Tu bổ cấp thiết giếng cổ Hội An

HOÀNG LIÊN 12/02/2015 10:23

Trước thực trạng hàng loạt giếng cổ có tuổi trên hàng trăm năm bị xuống cấp, TP.Hội An vừa có kế hoạch tu bổ, tôn tạo cấp thiết đối với một số giếng. Đây là động thái tích cực trong việc bảo tồn, gìn giữ kiến trúc cổ cũng như lưu giữ giá trị văn hóa làng xã.

Nguy cơ thành phế tích

Theo thống kê, Hội An hiện còn lưu giữ khoảng 80 giếng cổ nằm dọc khu vực sông Đế Võng, thuộc xã Cẩm Hà, phường Thanh Hà và khu trung tâm phố cổ. Theo ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản và văn hóa Hội An, các giếng cổ nằm dọc theo các dòng chảy cổ hay các dòng sông cổ gắn liền với di tích lịch sử Chàm với lối kiến trúc đa dạng như: hình tròn, hình vuông, trên tròn dưới vuông, trên vuông dưới tròn hay những hình thù kỳ lạ do người Chàm xây dựng vào thế kỷ thứ XV. Từ lâu, những giếng cổ trở thành loại hình di tích lịch sử, văn hóa hết sức độc đáo. Cũng theo ông Trung, qua đối chiếu tư liệu lịch sử Ba Tư, Ả Rập, xưa kia thương thuyền cổ trên biển thường ghé Hội An, Cù Lao Chàm lấy nước ngọt, củi dự trữ vì đây là nơi trung chuyển của ghe thuyền. Thời hưng thịnh của thương cảng, giếng cổ hình thành dày đặc ở vùng Hội An và Cù Lao Chàm, chừng 50m là có một giếng. Hệ thống giếng này được xây dựng với kỹ thuật, phong thủy rất đặc biệt nên mạch nước rất trong, ngọt, mùa nắng hạn đến mấy cũng không hề khô cạn. Và trên vùng đất thương cảng xưa kia, hệ thống giếng cổ luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của cư dân bản địa. Tục thờ thần giếng (tỉnh thần) gắn liền với tín ngưỡng thờ thần cùng những kiêng kỵ như không được múc nước vào ngày tết hay không được lấp giếng… được lưu giữ tới tận ngày nay.

Giếng Bá Lễ vừa là nguồn cung nước ngọt dồi dào, vừa là địa chỉ văn hóa du lịch. Ảnh: H.L
Giếng Bá Lễ vừa là nguồn cung nước ngọt dồi dào, vừa là địa chỉ văn hóa du lịch. Ảnh: H.L

Tuy nhiên, theo thời gian, các giếng cổ ngày một xuống cấp trầm trọng, nhiều giếng cổ dần biến thành phế tích, thậm chí bị “xóa sổ”. Số giếng cổ được người dân tận dụng để khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt chỉ đếm trên đầu ngón tay, và đó cũng chính là địa chỉ văn hóa du lịch như: giếng Bá Lễ, giếng Trà Quế, giếng miếu Âm Hồn, giếng Mái (chợ Hội An) hay giếng Xóm Làng (Cù Lao Chàm). Trong khi đó, hàng trăm giếng cổ khác ở trong khu dân cư, trong vườn tược, đồng vắng… đứng trước nguy cơ bị hư hỏng, trở thành “vô dụng”, không ít giếng bị bỏ hoang lâu ngày đã đổ nát, cây cỏ mọc um tùm bao quanh thành giếng trông nhếch nhác. Ông Nguyễn Chí Trung nhìn nhận, chính vì không được quan tâm đúng mức và trước tốc độ của đô thị hóa diễn ra chóng mặt đã kéo theo hệ lụy là các giếng cổ bị chôn vùi rất nhiều. Đặc biệt, giếng nằm trong vườn nhà dân hầu như đã bị san lấp đến nỗi mất dấu tích.

Lập phương án tôn tạo

“Trước số lượng quá lớn giếng cổ, không thể trùng tu gấp rút được trong ngày một ngày hai mà sẽ chia nhỏ ra nhiều giai đoạn. Song song với công tác trùng tu, đơn vị đảm nhiệm việc tôn tạo sẽ tiến hành khai quật những giếng đã bị đất đá bồi lấp và tiếp tục lập hồ sơ để tu bổ các di tích này” .
(Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản và văn hóa Hội An)

Trước tình hình giếng cổ dần biến thành phế tích, vừa qua, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa đã tham mưu với UBND TP.Hội An khẩn trương đánh giá thực trạng và nhanh chóng lên phương án bảo tồn giếng cổ trước khi quá muộn. Ông Nguyễn Chí Trung cho hay, theo kế hoạch của TP.Hội An, trước mắt 8 giếng cổ tại phường Minh An và Cẩm Phô nằm trong diện được tu bổ, tôn tạo đợt này gồm: giếng cạnh nhà thờ tộc Nguyễn Tường, trước nhà số 685 đường Hai Bà Trưng, tại công viên Kazic, đình Ông Voi, miếu Âm Hồn, Văn thánh miếu Minh Hương, Tín Nghĩa từ và trước nhà số 96 Nguyễn Thái Học. Và nguyên tắc đầu tiên việc tu bổ là dựa trên giá trị, kiến trúc và hình thái cũ. Trước mắt, sẽ tập trung vào một số giếng cổ còn được sử dụng, một mặt tu bổ, một mặt nghiên cứu, cắm mốc giữ gìn giá trị kiến trúc, văn hóa làng xã.

Hiện, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa đang lập kế hoạch khảo sát, lập dự toán tu bổ để tiến hành trùng tu cấp thiết đối với nhóm 8 giếng cổ nói trên nhằm lưu giữ giá trị, chứng tích của thương cảng một thời, vừa phục vụ nghiên cứu văn hóa lịch sử và phát huy giá trị tham quan, du lịch. Chia sẻ vấn đề này, ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết: “UBND thành phố đã phê duyệt và giao cho Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích lập đề án trùng tu di tích giếng cổ. Giá trị kiến trúc và văn hóa của hệ thống giếng cổ Hội An là rất lớn, thành phố dự định trong tương lai gần sẽ biến các giếng cổ này tạo điểm tham quan văn hóa, du lịch và điền vào danh sách các điểm đến của địa phương”.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tu bổ cấp thiết giếng cổ Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO