Đá man” ở đầu dòng chính giữa. Ảnh: PHÚ BÌNH |
Đến khi có được sổ bộ đinh, điền riêng (theo sổ bộ ký ngày 21.11.1916 - Khải Định nguyên niên) man Bàn Thạch chính thức đổi tên thành “Tứ chánh Bàn Thạch thôn” gọi tắt là “Tứ Bàn” và đóng thuế riêng; biệt lập với bộ thuế của xã Tam Kỳ. Tên Tứ Bàn từ đó chính thức được ghi trên bản đồ tỉnh Quảng Nam do thực dân Pháp vẽ và công bố khoảng sau năm 1916.
Mấy ký ức về chợ Vạn
Một số vị cao niên ở thị xã (sau là thành phố) Tam Kỳ nhớ lại quang cảnh vùng chợ Vạn - Tứ Bàn trước năm 1945 (NV tổng hợp lại) như sau:
Làng Tứ Bàn gồm bộ phận dân cư nhiều nơi đến ngụ cư rồi mua đất định cư ở ven sông Bàn Thạch - một nhánh của sông Tam Kỳ - nơi lưu truyền câu ca: “Hồ, Huỳnh, Trần, Nguyễn, Đỗ, Đinh, Lê/ Đồng hướng Nam du hội nhất tề…”. Tại khu vực này, có một miếu thờ 7 họ tộc đã được nhắc đến trong câu ca trên: đó là “Miếu thất phái” sau trở thành trụ sở đình làng Tứ Bàn còn được gọi là “đình thất phái”. Chếch về phía nam “đình thất phái” khoảng 300 mét là Quỳnh Phủ hội quán do các kiều dân người Hoa gốc Hải Nam thành lập. Trong khu vực hội quán này có chùa Chiêu Ứng được xây dựng mang tên trùng với Chiêu Ứng tự tại Hội An.
Dãy phố nằm giữa hai cơ sở văn hóa trên được dân địa phương thời Pháp thuộc quen gọi là “dãy dọc” (nay nằm trên trục đường Duy Tân). Trên dãy phố này, có nhiều cửa hàng của người Việt như An Lợi bán rượu, ông Hai Dao bán cao lầu, bà Bảy Sửu cho thuê truyện, ông Thuyết buôn lâm thổ sản, ông Sum buôn mắm, bà Khải, bà Đức Thọ, bà Năm Nho… Gia đình ông Nguyễn Quý Hương, thư ký tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, từng một thời sống ở dãy phố này.
Bến chợ Vạn thuộc làng Tứ Bàn trên sông Bàn Thạch nằm ở điểm giao hội các con đường từ Trà My, Tiên Phước xuống vùng hạ bạc và con đường dẫn lên khu chợ Vạn (nay là đường Xóm Củi sát mé sông, thuộc phường Phước Hòa).
Chợ Vạn là nơi tập trung buôn bán khá sầm uất, gần đấy có một dãy phố “Hoa kiều” gọi là “dãy ngang” (nay thuộc đường Phan Đình Phùng, gần trụ sở phường Phước Hòa). Nơi đây, đến giữa thế kỷ 20, vẫn còn san sát các hiệu buôn người Hoa như các ông Năm Ngô, ông Phong, ông Bang Căn, ông Lý Tuế (ông Cào), ông Cao Vinh Sanh (Đạt An), ông Cả Chiếu (Ngô Quân Tụ), Quảng Nam Lợi, Phúc Xuân Lợi, Quảng Nam Thạnh, Phước Dũ Thạnh… Các hiệu buôn này chủ yếu làm đại lý trung chuyển nguồn lâm thổ sản từ các miền nguồn nam Quảng Nam đưa về Hội An để xuất khẩu; một số hành nghề thuốc bắc. Có thể kể thêm một đại lý cho hãng rượu Sica của Pháp tại khu vực này là ông Nhì Xùng (Di Sùng?). Về sau, đến thập niên 1930, khi chợ Mới (sau gọi là chợ Mai) được thành lập ở cách đó 500 mét về phía tây bắc thì chợ Vạn được người địa phương đổi tên thành “chợ Cũ”.
PHÚ BÌNH