Từ bản tuồng xưa đến trang báo cũ

PHÚ BÌNH 24/06/2017 10:59

Trong bộ tư liệu còn lưu ở thôn Tịch Đông, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành có một văn bản khá thú vị: đó là một phần bản tuồng hát bộ - nay mới tìm thấy của một ông tú tài người địa phương. Điều đặc biệt là bản tuồng này được chép ở mặt sau của mấy trang báo được ấn hành cách nay hơn 100 năm.

Từ một bản tuồng xưa

Ở làng Khương Mỹ - ven hữu ngạn sông Tam Kỳ xưa (nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành) có một ông tú tài nổi tiếng hay chữ là Tú Quờn (tác giả bài “Văn tế cô hồn” đã được giới thiệu trên báo Quảng Nam cuối tuần ngày 6.8.2016). Ngoài sáng tác thơ văn, ông này còn là một nhà soạn tuồng hát bộ. Bản tuồng tự dạng chữ nôm có tên “Đổ bác” (phê phán tệ nạn cờ bạc) được cho là thất truyền vừa được tìm thấy một phần tại nhà ông Dương Văn Dục ở thôn Tịch Đông. Bản tuồng này do ông Dương Văn Long - từng giữ chức lý trưởng hồi đầu thế kỷ 20 chép lại. Ngay sau dòng ghi “Dương Văn Long thủ ký” có hai chữ Nho - đọc theo âm nôm là “Bán đồ”. Căn cứ vào nội dung chép ở sau, có thể biết “Bán đồ” chỉ việc bán đồ đạc, ruộng vườn… để trả nợ đánh bạc - một tệ nạn từng làm tan cửa nát nhà bao người vào thời Pháp thuộc.

Trang đầu và trang cuối của tờ Nam Việt công báo số 73 ngày 10.10.1908.
Trang đầu và trang cuối của tờ Nam Việt công báo số 73 ngày 10.10.1908.

Sau khi phiên âm toàn bộ bản tuồng này, tôi phát hiện đó là một hồi được trích đoạn từ bản tuồng “Đổ bác”. Nhân vật chính có mặt trong trích đoạn này là Biện Đô - một chức dịch ở làng Khương Mỹ  là một kẻ “Lòng không hai chữ hồ đồ; Dạ dám một câu phát biểu/ (Như tôi đây)/ Thơ Tào Thực còn nhường thất bộ; Võ Khương Công hãy kém lục thao/ Việc nông tang không kém mặt nào; Nghề đổ bác chi cho ai lận” (chép lại nguyên văn). Biện Đô cùng kế mẫu là mụ Thứ lập một sòng xóc dĩa “Dụ các bậu đến chơi; Kiếm ba đồng đỡ ngặt”. Họ toa rập với Trùm Lộ,  (Lý) Trưởng Dung là những người đứng đầu trong làng; nhờ các ông này che chắn cho sòng bạc. Từ đó, bọn họ đưa các con bạc vào bẫy, gây nợ nần khiến phải bán của cải trong nhà để trả.

Qua đoạn trích, có thể thấy được một phần hình ảnh tệ nạn của xã hội thực dân phong kiến hồi đầu thế kỷ 20. Đặc biệt hơn, qua văn phong của bản tuồng có thể thấy ngôn ngữ và cách thể hiện của tuồng hát bộ với đề tài dân gian (thường được gọi là “tuồng đồ”) của Quảng Nam thật sự có nét khác biệt với tuồng hát bộ ở các địa phương khác.

Đến các trang báo cũ

Trích đoạn tuồng nói trên được chép ngay mặt sau của các bản “công báo” (báo do chính quyền Pháp và Nam triều phổ biến chính thức) có tên “Nam Việt công báo”. Nhìn cách bố trí in ấn của các trang báo còn lưu tại nhà ông Dương Văn Dục có thể biết tờ công báo nói trên được in một mặt; mặt kia để trống (vì thế ông Dương Văn Long mới có thể chép bản tuồng nói trên vào phần trống ấy). Các trang báo mà chúng tôi tìm thấy là các số ra ngày Chủ nhật 20.12.1908 (số 32) và Chủ nhật 10.10.1909 (số 79). Ở số 79 năm 1909 còn nguyên trang đầu với các dòng đề tên “Nam Việt công báo” bằng chữ Nho cỡ lớn và dòng chữ Pháp kế theo “Journal officiel en Caractères et en Quoc ngu” (Công báo in bằng chữ Nho và chữ Quốc ngữ). Cuối trang đầu có dòng chữ Nho “Bổn báo nguyệt hữu tứ kỳ; mỗi lễ bái nhật ấn phát nhất thứ. Đồng niên báo tư trị Tây tiền… quan. (Bản báo mỗi tháng có 4 kỳ; mỗi chủ nhật in và phát hành một kỳ. Cả năm, giá báo tính bằng tiền Đông Dương là… quan). Trên các trang báo vừa tìm thấy không thấy ghi giá tiền nên không biết được giá mua lúc đương thời là bao nhiêu?

Phần mục lục (chữ Nho) in trong trang đầu của số báo 73 (10.10.1909) gồm: Phần chữ quốc ngữ có các tin/bài như: 1. Tin Vĩnh Yên, 2. Có công thì thưởng, 3. Làm sao nước Đại Pháp được thịnh vượng (bài nối), 4. Yết thị, 5. Công chú tư tài tỉnh Thái Bình (Bảng kê ngân sách của tỉnh Thái Bình - NV), 6. Sự tập bơi (bài nối), 7. Phép cân, đo lường (bài nối). Phần chữ Nho có các tin/ bài “Bộ văn phê lục” (Sao lục các công văn của các Bộ), Nhung công báo tiệp (Báo tin thắng trận), Quan lại thuyên chuyển (Tường trình việc thuyên chuyển của quan lại), Chế dương lạp (Cách làm nón Tây), Trung Thu tiết: Tỉnh phí chi khả hỉ (Nhân Tết trung thu bàn việc tiết kiệm mà vẫn vui). Qua các nội dung trên (được thể hiện chi tiết ở các trang kế) có thể thấy tờ công báo của chính quyền thực dân phong kiến đương thời ở Trung kỳ đương thời không chỉ thông báo các sinh hoạt cai trị, hành chính… mà còn nhắm đến việc hướng dân trí vào các mục đích đã định sẵn.

Đặc biệt, trong số báo này, có thể tìm thấy một chi tiết mà các nhà viết sử rất cần - đó là đoạn cuối về cuộc Khởi nghĩa của người anh hùng Hoàng Hoa Thám chưa được các nhà nghiên cứu biết tường tận. Xin chép lại một đoạn trong “Tin Vĩnh Yên” mà tờ báo trên kể lại: “Hôm mùng năm tháng mười tây này quan quân vừa đánh được đảng tên phỉ Thám một trận nữa. Quan Khâm sai cho thủ dũng đi dò thám mãi mới được biết rằng đảng tên phỉ Thám vào ẩn trong rừng về phận núi Lãng huyện Lập Thạch. Đến lúc dò được thực chỗ đảng ấy ở thì thủ dũng đưa quan quân về đánh. Chỗ tên phỉ Thám và đảng nó đào hố nó ẩn thì hiểm lắm. Đường đi vào tinh là đường xuyên sơn, đi vào đường núi dốc lắm. Lúc quân lính đi vào cứ yên lặng mà đi mất năm giờ đồng hồ, mãi đến gần một giờ chiều mới đến chỗ đảng ấy ở thì mới đánh được. Cái đảng tên Thám có độ bốn mươi đứa cố sức chống cự với quan mà giữ mấy cái hố nó đào đã hiểm lắm. Nhưng quan đánh thật lực lấy được bốn cái hố thì đảng nó phải lùi mà trốn đi”. Tiếp theo đó là 17 dòng kể về việc thu được “dao rựa, xẻng cuốc” cùng “sáu khẩu súng” và “một cái bao da đựng giấy tờ riêng của tên phỉ Thám” cùng việc tiên đoán (của bài báo) về sự suy yếu lực lượng Đề Thám - một thủ lĩnh được dân ta vinh danh là “Hùm thiêng Yên Thế”; từng làm cho giặc Pháp và tay sai thất điên bát đảo. Đọc lại bản tin này, dù hơn 100 năm đã trôi qua, như thấy hiển hiện trước mắt một trong những hình ảnh lẫm liệt của những người con đất Việt - khí phách và gan góc trong hành trình chống giặc Pháp xâm lược.

Một bản tuồng xưa, mấy trang báo cũ may mắn còn sót lại ở một thôn ấp heo hút ven sông đã kể lại với chúng ta biết bao điều về một thời kỳ tủi nhục đã vĩnh viễn bị chôn vùi. Chỉ một vài trang báo cũ thôi mà cũng đã gợi nên bao dáng hình của một thời kỳ lịch sử.

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ bản tuồng xưa đến trang báo cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO